Các doanh nghiệp có quỹ đất sạch (đã được bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật) được nhận định là sẽ có giá hơn, vì theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất...
Thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng do nhu cầu nhà ở rất lớn. |
Các doanh nghiệp có quỹ đất sạch (đã được bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật) được nhận định là sẽ có giá hơn, vì theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thì giá bồi thường đất nông nghiệp bị giải toả làm dự án đã tăng lên gấp rưỡi. Vì thế, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn hấp dẫn hơn nhờ giá trị tài sản của doanh nghiệp tăng lên.
Thực tế, không ít doanh nghiệp có đất sạch, dự án lớn đang nhận được lời chào mua lại dự án mà họ đang sở hữu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều không muốn bán dự án để thu về ngay một “cục” lợi nhuận, mà muốn giữ lại để triển khai đầu tư hoặc liên doanh, liên kết nhằm thu lợi nhuận cao và ổn định qua các năm.
Cụ thể, CTCP Đầu tư và Xây lắp Chương Dương (CDC) nhận được lời chào mua lại một trong các dự án mà Công ty chuẩn bị triển khai tại quận Thủ Đức, TP. HCM. Mức giá chào mua cao hơn nhiều so với giá vốn mà Công ty đã bỏ ra mua trước đó, có thể đem lại khoản lợi nhuận bằng vốn điều lệ. Nhưng lãnh đạo CDC cho biết, Công ty đang tính toán dòng vốn đầu tư, vì nếu đầu tư dự án này thì sau 2 - 3 năm, CDC có thể thu được khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều so với việc bán dự án.
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cũng nhận được lời chào mua dự án, đó là dự án Khu đô thị mới Nam TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với lợi nhuận ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng. Nhưng HĐQT của DIG đã quyết định tự đầu tư dự án để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. DIG cho biết, dự án này được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 446,92 héc-ta. Đến nay, dự án đã đền bù được trên 60 héc-ta, dự kiến đến quý II/2010 đền bù xong giai đoạn 1 với tổng diện tích 188 héc-ta. DIG sẽ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 vào tháng 12/2009. Nếu thị trường bất động sản thuận lợi, DIC sẽ khai thác giai đoạn 1 của dự án ngay trong năm 2010, sớm hơn kế hoạch đề ra.
Trưởng phòng dự án một công ty bất động sản cho biết, chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên có nghĩa là chi phí để có đất sạch cao hơn, giá thành dự án bất động sản cao hơn. Trong bối cảnh các chủ đầu tư phải cạnh tranh để bán hàng như hiện nay thì doanh nghiệp nào có đất sạch, mua giá rẻ, doanh nghiệp đó chiếm lợi thế. Theo vị này, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là doanh nghiệp điển hình có lợi thế về giá đất rẻ. Trong giai đoạn khủng hoảng, HAGL có thể giảm 80% giá bán công bố ban đầu cho phù hợp với nhu cầu thị trường mà vẫn đảm bảo có lợi nhuận.
Dự án An Tiến của HAGL vừa được bán cho CTCP Đầu tư Công đoàn của BIDV có giá từ 1.100 USD/m2 đến 1.300 USD/m2, trong khi giá bán căn hộ các dự án ở cùng khu vực đang có mức thấp nhất là 1.500 USD/m2. Công ty này mới sử dụng 30 - 40% quỹ đất sạch, nhưng vẫn đang tích luỹ thêm quỹ đất sạch, chứ không có ý định bán dự án để “gặt lúa non”.
Như vậy, tới đây, nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng trước thông tin bán dự án của doanh nghiệp. Lợi nhuận trước mắt từ bán dự án là rất lớn, nhưng việc bán đó có thể ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của công ty.
Theo đánh giá chung, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng do nhu cầu nhà ở rất lớn. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhất là từ các nước trong khu vực châu Á, muốn tham gia phát triển nhà ở tại Việt Nam. Năm 2008 là năm khó khăn, nhưng không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn có mức lãi lớn.
Trên đường tìm kiếm quỹ đất sạch, một số công ty bất động sản chọn cách liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có quỹ đất nhưng không có kinh nghiệm phát triển dự án bất động sản. Các công ty phát triển quỹ đất bằng cách này như: Nhà Thủ Đức mua cổ phần của Thành Công, Long Giang Land liên kết với các doanh nghiệp có đất ở vị trí đẹp trong nội thành Hà Nội…, Incomex (ICG) thì nhắm đến các dự án cải tạo xây mới ở Hà Nội như chợ Hàng Da, Khu tập thể Kim Liên. Chỉ tính riêng dự án phá dỡ và xây mới Khu tập thể Kim Liên từ B1 đến B10, ICG đã có việc để làm trong nhiều năm với số vốn đầu tư lên tới vài ngàn tỷ đồng.
Có thể nói, mỗi doanh nghiệp một con đường, đang tìm cách giữ đất.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán