Gần 8.000 hộ dân trong diện giải tỏa dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q2) phải di dời chỗ ở. Thay vì ở chung cư, người dân tái định cư phần lớn đều tự đi mua nhà.
Theo Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng Q2, trong 8.000 hộ dân phải di dời, có đến 90% quyết định không ở chung cư mà nhận tiền mặt để mua hoặc xây nhà ở nơi khác.
Tìm nhà nơi khác
Tại phường An Lợi Đông (Q2), phần lớn người dân trong diện giải tỏa cho biết, họ không muốn chuyển đến các khu tái định cư như Thạnh Mỹ Lợi, An Lộc 1, An Lộc 2 (phường An Khánh, Q2) cũng như những khu nhà dành cho dân tái định cư ở các khu vực khác.
Theo bà Ngô Nữ Thanh Nga, một cư dân sống ở vùng này từ những năm 1980, phần lớn bà con sinh sống từ nhiều đời tại đây, đã quen với nơi ăn chốn ở, cách làm ăn buôn bán. Chủ yếu dân ở đây làm nghề đưa đò, bán hủ tiếu, uốn tóc… Họ muốn chuyển đến một nơi ở mới nhưng vẫn duy trì nghề nghiệp để kiếm kế sinh nhai. Từ nhiều đời nay quen với nông nghiệp, không thể dễ kiếm được việc làm mới nhanh chóng.
Khi biết thông tin có thêm 2 đợt đền bù, người dân vội đi lùng các ngôi nhà thích hợp để mua. Bà Nga nói rằng lúc này là thời điểm thích hợp nhất, giá nhà đất cũng đang giảm xuống mà dân thì đang có sẵn tiền.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (P. An Lợi Đông) sau khi có tin đền bù đợt 1, đã tìm ngay một căn nhà tại Q9 với giá 950 triệu đồng, đặt cọc trước 50 triệu đồng. Chị Ngọc tính, nhận thêm tiền đền bù của hai đợt tiếp theo chị sẽ trả được hết tổng trị giá căn nhà.
Còn với chị Nguyễn Trường Anh (Q2), tổng cộng 3 đợt đền bù chị lãnh được khoảng 2 tỷ đồng. Một nửa số tiền chị sẽ dành để mua nhà, còn lại sẽ thanh toán hết các khoản nợ nần và dành một ít để làm vốn kinh doanh. Tuy nhiên, chị cũng đang lo là sắp tới chưa biết sẽ tìm việc gì để làm.
Các suất tái định cư vẫn được
rao bán. Ảnh: Võ Tiến
Nhiều người dân phường An Lợi Đông có khoảng từ 800 triệu đồng trở xuống đã về khu Nhơn Trạch (Đồng Nai) tìm nhà. Ở đây có thể tìm được nhà trong các khu dân cư hiện hữu với giá vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên với giá này, hoặc là nhà nhỏ, chất lượng kém, và cũng khó có điều kiện tìm được việc làm tại chỗ.
Chung cư tái định cư vắng hoe
Trước cổng chính của chung cư An Lộc 2, phường An Khánh, Q2 có treo băng rôn với dòng chữ: “Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2 tích cực bàn giao nhà cho dân tái định cư”. Tuy vậy, số lượng dân di dời đến đây lại rất ít.
Anh Trần Quý, sống tại chung cư An Lộc 2, là dân môi giới đất ở đây, cho hay, dân tái định cư lên đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong số người đến ở, có khoảng 70% bán lại suất và đi mua nhà lẻ ở các quận huyện ngoại thành.
Anh Quý cho biết thêm, 30% hộ ở lại chung cư phần lớn là không biết đi đâu, hoặc là dân trí thức có thu nhập tạm đủ để đảm bảo cuộc sống. Phần còn lại phải đi nơi khác sinh sống vì không thể duy trì được cuộc sống khi không biết làm gì để kiếm ra tiền.
Chị Huỳnh Kim Thủy (chung cư An Phúc, Q2) khẳng định: “Trong gần 200 căn hộ tái định cư này, may lắm cũng chỉ có khoảng 30 căn là của dân tái định cư”.
Đa số người dân di dời, trở ngại lớn nhất là tìm việc làm, giúp ổn định cuộc sống. Trước đây, chị Thủy bán cơm và nước giải khát, trung bình mỗi ngày thu nhập 200 ngàn đồng. Lên chung cư, chị cũng bán cà phê, nước giải khát ngay trong căn hộ 63m2, cao lắm thì được 40 ngàn/ngày, có ngày không kiếm được đồng nào. Cũng may chồng chị làm trong một cơ quan nhà nước nên nguồn thu nhập cũng tạm đủ.
Người dân tái định cư không chọn chung cư vì trong khi chưa biết làm gì để sống thì tháng nào cũng phải trả các khoản phí như tiền rác, gửi xe, các dịch vụ khác…
Thêm vào đó là nỗi lo về chất lượng chung cư. Mới bàn giao nhà chưa được nửa năm, nhưng người dân sống trong chung cư An Phúc đã chịu cảnh tường thấm, nước rò rỉ, tường nhà bị nứt…
Tại lầu 2, chị Nguyễn Thị Xinh đang lo ngại vì nhà chị bị nứt 2 đường ngay cửa ra vào. Chị cho biết thêm, cách đây chưa lâu nhà tắm của chị nước cứ nhỏ long tong xuống sàn do bị rò rỉ.
Tình trạng người dân tái định cư không chịu ở nhà chung cư đang khiến cho các chung cư trong tình trạng “vô chủ”. Các căn hộ chung cư, nhà và nền đất tái định cư được sang tay, mua đi bán lại, tiếp tục đẩy giá lên cao.
Theo một lãnh đạo ngành xây dựng ở TP.HCM, trước đây đã có quy định người tái định cư không được bán lại nhà hoặc căn hộ tái định cư, nhưng do chưa có chế tài, và người dân tự bán bằng giấy viết tay cho nhau, nên cũng không ngăn cản được.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet