Nhiều người tại TP.HCM mua đất bằng giấy tay từ khi giá đất còn thấp. Nay vì nhiều lý do như giá đất lên cao, mâu thuẫn với chủ đất cũ...
Luật cho chủ mới hợp thức hóa nhưng có nơi nhận hồ sơ, nơi từ chối.
Nhiều người tại TP.HCM mua đất bằng giấy tay từ khi giá đất còn thấp. Nay vì nhiều lý do như giá đất lên cao, mâu thuẫn với chủ đất cũ... mà chủ đất cũ không cho mượn “giấy đỏ” để làm thủ tục tách thửa.
Nghị định 84 ngày 25-5-2007 đã gỡ cho trường hợp này bằng cách yêu cầu UBND các quận, huyện phải nhận hồ sơ của người dân và làm thủ tục chỉnh sửa hoặc hủy “giấy đỏ” của chủ cũ. Tuy nhiên, một số quận, huyện lại không chịu giải quyết cho những trường hợp này.
Chủ cũ “làm eo”!
Năm 2002, khi biết nhà mình nằm trong quy hoạch đại lộ Đông-Tây sẽ bị giải tỏa trắng, ông T. (quận 5) đã mua một lô đất bằng giấy tay và xây nhà tạm để ở tại phường Tân Chánh Hiệp (quận 12). Cùng lô đất với ông T. có nhiều người cũng mua đất giấy tay, chủ đất cũ giao cho mỗi người một bản photocopy “giấy đỏ”.
Do chưa có tiền nên ông T. định khi nào xây nhà thì sẽ xin tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng một lần cho tiện. Đến năm 2007, TP cho những nhà xây trái phép như nhà của ông được làm thẳng “giấy hồng” mà không cần phải làm lại các thủ tục ban đầu. Ông T. và vài người mua đất đề nghị chủ cũ cho mượn “giấy đỏ” để tách thửa nhưng bị từ chối. Chủ cũ viện cớ giá đất trước kia quá rẻ, người mua đất muốn làm giấy tờ thì phải trả thêm tiền theo giá đất hiện tại.
Một luật sư mách ông T. rằng trường hợp của ông vẫn làm được “giấy đỏ”, “giấy hồng” theo Nghị định 84, nhà nước điều chỉnh “giấy đỏ” của chủ cũ mà cấp giấy mới cho ông. Tuy nhiên, UBND quận 12 không chịu nhận hồ sơ của ông mà nhất quyết yêu cầu phải nộp bản chính “giấy đỏ” của chủ cũ mới giải quyết. Ông T. đem Nghị định 84 lên “đấu trí ” với Phòng Quản lý đô thị quận 12 (phụ trách xét cấp “giấy hồng” của quận) nhưng vẫn không có kết quả.
UBND phường ngại khó
Năm 2003, ông Phạm Văn Minh (quận Tân Phú) cũng mua đất bằng giấy tay tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Phần lớn lô đất của chủ đất đã được chia nhỏ, bán cho nhiều người. Chủ đất cũng khất lần khất hồi, không cho ông Minh mượn “giấy đỏ” để tách thửa. Khi thì chủ đất nói “giấy đỏ” nằm ở ngân hàng, khi thì nói “giấy đỏ” đã bị UBND phường thu hồi (?). Ông Minh hỏi UBND phường cũng không được trả lời rõ ràng, đến UBND quận thì được chỉ về phường để giải quyết. Hai năm nay ông cứ phải chạy lòng vòng mà không biết phải bắt đầu từ đâu cho đúng.
Cán bộ địa chính của UBND phường Bình Hưng Hòa cho biết trường hợp của ông Minh phải làm đơn tường trình để UBND phường xem xét, xác minh. Nếu đúng thì sẽ làm thủ tục thu hồi “giấy đỏ” của chủ cũ. UBND phường chỉ nhận đơn tường trình chứ không nhận hồ sơ làm “giấy hồng” hay tách thửa “giấy đỏ”.
Thời gian xác minh, thu hồi “giấy đỏ” cũ là bao lâu phường cũng không trả lời được. Trong khi ông Trần Minh Khiêm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân, khẳng định quận này vẫn tiến hành tách thửa, cấp giấy mới cho người mua, điều chỉnh “giấy đỏ” cũ của người bán.
Cho tách thửa thì chủ cũ khiếu nại
Đầu tháng 9-2007, ông H. (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) đi làm “giấy hồng” cho phần nhà, đất của mình (đã có “giấy đỏ”) thì được thông báo là “giấy đỏ” của ông đã bị UBND quận hủy vào tháng 7-2007 để cấp “giấy đỏ” mới cho người mua đất của ông. Ông H. cho rằng không nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc hủy giấy cũ và cấp giấy mới cho người mua đất, UBND quận Thủ Đức giải quyết như vậy là không có căn cứ.
Mặc dù Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức đã đưa cho ông xem biên bản làm việc giữa ông H. với Phòng Tài nguyên và Môi trường về việc hủy “giấy đỏ” có mặt người mua đất. Lúc đó, ông H. đã tường trình là “giấy đỏ” cũ của ông đã mất, ông đồng ý để phòng này hủy “giấy đỏ” cũ, cấp lại giấy mới cho ông và người mua với diện tích đã tách thửa mới. Ông H. cho rằng ông không nhận được biên bản của buổi làm việc và tiếp tục khiếu nại lên UBND quận. Hiện UBND quận đang thụ lý giải quyết khiếu nại này.
Theo Điều 11 Nghị định 84, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phải thông báo bằng văn bản cho người bán, niêm yết thông báo tại trụ sở nơi miếng đất tọa lạc về việc xin cấp “giấy đỏ” của người mua đất, thủ tục hủy, chỉnh lý và cấp “giấy đỏ”. Sau 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo hoặc báo tin lần đầu tiên trên báo địa phương về thủ tục cấp “giấy đỏ” cho người mua mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì người mua đất sẽ được cấp “giấy đỏ”.