Doanh nghiệp thu hàng chục tỷ đồng trên đất công nằm ở vị trí đắc địa trong khi lại bỏ hoang những khu vực khác. Tình trạng này, theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, cần phải rà soát kỹ hơn.
* UBND TP Hà Nội cho biết, 3,6 triệu m2 đất vàng nằm trong tay các tổng lớn. Mới đây, vụ việc Haprosimex khiến nhiều người e ngại về tình trạng sử dụng đất vàng không đúng mục đích. Xin cho biết ý kiến của ông?
Đây cũng là một tiếng chuông nhắc nhở các cơ quan quản lý Nhà nước phải thanh tra, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khu đất công, đặc biệt là đất "vàng". Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải có sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân cùng nhiều sở ban ngành phối hợp, phát hiện các trường hợp vị phạm đất công. Thanh tra với đội ngũ như hiện nay khó có thể đếm xuể được hết tất cả từng nhà để xem trường hợp nào vi phạm.
* Có ý kiến cho rằng, số lượng ít ỏi đất vàng nằm trong tay các doanh nghiệp và rồi họ đem cho thuê lại khiến giá bị đẩy lên cao. Ông nghĩ sao?
Thực tế đúng như vậy. Nhà nước cho thuê theo khung giá quy định, ngoài ra còn có trượt giá từ 0,5-2%. Giá đó nếu để doanh nghiệp cho thuê lại thì hưởng chênh lệch lớn. Hiện chưa có số liệu khảo sát cụ thể, nhưng tâm lý nhà đầu tư là ai cũng muốn giữ đất nội thành.
Ngoài ra, mâu thuẫn ở chỗ đất nội đô chật chội đắt đỏ, đất ngoại thành thì hoang hóa. Đây là một yêu cầu của chuyện hợp nhất, giãn dân. Chúng ta đang trong quá trình vừa rà soát vừa điều chỉnh quy hoạch nên tôi tin rằng sau khi có quy hoạch chung của Hà Nội thì mọi bất cập này sẽ bị xóa bỏ.
Vấn đề đất công bị đem cho thuê lại với giá cao có liên quan đến nhiều cơ quan. Cơ quan thuế cần hỗ trợ, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường để bóc tách tìm hiểu lý do, đánh giá mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề rất khó, vì Luật Đất đai cho phép nếu không sử dụng hết công trình trên đất công, có thể cho thuê một phần.
Khu đất vàng 22 Hàng Lược bị nghi là sử dụng sai mục đích. Ảnh: N.M. |
*
Trong khi đất công ở khu vực trung tâm giá đội lên cao, những khu vực xa trung tâm hay ngoại thành lại bị bỏ hoang, theo ông đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân khách quan và chủ quan đều có. Ngoài chuyện các doanh nghiệp muốn tư lợi riêng, tôi cho rằng, cần phải xét đến các lý do khách quan. Tiêu biểu là tình trạng suy thoái kinh tế, nhiều nhà đầu tư thiếu vốn buộc phải rút lui dẫn đến dự án chậm tiến độ, đất bị hoang hóa. Ngoài ra còn do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.
Tôi biết, có những dự án đã chuẩn bị đâu vào đó nhưng chưa thể triển khai do vướng một vài hộ dân không chịu di dời. Tiếp đến là chính sách thay đổi cũng ảnh hưởng đến tiến độ công trình do nhiều dự án kéo dài gối từ năm nọ sang năm kia. Khi chính sách thay đổi, nhiều chủ đầu tư lập tức dừng lại nghe ngóng.
Ngoài ra, nhiều dự án phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Nhất là sau khi hợp nhất Hà Tây, chủ trương của Chính phủ là dừng lại rà soát, để hợp nhất quy hoạch cũng khiến nhiều dự án buộc phải dừng lại.
Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp rất có tâm huyết đầu tư đã buộc phải dừng lại chờ quy hoạch chung của thành phố. Xét một góc độ nào đó, họ rất đáng thương. Tiêu biểu như cả trục Láng Hòa Lạc buộc phải dừng lại để chờ quy hoạch chung của Hà Nội. Hay một số dự án ở tuyến đường Lê Văn Lương chưa triển khai chờ di chuyển đường dây điện cao thế.
*
Ông đã từng nói rất xót xa khi phải huy động anh em phá lúa để giải phóng mặt bằng, nhưng rồi mảnh đất lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Ông có thể chia sẻ quan điểm rõ hơn về vấn đề này?
Đó là tình trạng khi Hà Tây chưa về Hà Nội. Nhà nước tạo hành lang pháp lý để giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như người dân nhưng cũng có cái khó là nếu nằm trong diện giải tỏa, ai cũng muốn được đền bù thật cao. Nếu không thỏa đáng thì họ nhất định không đi, cứ ôm lấy đất.
Trong khi đó, nếu giá đất đền bù tăng thì chủ đầu tư lại kêu khó khăn về vốn. Đó là bất cập. Tôi cho rằng cần phải có các chính sách đồng bộ thì mới thúc đẩy phát triển được. Chúng ta cần hướng đến cái chung của cả đất nước. Một bên cứ sản xuất phát triển, bên kia cứ giữ chặt lấy đất, thì lấy đâu ra hạ tầng để thúc đẩy sản xuất? Theo tôi, vấn đề cốt lõi là phải tạo được hạ tầng kinh tế cũng như hạ tầng xã hội đồng bộ.
*
Theo ông, làm sao để giải quyết triệt để tình trạng hoang hóa, sử dụng sai mục đích, đặc biệt trong các khu đất "vàng"?
Quản lý đất công khó nhưng đã có những cải biến. Trước đây, các tổ chức như cấp xã cũng có thể giao đất. Giờ đây, đất nằm trong kế hoạch sử dụng mới được giao và phải theo quy hoạch chung. Các tổ chức muốn xin đất đều phải nằm trong kế hoạch chung, Chính phủ, thành phố phê duyệt mới có căn cứ để cấp đất. Sắp tới, thành phố dự kiến sẽ rà soát khoảng 10 quận huyện trên toàn thành phố về tình trạng sử dụng đất hoang hóa, không đúng mục đích.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội vừa có báo cáo sau đợt kiểm tra của UBND thành phố đối với 420 dự án được giao đất, được cho thuê đất trên địa bàn trong thời gian từ 1/1/2003 đến 31/12/2008. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 20 dự án (tương đương với tổng diện tích khoảng 365.000 m2) có vi phạm nghiêm trọng cần phải thu hồi.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress