Khu đất đấu giá 31 ha Châu Quỳ |
Đất đấu giá vốn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng bởi các yếu tố pháp lý rõ ràng, hạ tầng tốt và diện tích hợp lý. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm chung của thị trường mà giá bán các lô đất đấu giá giảm mạnh nhiều tháng nay.
Đất đấu giá luôn được nhà đầu tư xếp dạng hàng hiếm trên thị trường bất động sản. Bởi, tại các quận huyện số lượng dự án đất đấu giá khá hạn chế trong khi đó đa phần các dự án đấu giá có với lợi thế vị trí đẹp, hạ tầng giao thông và điện nước ổn định, tính pháp lý rất rõ ràng. Như thành trào lưu, mỗi khi dự án đấu giá nào công bố nhiều nhà đầu tư đổ xô tranh mua tranh bán.
Đơn cử, như dự án đấu giá khu 31 ha Châu Quỳ - Gia Lâm giai đoạn 2 với lợi thế vị trí đẹp nằm ngay cạnh cầu Thanh Trì, cách Hà Nội 10 km. Dự án nằm trong khu vực sầm uất như gần UBND huyện, nhiều trung tâm thương mại lớn và các trường đại học Nông Nghiệp….Giữa năm ngoái, khi UBND huyện tổ chức đấu giá, các suất đất đấu giá thành công ở mức khoảng 22-24 triệu đồng/m2. Ngay sau khi đấu giá thành công, nhiều nhà đầu tư đã bán sang tay với mức giá 27- 30 triệu đồng/m2 thu chênh vài trăm triệu đồng/lô chỉ sau vài giờ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì nhiều nhà đầu tư đang bị "mắc" hàng do thị trường sụt giảm. Sau hơn 1 năm đấu giá, hiện các lô đất dự án 31 ha Châu Quỳ hiện đang được chào bán với giá 25 -27 triệu đồng/m2.
Hay như khu đất đấu giá Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông cũng thời điểm năm ngoái mức đấu giá thành công mỗi m2 đất là 58-61 triệu đồng/m2 với diện tích giao động 50 m2/căn hiện cũng chỉ được chào bán với mức giá bằng giá đấu ban đầu 58 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, có rất nhiều các khu đất đấu giá khác tại các quận huyện Hà Nội cũng nằm trong tình trạng như vậy như đất đấu giá thôn An Thắng – xã Biên Giang –Hà Đông hiện được chào bán giá hơn 20 triệu đồng/m2, đất đấu giá có sổ đỏ ở khu giáp đô thị Việt Hưng diện tích 300m2 hiện khoảng 35- 36 triệu đồng/m2.
Theo anh Phan Đức Anh (Giám đốc công ty Bất động sản Phát Điền – Gia Lâm), đất đấu giá một số khu vực trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đóng băng nhiều tháng nay. Lượng người mua bán rất ít. Tại một số khu đất đấu giá như khu 31 ha Châu Quỳ, nhiều lô đất đấu giá được chào bán nhưng đa phần diện tích lớn, lượng tiền đóng nhiều và gần như thành toán 100% tiền đất vì vậy không thể thanh khoản được.
Đáng chú ý, do thị trường bất động sản đóng băng thì tại nhiều khu vực đất đã đấu giá xong nhưng người đến nộp tiền đất vẫn rất ít bởi nhiều nhà đầu tư cho rằng, chấp nhận nợ tiền đất nhà nước còn hơn giải pháp đóng hết tiền đất để rồi rơi vào trạng thái vốn bị chôn vô thời hạn. Bởi, nếu tính theo lãi suất kho bạc cũng rẻ hơn nhiều so với lãi vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, chính vì tình trạng ế ẩm hiện nay mà kế hoạch đấu giá đất trong năm nay của nhiều quận, huyện khó thành công. Mới đây, theo thống kê của các cơ quan quản lý, Hà Nội mới có 8 quận huyện tổ chức đấu giá 3ha đất, thu được 522 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch. Có nơi chưa đấu giá được lô đất nào như quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên...Trong khi đó, kế hoạch UBND TP đưa ra là đấu giá 30 dự án trên địa bàn thành phố, với diện tích 17ha, ước thu 2.450 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia