Đất phía Tây Hà Nội: Kẻ e dè, người vồ vập

Cập nhật 28/09/2010 16:25

Sau khi thành phố Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm xây trục Hồ Tây - Ba Vì, đang có những nhìn nhận và động thái trái chiều về cơ hội thu lời tại vùng phía Tây Hà Nội của giới đầu tư bất động sản.

Đang có những nhìn nhận và động thái trái chiều về cơ hội thu lời tại vùng phía Tây Hà Nội của giới đầu tư bất động sản


Nhiều lô đất dọc trục đường Láng - Hòa Lạc cũ đã được nhà đầu tư "ôm" hết.

Sau khi thành phố Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm xây trục Hồ Tây - Ba Vì, đang có những nhìn nhận và động thái trái chiều về cơ hội thu lời tại vùng phía Tây Hà Nội của giới đầu tư bất động sản.

Vốn được mệnh danh là “đi trước quy hoạch”, giới đầu tư bất động sản đặc biệt quan tâm đến những nội dung hay chi tiết quan trọng của bất kỳ một quy hoạch nào. Với đồ án quy hoạch Thủ đô, một “đại quy hoạch” lớn nhất từ trước đến nay, thì sự quan tâm sát sao của nhà đầu tư lại càng dễ hiểu.

Tuy nhiên, với một số nhà đầu tư, do những nội dung trong đồ án quy hoạch Thủ đô đến nay vẫn chưa rõ ràng, chi tiết bởi đồ án vẫn chưa được thông qua, hơn nữa đây mới là đồ án quy hoạch chung, thì việc “đồng tiền đi trước” sẽ cho kết quả ngược lại nếu không cẩn thận.

Rục rịch đón đầu

Với kỳ vọng bỏ tiền vào một số dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội tại thời điểm này sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch chính thức được thông qua, triển khai, không ít nhà đầu tư bất động sản đang dốc hầu bao cho những lô đất trị giá xung quanh các khu vực được cho là đắc địa tại khu vực phía Tây Hà Nội.

Đặc biệt cùng với sự đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, đường sá cùng với những dự tính quy hoạch phía Tây thành khu vực tập trung đầu tư phát triển các đô thị du lịch, đào tạo, công nghệ cao... thì nhiều người lại có lý do để tin rằng, đồng tiền ném vào đây sẽ mau chóng sinh lời.

Chị Lê Kim Oanh, một nhà đầu tư nhà đất tại Sàn giao dịch bất động sản FLC cho biết, ngay sau khi thông tin Hà Nội đồng thuận xây trục Hồ Tây - Ba Vì rậm rịch, chị cùng một số đồng nghiệp đã nhanh chân gom được một số lô đất tại các khu vực xung quanh các dự án lớn ở phía Tây như khu Bắc An Khánh, Kim Chung - Di Trạch và Tân Tây Đô, dọc trục Láng - Hòa Lạc cũ...

Theo chị Oanh, dù giá đất chia lô hay đất của các hộ dân bán hiện nay đã đắt hơn đầu năm từ 3 - 5 triệu đồng/m2, song nhà đầu tư này tin rằng, chỉ đợi sau khi đồ án quy hoạch Thủ đô được thông qua trong một vài tháng tới thì giá đất tại đây sẽ đắt gấp rưỡi, gấp đôi.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có đất và dự án tại đây cũng tỏ ra phấn khởi bởi số người tìm hỏi mua nhà, đất tại đây đã tăng nhanh sau một thời gian im lắng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Archi Land Nguyễn Thành Nam cho biết, những thông tin thay đổi trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô đã có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến trên thị trường địa ốc. Tại thời điểm những thông tin chính thống sắp được công bố, và cho dù trùng với "tháng cô hồn”, song doanh nghiệp này vẫn tiến hành được 4 giao dịch thành công tại khu vực phía Tây.

Tiếp đà khởi sắc đó, ông Nam cho biết công ty này đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án tại khu vực Ba Vì, như dự án Yên Bài Villas 2B, dự án Greenvillas (giá bán là 1,5 - 1,7 triệu đồng/m2), dự án biệt thự Tản Viên (giá bán 4,5 - 6 triệu đồng/m2) để có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Còn theo ông Vũ Đăng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Gia Nam, từ một tháng nay, số người tìm đến hỏi mua đất khu vực phía Tây thành phố đã tăng đáng kể so với hai tháng trước. Chỉ trong vòng hai tuần nay, sàn giao dịch này đã hoàn tất được 6 vụ mua bán đất tại các khu vực thuộc Hoài Đức, Đan Phượng và khu vực trung tâm huyện Ba Vì.

Tuy nhiên, ông Nam nhận định, đây có thể chỉ là một đợt “sóng nhỏ” của một bộ phận trong giới đầu tư địa ốc toan tính “đón đầu”, hoặc cũng có thể chỉ là đầu tư a dua theo phong trào.

Mạo hiểm hay thận trọng?


Trái ngược với một bộ phận nhà đầu tư cho rằng, ném tiền vào khu phía Tây lúc này là hợp lý nhất, một số nhà đầu tư khác và các chuyên gia lại cho rằng, việc quá kỳ vọng vào khu vực phía Tây thành phố có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và trở thành thất vọng cho nhà đầu tư nếu đồng tiền đó không được đặt đúng chỗ.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cho đến thời điểm này quy hoạch của 5 đô thị phía Tây Hà Nội thực ra mới chỉ là định vị và phác thảo, chưa phải là quy hoạch thực sự có tính khả thi. Quy hoạch này còn phải bổ sung, phải có từng quy hoạch cụ thể thì mới có tính khả thi. Do đó, với nhiều nhà đầu tư, họ mới quan tâm đến tổng thể của Hà Nội chứ không phải từng cái cụ thể trong đó.

Cũng theo TS. Liêm, khu vực phía Tây dù sao cũng chỉ là các đô thị trong chùm đô thị của Hà Nội, nên chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh giữa các khu vực với nhau. Hơn nữa, định hướng phát triển về kinh tế, chính trị, công nghiệp dịch vụ lại được định hướng là ở đô thị lõi và phía Đông thành phố. "Do đó, nếu nói về sinh lợi, chưa hẳn khu vực phía Tây đã là lựa chọn tối ưu", ông Liêm nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng trên thực tế nhiều nhà đầu tư đã vội vã rót tiền vào khu vực phía Tây là thiếu sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo ông Cường, rõ ràng, quy hoạch Thủ đô sắp tới có được Thủ tướng phê duyệt thì đó cũng mới chỉ là quy hoạch chung.

Trong khi đó, để đầu tư bất động sản hiệu quả, nhà đầu tư phải nắm chắc được khu vực mình đang bỏ vốn vào là khu vực nào, nó thuộc dự án cụ thể nào và có nằm trong vùng quy hoạch hay không. “Thông thường một dự án lớn cũng chỉ từ vài ba chục ha đến vài trăm ha, trong khi khu vực phía Tây hiện nay rộng hàng chục nghìn ha nên khó có thể biết được đâu là khu vực sinh lời nhất”, ông Cường nói.

Theo khảo sát của người viết, có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lẫn cá nhân đầu tư đơn lẻ đang dư thừa vốn, song họ không vội vàng ném tiền vào những khu vực mà nhiều người vẫn gọi là “trung tâm của quy hoạch”.

Ông Phan Minh Trường (Công ty Cổ phần Đông Âu), một doanh nghiệp khai khoáng được lập nên bởi một số Việt Kiều từ khu vực Đông Âu, cho rằng khu vực phía Tây Hà Nội được nhiều nhà đầu tư quan tâm vì được cho là có tiềm năng.

Tuy nhiên, theo ông, nếu chọn mua bất động sản để ở, ông sẽ chọn khu vực phía Đông với các khu vực như Long Biên, Việt Hưng... vì suy cho cùng nó sẽ gần trung tâm Hà Nội hơn, và đặc biệt là không bị làm giá.

Cũng chính vì lý do đó, ông Trường cho biết, đến thời điểm này, dù có ý định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, song doanh nghiệp này vẫn đang “đứng ngoài” để nghe ngóng, chờ những động thái tiếp theo của các cơ quan quản lý cũng như các thời điểm mà quy hoạch chi tiết tại khu vực này được công bố.

Còn với một số nhà đầu tư khác lại có quan điểm rằng, nếu “lướt sóng” khu vực phía Tây vào thời điểm này sẽ tiềm ẩn những rủi ro bởi trong bối cảnh thị trường nhà đất ảm đạm như hiện nay, rất khó xác định được thời điểm khi nào thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Và trong trường hợp đó, nếu vốn bị “om” quá lâu tại đây thì chắc chắn cơ hội kiếm lời tại các dự án khác cũng sẽ theo đó mà trôi qua.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy