Câu trả lời của những người đang trực tiếp thi công là: Được! Để chứng minh cho quả quyết đó, họ đã mời chúng tôi đến công trường.
Câu trả lời của những người đang trực tiếp thi công là: Được! Để chứng minh cho quả quyết đó, họ đã mời chúng tôi đến công trường.
2 tháng... cho một sự cố
TPHCM mưa tầm tã suốt từ chiều 22 đến gần trưa ngày 23-7-2008 mới ngưng hẳn. Mọi người gần như chẳng muốn ra đường vì gió và mưa quá mạnh.
Thế nhưng, trong thời gian này những cán bộ, công nhân thi công trên công trường đào đường của gói thầu 12B1 thuộc dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn sốt sắng đưa chúng tôi đến công trường trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.
Chỉ huy trưởng công trường, anh Phạm Chí Công - một cán bộ của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1 bức xúc điểm tên hàng loạt những vị trí thi công của đơn vị đang phải ngưng lại vì vướng công trình ngầm.
“Vẫn biết chuyện này là bất khả kháng bởi bản đồ của hầu hết các công trình ngầm ở thành phố đã bị thất lạc. Không biết rõ dưới đất có những gì nên thi công vướng công trình ngầm là… điều bình thường. Thế nhưng, điều chúng tôi muốn nói là cách giải quyết những sự cố này của các đơn vị liên quan”, anh Công nói.
Anh Công đem ra hàng chồng hồ sơ dày cộp với hàng chục con dấu đóng đỏ chót, chằng chịt lên đó… “Đây là một sự cố đã xảy ra trên đường Nguyễn Kiệm. Theo hồ sơ khảo sát của tư vấn thì dưới đường này chỉ có 2 sợi cáp điện ngầm. Thế nhưng, khi đào đường lên lại có đến 9 sợi với 4 đơn vị chủ quản. Ngay lập tức chúng tôi báo với các bên liên quan song đến 45 ngày sau chúng tôi mới nhận được câu trả lời: Không thể di dời các đường cáp điện vì trong đó có 2 sợi cung cấp điện cho sân bay Tân Sơn Nhất. Phải làm gì trong trường hợp này? Đơn vị đành phải đóng phui đào lại chờ tìm hướng giải quyết”, anh Công ngán ngẩm.
Phó chỉ huy công trường, anh Vũ Xuân Hải cũng bức xúc không kém vị chỉ huy của mình. Anh Hải cho biết, vấn đề là các bên liên quan có vẻ chẳng mặn mà giải quyết các sự cố.
“Buổi họp này, họ cử người này đi; buổi họp khác, họ cử người khác đi. Người sau lại thường có những góp ý thêm… khác với người trước. Thành thử chúng tôi cứ phải cầm hồ sơ (về phương án di dời công trình ngầm) chạy lòng vòng giữa các cán bộ…”, anh Hải nói.
Theo anh Hải, trung bình nhà thầu phải mất đến khoảng 2 tháng với gần 10 cái mộc của các cơ quan liên quan để giải quyết một sự cố. Điều đáng nói là hầu như đào đường ở chỗ nào cũng gặp công trình ngầm ngoài dự kiến.
Cũng theo anh Hải, tổ cơ động, phản ứng nhanh để giải quyết các sự cố đào đường gặp công trình ngầm mà UBND TPHCM chỉ đạo từ nhiều tháng nay vẫn chưa thấy xuất hiện.
Trong khi đó, các nhà thầu đang rất nóng ruột đón đợi tổ này bởi “sắp tới chúng tôi sẽ phải đào thêm rất nhiều điểm trên đường Phan Đăng Lưu, Phan Văn Trị… của quận Bình Thạnh - nơi mà theo ngành điện, điện thoại, cấp, thoát nước sẽ có rất nhiều đường dây cũng như cống ngầm dày đặc như mạng nhện nhưng không rõ nằm ở vị trí nào”, anh Công nói.
Giải pháp mạnh mới được sử dụng một lần
Các nhà thầu xây dựng Đại lộ Đông - Tây cũng cùng cảnh ngộ với các nhà thầu của dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thế nhưng, họ lại có cách giải quyết khác. Theo ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng Phân ban quản lý dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây, các nhà thầu cũng như ban quản lý dự án đã thống nhất quan điểm chủ động “né” các công trình ngầm.
Nghĩa là các nhà thầu sẽ đào thử, xác định vị trí các công trình ngầm. Sau đó, xem xét, nếu có thể điều chỉnh các hạng mục của Đông - Tây, thay vì yêu cầu các công trình ngầm hiện hữu di dời. Thế nhưng, giải pháp đó cũng chỉ giải quyết được một số trường hợp.
“Về cơ bản, chúng tôi vẫn phải chấp nhận tình trạng bất ngờ “đụng” công trình ngầm và chờ đợi ngành chức năng giải quyết”, ông Thanh nói.
Và khi đã ở trong tình trạng “đối đế” như thế, ông Thanh cho biết, ban quản lý đã đề nghị UBND TPHCM cho phép được “tự di dời” công trình ngầm nếu cơ quan chủ quản của các công trình này không chịu hợp tác với ban quản lý.
Vừa qua, các nhà thầu của dự án Đại lộ Đông - Tây đã dứt khoát cắt một đường cáp ngầm mà trước đó đã thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng tháng trời nhưng không đơn vị nào “đến nhận” và tổ chức di dời.
Điều đáng nói là chỉ sau nửa ngày cắt dây cáp này thì chủ nhân của nó xuất hiện. Thế nhưng, ông Thanh cũng thừa nhận, từ khi được UBND TPHCM cho phép sử dụng giải pháp mạnh (ngày 28-12-2007) thì ban quản lý cùng các nhà thầu mới chỉ sử dụng có một lần (!). “Sắp tới, có lẽ chúng tôi sẽ phải sử dụng quyền này thêm một lần nữa”, ông Thanh nói.
“Đã đến lúc không thể chấp nhận tình trạng một số đơn vị cấp, thoát nước, điện lực, điện thoại lúc nào cũng kêu bận, không nhiệt tình phối hợp với chúng tôi trong việc di dời các công trình ngầm” ông Thanh khẳng định.
Thời gian trung bình để giải quyết một sự cố bất ngờ gặp công trình ngầm ở dự án Đại lộ Đông - Tây cũng khoảng 2-3 tháng, tương tự ở dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Và theo như các nhà thầu, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho thời gian đào đường không thể nhanh lên được.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng