Dân 'trả sổ đỏ' vì quy định của cơ quan quản lý

Cập nhật 06/06/2013 15:18

Vừa qua, việc hàng trăm hộ dân tại TP.HCM đồng loạt yêu cầu "trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" (hay còn gọi là sổ đỏ) đã gây xôn xao dư luận. Những người này cũng tỏ ra rất bức xúc vì nếu theo quy định họ sẽ phải đóng rất nhiều tiền, vượt quá khả năng của họ.

Vừa qua, việc hàng trăm hộ dân tại TP.HCM đồng loạt yêu cầu "trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" (hay còn gọi là sổ đỏ) đã gây xôn xao dư luận. Những người này cũng tỏ ra rất bức xúc vì nếu theo quy định họ sẽ phải đóng rất nhiều tiền, vượt quá khả năng của họ.

Từ câu chuyện mang tên vượt hạn mức

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại TP.HCM, hàng trăm hộ dân, đặc biệt ở quận 8 (TP.HCM) “đòi” trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chính quyền địa phương. Người dân "xin trả lại sổ đỏ" là việc làm bất thường theo thông lệ từ trước đến nay. Trong khi rất nhiều người khác đang chạy đôn, chạy đáo để đi làm sổ đỏ, hợp thức hóa nhà, đất của mình. Theo thông tin từ phía các hộ dân cho biết, sở họ "từ chối và trả lại sổ đỏ" là do số tiền dùng để nộp cho quyền sử dùng đất vượt hạn mức quá lớn từ vài chục triệu đồng đến cả tỷ đồng. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của những hộ dân trên chỉ ở mức trung bình nên việc đóng một khoản tiền như vậy vượt ra ngoài khả năng của họ.

Ảnh minh họa.

Ông Lê Văn Hùng (ngụ phường 16, quận 8) cho biết: "Đất đai của chúng tôi đều thuộc quyền sử dụng cá nhân, đã sinh sống ổn định từ 20 đến 30 năm nay. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là ở chỗ diện tích sử dụng đất của người dân là rất lớn. Hạn mức đất được quy định tại Quận này là 160m2. Ngoài hạn mức này, thì người dân phải đóng thêm tiền sử dụng đất gấp đôi so với quy định của thành phố tại khu dân cư. Chính điều đó tạo nên bức xúc cho người dân khi nghe tin. Hiện ông Hùng có khoảng 500m2 đất nông nghiệp, nếu chuyển toàn bộ sang đất ở thì số tiền thuế sử dụng đất phải đóng sẽ là rất cao".

Cụ Võ Quang Định (80 tuổi, sống tại 138 Hưng Phú, phường 8, quận 8) cho biết: "Tôi phải đóng tới 1,06 tỷ đồng để được cấp sổ hồng cho đất của gia đình đã sinh sống trên 30 năm". Không riêng gì trường hợp đặc biệt của cụ Định mà rất nhiều người dân đã phản ánh để có tiền nộp làm sổ đỏ, họ phải chạy đi khắp nơi để vay mượn và cuối cùng phải đối mặt với nhiều khoản nợ không thể trả nổi. Do đó dẫn đến việc nhiều người dân đã không hợp tác với chính quyền địa phương để giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà Nguyễn Thị Ba (ngụ hẻm 79, phường 16, quận 8) cho biết: "Tôi trước đây ở quận 6, sau đó bán nhà chuyển về nơi đây ở. Đến nay, cũng đã gần chục năm rồi mà không thể chuyển hộ khẩu từ quận 6 về được". Hiện nay, tại tổ dân phố này, để dễ bề quản lý, ngành điện đã cấp cho mỗi hộ gia đình một số nhà để thu tiền. "Còn số nhà do chính quyền cấp thì chúng tôi đã chờ đợi lâu lắm rồi, nhưng vẫn chưa thấy đâu".

Gần như cả khu vực hẻm 79, phường 16, quận 8 TP.HCM chưa hộ nào được cấp sổ đỏ.

Đến những nỗi khổ của người dân

Ngoài vướng quy hoạch "treo" thì người dân còn vướng luôn chuẩn diện tích đất để xây dựng. Thêm vào đó là việc phải đóng các khoản tiền thuế... cao thì việc đi xin cấp sổ đỏ đối với người dân là vô cùng khó khăn, gặp nhiều vướng mắc, trở ngại. Theo quy định của Nhà nước ban hành trong Luật Đất đai 2003 thì Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (sổ đỏ) được dùng để chứng minh quyền sở hữu đất đai của cá nhân, tập thể. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân phải được thực hiện nhanh chóng, tránh rườm rà các thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật, mang lại lợi ích cho người dân. Nhưng thực tế việc người dân đến các cơ quan ban ngành xin được cấp sổ đỏ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Trần Đình Minh (ngụ phường 8, quận 8) cho biết, ngoài các thủ tục, quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người dân còn gặp phải những chuyện "đáng kể" như một số bộ phận cán bộ, công chức gây khó dễ người dân mỗi khi đi làm sổ đỏ. Một nguyên nhân nữa trong việc khó khăn trong cấp sổ đỏ (đối với căn hộ, chung cư...) chính là việc chủ đầu tư không chấp hành đúng theo những quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai cũng như nghĩa vụ về tài chính. Nhiều người dân cho biết, họ mong mỏi được chính quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm sinh sống, không phải phập phồng lo âu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tính phần diện tích đất vượt quá hạn mức với giá cao, đang đẩy gánh nặng tài chính lên vai người dân. Bởi, khi họ đã mua đất lần đầu với giá thị trường, nhưng sau đó tiến hành các thủ tục để cấp sổ lại té ngửa tiền thuế sử dụng đất cho phần ngoài hạn mức "đội lên trên trời". "Việc người dân không có tiền để nộp và tiến hành xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đồng nghĩa với việc họ không thể xin phép xây dựng, xin cấp nước, kéo điện... Vô hình trung, người dân phải sống "chui" trên chính mảnh đất của mình. Đó cũng là điều bất hợp lý", ông Nguyễn Hoàng Tuấn, giám đốc một công ty xây dựng ở Tân Bình phân tích.

Trước tình trạng trên, đồng thời, để tháo gỡ giải quyết sớm cho người dân, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đã chỉ đạo cho sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các quận, huyện, thúc đẩy nhà đầu tư, nhanh chóng cấp sổ đỏ, những trường hợp khách hàng chưa thực hiện xong tài chính vẫn được cấp nhưng ghi rõ số tiền nợ trên sổ.  

Việc cấp sổ đỏ không chạy theo kịp thực tế

Theo thống kê của sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thì hiện, tại TP.HCM tỷ lệ cấp sổ đỏ còn thấp so với thực tế. Điển hình như quận 3 mới chỉ cấp được 1.992/12.058; quận 5 cấp 1.440/14.181, quận 8 cấp 3.426/19.008, quận Bình Thạnh 3.937/25.137, quận Thủ Đức 3.413/20.921, huyện Bình Chánh 5.235/34.134...


DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin