Đằng sau lượng giao dịch bất động sản tăng đột biến

Cập nhật 21/01/2015 15:59

Đội ngũ môi giới, đầu cơ “mất hút” trong thời gian bất động sản (BĐS) khủng hoảng nay xuất hiện đông đảo trở lại, khi thị trường có dấu hiệu ấm lên.

Đội ngũ môi giới, đầu cơ “mất hút” trong thời gian bất động sản (BĐS) khủng hoảng nay xuất hiện đông đảo trở lại, khi thị trường có dấu hiệu ấm lên.

Nhà đầu cơ bắt đầu để mắt đến Dự án Castle Plaza vừa được khởi động lại sau 4 năm bất động

Cầu thật và cầu ảo

Phải thật tinh mắt mới có thể nhận ra một vài khuôn mặt quen có thâm niên “lướt sóng” căn hộ trong những buổi lễ mở bán dự án BĐS tại TP.HCM và đặc biệt là Hà Nội thời gian gần đây, bởi phần lớn đã “bật bãi”, không trụ nổi qua cơn khủng hoảng BĐS 3 năm vừa qua.

Dễ nhận ra nhất trong đám đông ồn ào ấy là đội ngũ môi giới trẻ (làm bán thời gian cho các sàn giao dịch BĐS), với công việc là hàng ngày cần mẫn nhắn tin, gọi điện cho các thuê bao được các sàn giao dịch đưa vào danh sách khách hàng tiềm năng. Điểm khác biệt là, nếu trước đây, đội ngũ môi giới này thường chỉ tập trung đông ở địa điểm các sàn giao dịch BĐS hoặc buổi mở bán do chủ đầu tư thực hiện tại công trường dự án, thì nay đội ngũ luôn vây kín khách hàng tại những buổi mở bán dự án quy mô lớn, được tổ chức ở khách sạn 5 sao. Đội ngũ này là nhân tố chính làm nên sự đông đúc cho các buổi mở bán dự án gần đây.

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Công ty CBRE Việt Nam cho biết, trong những sự kiện bán hàng của một số dự án gần đây, có không ít khách hàng mua cùng lúc 10 - 20 căn hộ, thậm chí, có người mua lại nguyên cả sàn căn hộ để... bán lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp số lượng căn hộ chào bán ra thị trường tăng lên và góp phần giúp cho thị trường sôi động trong thời gian tới.

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Công ty Savills Việt Nam tại Hà Nội nhận xét, một số dự án trong giai đoạn làm móng cũng có tỷ lệ hấp thụ cao, nhờ sự tham gia của các nhà đầu cơ. Một phần trong đó mua để đầu tư, lướt sóng; phần khác mua sau đó tìm khách thuê hoặc cho chính chủ đầu tư thuê lại. Hiện tượng giá chênh trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều. Hoạt động đầu cơ tăng mạnh có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực, dù thị trường được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm nay.

“Hoạt động đầu cơ tăng mạnh, người mua nhà phải trả mức chênh ngoài hợp đồng cao hơn. Một vài dự án tăng giá cao một phần do dự án có căn hộ và vị trí đẹp, phần khác do sàn giao dịch BĐS tham gia “thổi giá”, bà Hằng nhận xét.
Đằng sau lượng giao dịch tăng đột biến

Theo số liệu thống kê được Bộ Xây dựng chính thức công bố tại Hội nghị ngành xây dựng năm 2015 mới đây, năm 2014, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013); tại TP.HCM, con số này là 10.350 giao dịch (tăng 30% so với năm 2013). Mặt bằng giá cả nhà ở nhìn chung ổn định, nhiều dự án trong giai đoạn 2011 -  2013 giá đã giảm sâu (trên 30%), trong 12 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp.

Tại Hà Nội, một số dự án có vị trí tốt đã hoàn thành hoặc sắp đưa vào sử dụng, giá bán  tăng nhẹ (1 - 2%) so với năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, với lượng giao dịch BĐS tăng mạnh trong năm 2014, hàng tồn kho BĐS tiếp tục giảm mạnh. Tính đến ngày 15/12/2014, giá trị BĐS tồn kho ước vào khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (giảm 21,8%) so với tháng 12/2013 và giảm 54.659 tỷ đồng (42,5%) so với quý I/2014.

“Thị trường BĐS vẫn còn tồn kho hàng chục ngàn căn hộ cao cấp, hàng ngàn biệt thự, liền kề xây xong không có người ở. Sau 2 năm nỗ lực tháo gỡ khó khăn (2013 - 2014), bất động sản vẫn còn tồn kho hơn 1 nửa. Phần lớn trong số đó là nhà ở cao cấp, biệt thự, liền kề và căn hộ xa xỉ. Trong khi đó, có tới 80% dân số đô thị cần hỗ trợ về nhà ở giá rẻ, nhà xã hội. Điều này cho thấy, hậu quả hết sức nặng nề của việc thị trường BĐS  không có định hướng thời gian trước đây”, Bộ trưởng Dũng cảnh báo. 

Trong khi đó, thị trường BĐS cũng đang chào đón một lượng lớn sản phẩm gia nhập thị trường trong năm 2015. Tại Hà Nội, các dự án lớn có thể kể đến như Dự án Castle Plaza (136 - Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm), quy mô 5.000 căn hộ vừa được khởi động lại sau 4 năm bất động với cái tên mới là Goldmark City; Các dự án FLC Complex tại 36 Phạm Hùng; FLC Garden City tại Đại Mỗ, Từ Liêm; FLC Star Tower tại Hà Đông của Tập đoàn FLC với khoảng 4.000 căn bộ, biệt thự, liền kề các loại; Dự án Green Star (234 - Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm) với hơn 2.000 căn hộ; Chung cư Đông Đô (quận Cầu Giấy), Chung cư Đồng Phát (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai), Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)… sau thời gian tái cơ cấu cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để tung hàng ra thị trường.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư