Đào đường sẽ nhanh hơn nếu…

Cập nhật 22/10/2008 13:44

Đào đường để thi công, lắp đặt công trình ngầm đã và đang là một trong những nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông hàng đầu tại TPHCM.

Đào đường để thi công, lắp đặt công trình ngầm đã và đang là một trong những nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông hàng đầu tại TPHCM.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà UBND TPHCM đã xem yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngầm như là một nội dung quan trọng trong việc giải quyết những tình trạng nói trên.

Đào đường có nhanh được không?

Cách đây hơn 2 tháng, chúng tôi đã đặt vấn đề này. Lúc ấy, câu trả lời của hầu hết các nhà thầu là “được” với điều kiện các cơ quan liên quan như điện, nước, bưu điện… tích cực hợp tác cùng nhà thầu giải quyết khi có sự cố. Thời điểm đó, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, các bên liên quan nêu trên hầu như chẳng mặn mà với việc này.

Khi nhà thầu đào xuống đất, gặp công trình ngầm không đúng với thiết kế (điều này rất thường gặp vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của thành phố đã được hình thành từ hàng chục năm nay. Các bản vẽ kỹ thuật phần lớn đã bị mất) thì rất khó mời được “khổ chủ” đến nhận công trình. Hoặc nếu có đến thì cũng “nay người này, mai người khác”, mất rất nhiều thời gian để có được phương án giải quyết.

“Bây giờ tiến bộ hơn trước nhiều rồi”. Trở lại công trường thi công gói thầu 11B1 và 11B2 của dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào ngày 20-10-2008, chúng tôi được anh Phạm Chí Công, Giám đốc điều hành dự án 2 gói thầu nêu trên thuộc nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1, cho biết như thế.

Theo anh, với những công trình ngầm không phức tạp, gần như chỉ “trong một ngày” là giải quyết xong hết. Đó là những đường ống cấp nước đường kính từ 200mm trở xuống, khi được nhà thầu báo là đơn vị cấp nước xuống và xem xét di dời ngay. Hay với những dây điện băng ngang công trình thi công, ngành điện đã đồng ý cho nhà thầu “nâng lên” để tiếp tục thi công…

Tuy nhiên, khi nói về những công trình ngầm phức tạp, anh Phạm Chí Công lại không vui. Anh cho biết, với những công trình ngầm phức tạp, thời gian giải quyết vẫn phải kéo dài khoảng… 2 tháng.

Hai tháng cũng là thời gian trung bình để giải quyết các sự cố vướng công trình ngầm ở dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé, ông Furumoto Jyunichi, thuộc nhà thầu Shimizu Corporation (Nhật Bản), Giám đốc khu vực thi công gói thầu D của dự án này cho biết như vậy.

Thậm chí, với những công trình hạ tầng cực kỳ phức tạp thì thời gian giải quyết có khi kéo dài đến nửa năm, ông Trần Hữu Quốc Vi, cán bộ Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước, chủ đầu tư công trình, nói.

Như vậy, so với những gì mà chúng tôi đã có dịp đề cập trong số báo trước, thì tình hình giải quyết các sự cố khi đào đường đối với các công trình ngầm phức tạp vẫn chưa có tiến triển.

Đào đường sẽ nhanh hơn nếu...


Ông Furumoto Jyunichi cho biết, khi biết người dân TPHCM bức xúc chuyện đào đường chậm trễ, với tư cách là nhà thầu thi công, ông cũng bức xúc và cũng rất mong muốn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên, có nhiều việc ngoài tầm tay của nhà thầu.

Ông Furumoto Jyunichi nêu ví dụ, đơn vị của ông đã mất đến 6 tháng chỉ để giải quyết một hố ga điện thoại. Những khác biệt về quan điểm kỹ thuật, kinh phí đã buộc hai bên (nhà thầu và đơn vị chủ quản) mất rất nhiều thời gian để tranh cãi. Phần lớn các vị trí đào đường của gói thầu D đã phải gia hạn thời gian đào đường đến… 2 lần chỉ vì những khó khăn này, và không có gì đảm bảo rằng sẽ không gia hạn lần… thứ 3.

Anh Phạm Chí Công thì giải thích: Vấn đề là với những công trình ngầm phức tạp, thủ tục giải quyết cũng… phức tạp. Cả nhà thầu và đơn vị chủ quản công trình ngầm phải xem xét rất kỹ phương án giải quyết, bởi mỗi phương án gắn mới có mỗi mức chi phí rất khác nhau.

Sau khi hai bên thống nhất được phương án thì phương án ấy phải được trình lên cấp trên xem xét phê duyệt. Cấp trên ở đây bao gồm khá nhiều đơn vị liên quan như kỹ thuật, tài chính…Qua hết những thủ tục ấy thì cũng mất khoảng một tháng!

Như vậy, khi đào đường gặp những công trình ngầm phức tạp thì không thể đẩy nhanh tiến độ thi công? Thoạt đầu, các nhà thầu khá e ngại khi được hỏi như vậy. Thế nhưng, sau đó họ đã mạnh dạn khẳng định: vẫn có thể nhanh hơn nếu thời gian trình duyệt được rút ngắn.

Anh Phạm Chí Công cho biết, thông thường các nhà thầu và đơn vị chủ quản mất khoảng 1 tháng để tìm ra phương án giải quyết.

Thời gian còn lại là trình ngành chức năng phê duyệt. Do vậy, nếu được các đơn vị này quan tâm, “cho chạy đường ưu tiên” xem xét và phê duyệt ngay, thì thời gian giải quyết các sự cố kỹ thuật ngầm phức tạp có thể giảm bớt… 3 đến 4 tuần (?).

Ùn tắc giao thông: tăng 1,5 lần so với cùng kỳ 2007

Tính từ đầu năm 2008 cho đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 34 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2007. Điều đáng lo ngại là tình trạng này đang tăng nhanh. Đặc biệt, trong tháng 9-2008 (tháng An toàn giao thông) đã xảy ra 8 vụ ùn tắc giao thông, tăng 5 vụ so với tháng 8-2008.

Nguyên nhân của tình trạng này chia đều cho đào đường làm thu hẹp diện tích đường đi, xe quá nhiều và các sự cố khác. Trong đó, riêng đào đường đã gây ra hơn 10 vụ ùn tắc giao thông. Ngoài ra, đào đường cũng là nguyên nhân xa, gây ra sự cố và tạo ra ùn tắc giao thông trong một vài vụ ùn tắc khác.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng