Mặc dù có giá thực tế lên đến cả trăm triệu đồng một m2, nhưng khi bị thu hồi làm dự án trung tâm thương mại, khu “đất vàng” tại Hai Bà Trưng...
Mặc dù có giá thực tế lên đến cả trăm triệu đồng một m2, nhưng khi bị thu hồi làm dự án trung tâm thương mại, khu “đất vàng” tại Hai Bà Trưng - Hàng Bài (Hà Nội) lại bị áp giá cao nhất là 42 triệu đồng một m2.
Do vấp phải sự phản đối của người dân, dự án trung tâm thương mại cao 7 tầng phải “treo” lại hơn bốn năm. Đến nay, dự án khởi động lại tiếp tục làm dấy lên lo ngại có thể phá vỡ quy hoạch, cảnh quan khu vực trung tâm Hà Nội.
“Chậm tiến độ là… bình thường”
Khu “đất vàng” toạ lạc giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm, ở hai mặt phố Hai Bà Trưng (số 25 - 27) và Hàng Bài (số 22 - 24), gần hồ Hoàn Kiếm. Sở dĩ được gọi là khu “đất vàng” vì theo giá thị trường, giá đất tại khu vực này hiện lên tới cả trăm triệu đồng một m2.
Tháng 11/2004, khu đất được UBND thành phố Hà Nội quyết định thu hồi và giao cho Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà (trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại - văn phòng cao 7 tầng, với thời hạn thuê đất là 20 năm. Quyết định này cũng ghi rõ, sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu công ty không triển khai xây dựng thì Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi quyết định thuê đất. Trong tổng diện tích hơn 4.000 m2, có 3.776m2 do Công ty Nhựa Hà Nội thuê của thành phố và gần 300m2 là diện tích mà 27 hộ dân đang sinh sống.
Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tại khu đất nói trên vẫn chưa hoàn tất, do 27 hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù của UBND quận Hoàn Kiếm (cao nhất là 42 triệu đồng, thấp nhất 18 triệu đồng một m2). Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, đây không phải là dự án nằm trong diện thoả thuận và mức giá đền bù được tính theo mặt bằng chung, như các quy định của Nhà nước.
“Việc dự án chậm tiến độ là bình thường, vì Hà Nội còn có những dự án chậm hàng chục năm”, ông Hùng nói và cho biết, UBND quận đã lên kế hoạch cưỡng chế, nếu các hộ dân vẫn không chịu di dời.
Áp giá đền bù bất hợp lý
Tuy nhiên, trước đó, tại thông báo số 36 ngày 27/3/2008 liên quan đến dự án trên, ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thừa nhận, dự án có diện tích đất bị thu hồi nằm ở vị trí đẹp, có khả năng sinh lời cao, địa tô chênh lệch rất lớn giữa giá đất thực tế theo thị trường và giá đất quy định của thành phố. Vì vậy, cần xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.
Ông Lê Kiến Thiết, đại diện cho các hộ sống tại số nhà 25 Hai Bà Trưng cho biết, đây là dự án kinh tế nhằm mục đích thương mại chứ không phải an ninh - quốc phòng hay lợi ích quốc gia, có nghĩa là không thuộc diện Nhà nước thu hồi. Vì vậy, người dân không đồng ý với việc UBND quận Hoàn Kiếm cố tình áp đặt mức giá đền bù rẻ mạt, thấp hơn khung giá quy định của thành phố (67 triệu đồng một m2).
Theo ông Đặng Văn Hoà, đại diện cho các hộ dân ở số nhà 27 Hai Bà Trưng, những hộ dân đang sinh sống tại đây cũng rất băn khoăn khi một dự án “treo” suốt bốn năm nhưng không bị thu hồi. Mặt khác, việc xây dựng một trung tâm thương mại cao 7 tầng tại khu vực này có thể phá vỡ cảnh quan và tăng mật độ giao thông.
Trao đổi với Đất Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định: “Việc áp giá như vậy là không hợp lý, thấp hơn cả khung giá đất của Hà Nội. Vì theo quy định của pháp luật, mức đền bù phải sát giá thị trường”. Ông Võ cũng cho rằng, khi triển khai một dự án nào đó quanh khu vực “nhạy cảm” như hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội nên xem xét kỹ, tránh gây bức xúc cho người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt