Đắng cay cảnh ở nhà thuê

Cập nhật 28/09/2010 13:10

Mở cửa định dắt xe ra, Quỳnh khựng lại khi thấy chiếc bàn chình ình bày thịt, rau của bà hàng xóm chắn lối ra vào nhà mình. Vừa nhẹ nhàng nhắc nhở, cô được "tặng" ngay một bài chửi kèm cái nguýt dài: "Dân ở thuê đừng có lắm chuyện".

Mở cửa định dắt xe ra, Quỳnh khựng lại khi thấy chiếc bàn chình ình bày thịt, rau của bà hàng xóm chắn lối ra vào nhà mình. Vừa nhẹ nhàng nhắc nhở, cô được "tặng" ngay một bài chửi kèm cái nguýt dài: "Dân ở thuê đừng có lắm chuyện".

Tìm trên mạng, nhờ người quen, sau gần hai tháng, Quỳnh (quê ở Phúc Thọ, Hà Nội) mới thuê được một nơi ưng ý tại làng Phú Đô, Mỹ Đình. Đó là hai phòng, ở tầng một và tầng 2 của một ngôi nhà 5 tầng ngay mặt ngõ, thuận tiện đi lại, chợ búa, dù mỗi phòng rất nhỏ và khá cũ kỹ. "Được cái chỗ đó giá cả hợp lý, lại có thể tận dụng được tầng một để mình bán hàng, kiếm thêm thu nhập trong thời gian ở nhà trông con", Quỳnh kể.

Vợ chồng cô đều là dân tỉnh lẻ xuống Hà Nội học và lập nghiệp. Cưới nhau xong, hai bên gia đình đều nghèo nên cặp vợ chồng trẻ phải ở nhà thuê. Bố mẹ già, không tìm được người giúp, nên sinh xong, Quỳnh thôi công việc làm kế toán cho một công ty về xây dựng, ở nhà vừa bán hàng, vừa chăm con.

Khi thuê được chỗ ở hiện nay, vợ chồng Quỳnh đều thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, mới ở được hai tháng, thì Quỳnh đã dở khóc dở cười khi bà hàng xóm kê bàn ghế ngồi bán đồ ăn sống ngay trước cửa nhà mình. Biết mình chỉ ở thuê, Quỳnh nhẹ nhàng nhắc nhở nhưng lại bị bà này chửa rủa ầm ĩ với những từ ngữ tục tĩu. Khi Quỳnh uất quá, cũng bật lại, liền bị bà xông tới đánh túi bụi, kèm theo lời dọa dẫm: "Mày sẽ không được sống yên ổn ở đây đâu!".


Tìm được nhà đã khó, sống được yên ổn, lâu dài ở những căn nhà thuê đó đôi khi cũng không đơn giản. Ảnh minh họa: Xuân Hưng.

"Chưa bao giờ em thấy ức như thế, bị đánh mà chẳng dám ho he gì vì dẫu sao mình cũng thân cô thế cô ở đấy. Những người xung quanh cũng bênh vực nhưng họ chỉ khuyên em nhịn đi, và dẫu gì, họ cũng là hàng xóm, ở cạnh nhau mấy chục năm trời. Giờ, em cố nhún xem họ có thôi không, nếu họ lấn tới, chắc em chỉ còn nước dọn đi chỗ khác", Quỳnh nghẹn ngào.

Gặp phải người chủ nhà quá đáng hay có những vị hàng xóm thích gây chuyện là một trong những nổi khổ của nhiều người sống cảnh nhà thuê. Chính vì thế, những người có kinh nghiệm tìm nhà thường không chỉ "kén" địa điểm, giá tiền mà còn phải tìm hiểu kỹ về dân trí khu vực mình định thuê.

"6 năm ở nhà thuê, mình cũng từng 2 lần phải chuyển vì không chịu được hàng xóm và nhà chủ", chị Huyền, biên tập viên một tờ tạp chí chuyên ngành ở Hà Nội cho biết. Lần đầu tiên, khi chị mới tốt nghiệp đại học, chuyển từ ký túc xá ra một khu nhà trọ ở mạn Thanh Xuân, nhóm 3 đứa, gồm chị và hai cô bạn cùng lớp, đã không thể chịu nổi khi cùng khu nhà trọ với mấy cô gái bán hoa, ngày ngủ đêm đi làm, rồi thỉnh thoảng lại gây sự vì những lý do vặt vãnh. Lần thứ hai, khi chị chuyển xuống ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, cũng không thể trụ được vì vợ chồng ông chủ nhà tối nào cũng cãi, đánh nhau, rồi chửi đổng sang nhà trọ bên cạnh.

"Bây giờ mình có gia đình rồi, nên việc chuyển đến hay chuyển đi không đơn giản nữa. Có con cái, đi tìm nhà trọ phải để ý thật kỹ. Chỗ mình đang ở bây giờ an ninh tốt, khu dân trí cao, nên sống khá thoải mái, mỗi tội là mới ở được hơn một năm mà đã 3 lần tăng giá, rồi nghe đâu còn trong diện giải tỏa, vợ chồng mình đang nơm nớp đây", chị Huyền kể.

Chị cho biết, khi có con, mỗi lần chuyển nhà vô cùng vất vả vì nhiều đồ đạc, hơn nữa, đến nơi mới lại bắt đầu tìm trường cho con. "Cho con vào trường công thì bị từ chối vì mình trái tuyến, cảnh nay thuê chỗ này, mai ở chỗ khác lấy đâu ra hộ khẩu hay tạm trú, gửi con ở trường tư thì quá đắt", chị bộc bạch.

Cũng từng trải qua bao đắng cay khi phải ở nhà thuê, vợ chồng chị Trúc (Từ Liêm, Hà Nội) đang quyết tâm mua một căn nhà nho nhỏ của riêng mình.

"Tìm nhà thuê đã khó, đã khổ, đến khi tìm được rồi, ở trong nhà cũng vẫn lo ngay ngáy, nào chuyện tăng giá, nào việc sợ người ta sớm đòi lại nhà, rồi cũng vì thế mà dù nhà có tệ, cũng chẳng dám sửa sang hay sắm sửa gì", chị Trúc kể.

Nói về "lịch sử" ở nhà thuê của mình, chị cho biết, vợ chồng chị quê ở Thái Bình, cưới nhau xong là trường kỳ thuê nhà đến nay, khi đã có hai mặt con. Ban đầu, anh chị ở trong một căn phòng chỉ tầm 10 mét vuông ở một dãy nhà trọ khu Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. "Phòng bé, sát nhau, nói hơi to cũng sợ phòng bên cạnh nghe thấy, rồi lối đi hẹp, phơi quần áo ngay trên đầu, nếu có ai đến chơi thì chẳng có chỗ mà để xe", chị nhớ lại.

Sau đó, khi có bầu, vợ chồng chị phải chuyển chỗ khác, vì ông bà chủ không thích trẻ con làm ồn. Lần này, họ tìm được một nhà trọ khá rộng rãi, giá rẻ, có điều ở tận Hà Đông, cách chỗ làm hơn chục cây số. Thế nhưng, hai người cũng chỉ trụ ở đây được hơn một năm vì chủ nhà đã tìm được mối bán. Thế là chị Trúc và ông xã đành đưa con về quê với ông bà để tiếp tục tìm nơi ở khác.

Nhờ bạn bè, tìm trên mạng, cuối cùng họ được giới thiệu một ngôi nhà tập thể ở Tây Mỗ, Từ Liêm. Thế nhưng, căn hộ rộng rãi, riêng biệt này chỉ có khung nhà, muốn ở được phải lát sàn, khoan giếng, xây WC... "Chủ nhà đó chẳng tha thiết cho thuê nên không định sửa gì. Mình nghĩ oải lắm nhưng anh xã quyết ở vì thấy chỗ đó đẹp và có thể ở được lâu dài vì nhà chủ không cần sử dụng. Thế là hai đứa xoay ra sửa chữa", chị Trúc thuật lại.

Thế nhưng, cuộc sống không ai học được chữ ngờ, bởi chỉ ở chưa đầy năm thì cơ quan anh chị lại chuyển chỗ, bà cũng không thể giúp trông cháu nữa. Họ lại chuyển nhà, khi thời gian ở chưa đủ hoàn số tiền bỏ ra sửa sang.

"Bây giờ em bé được đưa về quê với ông bà. Vợ chồng mình thì quyết tâm rồi, sẽ cố vay mượn để mua một ngôi nhà nho nhỏ, rồi sau đó trả nợ dần, chứ không thể cứ long đong đi thuê mãi thế này được", chị Trúc bộc bạch.

Tuy nhiên, chuyện có được một mảnh đất, ngôi nhà ở thủ đô bây giờ không đơn giản, nên không ít cặp vợ chồng ngoại tỉnh, sau chặng đường ở thuê vất vả, đã tìm đường về quê, bỏ giấc mộng xây tổ ấm nơi đô thành.

Nhớ về khoảng thời gian mệt mỏi tìm nhà, rồi uất ức cảnh ở thuê mà ông bà chủ khó tính, hay kêu ca, hay tăng giá, chị Minh (Thái Nguyên) cho biết, dù công việc đang thuận lợi vợ chồng chị vẫn quyết định bỏ tất cả đề về quê sinh sống.

"Đến hết đời chắc mình không thể quên cảnh hồi mới sinh con được hơn tháng, mẹ vẫn mệt, con khóc, chồng đi công tác mà ông bà chủ dọa đuổi vì họ muốn tăng giá. Khi đó, mỗi ngày, họ dẫn hết lượt người này đến lượt người khác vào nhà ngó nghiêng, xem phòng rồi ngã giá. Lúc ấy mình vừa ngượng, vừa tủi, chỉ muốn ôm con lao đi ngay lập tức", chị kể lại một trong những thời điểm khó khăn của mình.

Hiện tại, vợ chồng chị đã về quê, tuy thu nhập thấp hơn nhiều nhưng cuộc sống vẫn dễ chịu vì các khoản chi cũng ít hơn, và quan trọng nhất, họ đã có ngôi nhà của chính mình.

"Tất nhiên có rất nhiều người phải đi thuê nhà và họ vẫn có cuộc sống tốt, nhưng mình thì cảm thấy không chịu nổi áp lực đó, nên mình vẫn thấy đây lựa chọn đúng", chị Minh tâm sự.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress