Đất “sốt” giá: Thật hay ảo?

Cập nhật 26/09/2007 16:00

Kể từ đợt “sốt” đất vào tháng 3 đến nay, giá đất, mà chủ yếu là đất nền liên tục tăng, rất ít dự án giữ nguyên giá và không có dự án nào giảm giá....

Kể từ đợt “sốt” đất vào tháng 3 đến nay, giá đất, mà chủ yếu là đất nền liên tục tăng, rất ít dự án giữ nguyên giá và không có dự án nào giảm giá. Thời gian gần đây, giá rao bán đất nền ở các quận 2, 7, 9 tại các trung tâm môi giới lại lên cao ngất ngưỡng.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu rục rịch của đợt “sốt” tiếp theo. Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn cho đây là chiêu của các “cò” nhà đất nhằm thổi giá?

Tăng từng ngày


Các trung tâm môi giới trên đường Trần Não quận 2 vài tuần qua khá nhộn nhịp. Nhân viên tại nhiều trung tâm cho biết, đa số khách hàng tìm mua đất tại quận 2 và quận 9. Tiếp chúng tôi tại Công ty Dịch vụ nhà đất Vinareal, anh nhân viên tên Minh giới thiệu hàng loạt dự án tại quận 2 như Thủ Đức House, An Phú – An Khánh, 174 ha Thạnh Mỹ Lợi…

Theo lời anh, giá đất của các dự án trên mỗi ngày tăng một, hai giá. Chúng tôi hỏi đùa: “Chắc do các anh “thổi” lên chứ có thấy ai mua đâu?”. “Đa số Việt kiều gửi tiền về mua đó chị ơi. Thú thật, nếu chị mua để ở thì… thôi chứ mua kinh doanh thì chị cứ yên tâm, bán lại là lời ngay!”. “Vậy, mua xong gửi lại bán được không?” - “Chị có thể ký gửi bán nhanh trong ngày hoặc chỉ vài ba ngày thôi nếu thấy lời vài chục triệu đồng thì có thể “đẩy”. Các trung tâm môi giới cho biết họ phải cập nhật giá đất nền từng ngày vì có nhiều người vừa mua xong đã ký gửi nhờ trung tâm bán lại và dĩ nhiên là với giá cao hơn.

Dắt chúng tôi đi coi đất tại một số dự án, Minh cho biết trước đây 2 tháng, giá đất mặt tiền của Thủ Đức House chỉ từ 22 – 25 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ đã lên đến 34 - 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí; đất mặt tiền đường 26m tại khu An Phú - An Khánh khoảng 39 triệu đồng/m2; nền có diện tích 5x20m ở khu F1 khu dân cư Công ty Thế kỷ 21 là 27 triệu đồng/m2 (do còn vài hộ chưa giải tỏa), còn những khu xung quanh giá lên đến 32 triệu đồng/m2.

Các dự án khác chưa hình thành, chỉ biết được đất trong phạm vi từ… gốc cây này sang gốc cây kia hoặc chỉ trên bản đồ thì giá từ 13 - 27 triệu đồng/m2. “Ăn theo” giá đất quận 2, hàng loạt các dự án sát nách ở quận 9 như Kiến Á, Gia Hòa, Nam Long… giá cũng tăng từ 8 đến 12 triệu đồng/m2. Rời khu Đông, chúng tôi đi ngược về phía khu Nam tại khu vực quận 7, Him Lam - Kênh Tẻ là dự án được hầu hết các trung tâm môi giới giới thiệu vì có vị trí đẹp, mặc dù dự án đang trong giai đoạn làm hạ tầng. Được biết, giá gốc của dự án này khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay các nhà môi giới rao bán với giá từ 29 - 37 triệu đồng/m2.

Không “ảo” nhưng...




Hầu hết các dự án tại quận 7
đều tăng giá. Ảnh: Huy Anh

Giá đất tăng là thật. Việc nhiều người đổ xô đi mua đất cũng là chuyện bình thường. Vì sao? Thời gian qua, một số người chuyển qua mua đất dự án ở những khu vực mới như quận 2, quận 9, quận 7… để chờ thời cơ vì dù sao thì cũng chắc ăn hơn là đầu tư vào chứng khoán, nhất là thị trường chứng khoán đang hồi xanh xao như hiện nay. Đầu tư vàng cũng nhiều rủi ro khi giá vàng liên tục “nhảy múa” - một doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TP nhận định.

Thực tế cho thấy, giá đất có tăng so với trước đây nhưng không đến nỗi tạo ra “cơn sốt” nóng bỏng. Các “cò đất” có rất nhiều chiêu thức để dụ khách và tùy vào tâm lý của từng khách hàng để tung chiêu, đôi khi giới thiệu một nơi nhưng nhắm đến bán một chỗ khác. Đi xem đất tại dự án Thủ Đức House (quận 2), “cò đất” Hùng giới thiệu một khu đất với giá 39,4 triệu đồng/m2, sau đó chỉ một khu đất chỉ cách đó 5 bước chân có cùng diện tích, chỉ khác hướng nhưng giá rẻ hơn khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/m2.

Như vậy, với một lô đất khoảng 100m2, ở vị trí gần nhau, có khi cùng một dự án nhưng rẻ hơn đến 350 - 450 triệu đồng. Khi tôi thắc mắc chuyện này với một “cò” đất khác thì “cò” này thừa nhận: “Đó là chiêu của tụi em…”. Câu cửa miệng của các “cò đất” là “phải quyết định thật nhanh kẻo sẽ không còn đâu, chỉ còn 1 - 2 nền thôi…”. Thế nhưng tham khảo giá tại 5 - 7 trung tâm môi giới trên đường Lương Định Của, cùng một dự án nhưng mỗi trung tâm đều có vài nền đất và chỗ nào cũng: “Tụi em chỉ còn 1 - 2 nền thôi, tất cả đều đã được mua hết…”.

Giải thích cho việc giá đất quận 7 tăng, một nhân viên của Trung tâm Giao dịch địa ốc Phố Gia cho biết, đất quận 2 đã quá cao và không còn dự án mới để đầu tư. Dự án quận 9 giá mềm hơn nhưng hạ tầng chưa thể kết nối bên ngoài.

Trong khi đó, quận 7 thuộc khu Nam Sài Gòn, TP đang thúc đẩy để hoàn tất hạ tầng và đặc biệt là có Phú Mỹ Hưng nên ảnh hưởng “vết dầu loang” cũng là đương nhiên. Bên cạnh đó, cầu Phú Mỹ nối liền quận 7 với quận 2 đã khởi động (mặc dù vài năm nữa mới xong) nhưng cũng thu hút các nhà đầu tư chuyển hướng dần sang quận 7.

Các dự án tại quận 7 như: Tân An Huy, Him Lam - Kênh Tẻ, Thái Sơn… giá đều tăng nhưng hầu hết là các nhà đầu tư mua đất để kinh doanh. Dự án Thái Sơn 1 có số lượng giao dịch cao (1 tháng khoảng 7 - 10 giao dịch) mặc dù giá tăng 15% - 25% so với 3 tháng trước đây nhưng chưa có căn nhà nào mọc lên, chỉ thấy có một vòng tường được xây lên đã khá lâu chứng tỏ sẽ làm nhà, còn lại vẫn nằm chờ khách đến mua. Khi gọi các số điện thoại ghi bên cạnh lô đất, không có khu đất nào tại đây là đời F2 (sang tay 2 lần), chứ đừng nói F1.



Khách hàng tham khảo giá nhà
đất tại Trung tâm giao dịch địa
ốc ACB. Ảnh: Huy Anh

Ít ra thì cũng đến F4, F5. Và như thế, cứ mỗi đời là giá lại nhích lên một bậc. Ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng Giám đốc ACBR cho rằng, sở dĩ giá đất tại các quận 2, 7, 9… tăng là vì từ đợt “sốt” trước, một số người đã mua vào với giá quá cao, sau đó cho dù thị trường có hạ nhiệt nhưng hầu hết người mua đã “ghim” hàng lại chờ thời cơ. Và khi các công trình lớn ảnh hưởng đến khu vực “trở mình” thì thị trường nhà đất tại đây lập tức nhộn nhịp.

Một chuyên gia địa ốc nhận định, giá đất hiện nay thực chất không phải là giá ảo dù không biết số lượng giao dịch thật là bao nhiêu nhưng vẫn có giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, người mua không nên vì thế mà mua đất bằng bất cứ giá nào vì dù không phải giá ảo nhưng đó không phải là giá thực (so với sức mua thực tế). Một số chuyên gia lại cho rằng không thể kỳ vọng giá đất sẽ trở lại vào thời điểm đầu năm vì một khi giá đất đã nhảy lên thì thường rất khó xuống.

Điều mà các nhà quản lý cần quan tâm là với giá đất hiện nay thì khó có người tiêu dùng nào “chạm” được. Mơ ước về một ngôi nhà để an cư ngày càng xa tầm tay không chỉ của những người thu nhập thấp mà cả những người có thu nhập trung bình.

Theo Sài Gòn Giải Phóng