Đã thành thông lệ, hàng năm Bộ Tài nguyên-Môi trường và Sở Tài nguyên-Môi trường (NT-MT) các tỉnh thành giao lưu trực tuyến với người dân. Năm nay cũng không ngoại lệ và tại TPHCM...
Đã thành thông lệ, hàng năm Bộ Tài nguyên-Môi trường và Sở Tài nguyên-Môi trường (NT-MT) các tỉnh thành giao lưu trực tuyến với người dân. Năm nay cũng không ngoại lệ và tại TPHCM, Sở TN-MT TP đã nhận được hơn 100 câu hỏi của người dân. Qua những câu hỏi này, chúng ta có thể hình dung điều gì đang được người dân quan tâm nhất.
Tách thửa, đứng đầu bảng
Có đến gần 1/2 câu hỏi của người dân gửi tới liên quan tới vấn đề tách thửa. Đây là nội dung có số lượng người quan tâm tăng đột biến so với các năm trước. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu bởi UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định 19/QĐ-UBND ngày 25-2-2009 về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa và tách thửa như thế nào đã là vấn đề “nóng” âm ỉ ở TPHCM từ nhiều năm trước.
Các câu hỏi xung quanh vấn đề này đề cập đến mọi khía cạnh của chuyện tách thửa như “không biết diện tích đất mà mình đang có, sắp mua… có thể tách thửa được không?” Có quy định nào “du di” cho hoàn cảnh khó khăn không?...
Một người tên Phan Thanh Liêm ở địa chỉ ph-liem@yahoo.com hỏi: “Tôi thuộc diện gia đình khó khăn (có địa phương xác nhận), lại sắp phải di dời, giải tỏa mà tiền chỉ đủ mua căn nhà dưới 30m². Hiện tôi đã chọn được một căn nhà 28m² nhưng chưa dám mua vì căn nhà chưa tách thửa và chỉ có giấy tờ tay. Xin hỏi, nếu tôi mua căn nhà này có xin tách thửa, hợp thức hóa được không? Nhà nước có chính sách nào hỗ trợ cho người dân trong trường hợp như tôi?”.
Sở TN-MT đã trả lời: Pháp luật về đất đai không cho phép chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay sau ngày Luật Đất đai có hiệu lực (ngày 1-7-2003). Do vậy, bạn cần phải tính toán mua nhà không những phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mình mà còn phải đảm bảo diện tích không nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định.
Bà Trần Thị Thu Hiền ở địa chỉ buitran-hien@yahoo.com cũng hỏi câu tương tự: “Anh trai tôi mua một mảnh đất khoảng 60m² nhưng khi chuẩn bị mua thì được biết là với diện tích này thì không được cấp sổ đỏ vì diện tích đất tối thiểu ở khu vực này sau khi tách thửa phải là 120m². Tôi xin hỏi điều ấy có đúng không?”
Sở TN-MT đã hướng dẫn người dân tham khảo Quyết định 19/QĐ-UBND tại trang web của sở: www.donre.hochiminhcity.gov.vn. Một người khác tên Đan Duy Cường, địa chỉ csngoviviet@gmail.com hỏi: “Tôi định mua miếng đất ở huyện Hóc Môn với diện tích 5mx10m. Theo Quyết định 19/QĐ-UBND, miếng đất ấy có đủ điều kiện để xây dựng không? Gia đình tôi là người dân ở tỉnh đến TPHCM sinh sống, cuộc sống rất khó khăn, mẹ tôi bị bệnh tim mạch, huyết áp…Thực tế ấy có được UBND xã giải quyết linh động cho xây nhà nếu diện tích đất tôi mua không đủ điều kiện xây nhà?”
Sở TN-MT đã trở lời: Quyết định 19/QĐ-UBND được ban hành trên cơ sở nghiên cứu kỹ mục đích phát triển đô thị tại các quận, huyện. Do vậy, không thể “linh động” giải quyết tách thửa nhỏ hơn diện tích so với hạn mức đã được quy định tại Quyết định 19/QĐ-UBND…
Với tất cả những băn khoăn nêu trên, rõ ràng còn rất nhiều người dân chưa nắm rõ quy định về tách thửa. Có lẽ Sở TN-MT cần phối hợp với các quận, huyện giải thích thêm cho người dân về tách thửa, bởi lẽ tách thửa là một vấn đề không nhỏ trong việc phát triển đô thị. Nếu người dân hiểu và thực hành đúng các quy định về tách thửa thì đô thị sẽ không bị xé vụn ra.
Môi trường... cũng có tới gần 20 câu hỏi
20 câu hỏi, tương đương 1/5 tổng số câu hỏi giao lưu gửi về Sở TN-MT, chứng tỏ những vấn đề về môi trường cũng được người dân quan tâm không kém vấn đề tách thửa. Người là “nạn nhân” của tình trạng ô nhiễm môi trường cũng hỏi mà người là “chủ nguồn thải” gây ra ô nhiễm môi trường…cũng hỏi.
Một người xưng là chị Thanh ở địa chỉ nhenden 201@yahoo.com hỏi: “Tôi bị chủ tịch UBND phường xử phạt 1 triệu đồng theo Nghị định 81 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Lỗi của tôi ở đây là đã gây ra tiếng ồn vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép trong khu dân cư. Tôi nộp phạt nhưng vẫn băn khoăn vì theo quy định của Nghị định 81 thì Chủ tịch UBND cấp phường xã chỉ được phạt tối đa 500.000 đồng. Tôi có hỏi lại chính quyền phường về vấn đề này thì được giải thích, ngoài Nghị định 81, Chủ tịch UBND phường đã vận dụng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 khi ra quyết định phạt tôi”.
Sở TN-MT cho biết: Ngày 2-4-2008 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính theo hướng Chủ tịch UBND phường, xã có thể ra quyết định phạt đến 1 triệu đồng.
Một điều rất thú vị là có không ít sinh viên, học sinh cũng hỏi các thông tin về môi trường. Một sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Công nghiệp TPHCM hỏi: “ Em đang làm đề tài xử lý nước cấp cho 100.000 dân. Thầy bắt em phải lấy thông số, chỉ tiêu môi trường năm 2008 của sông Sài Gòn để làm bài. Em không biết lấy ở đâu và lấy như thế nào? Mong Sở TN-MT giúp”.
Một sinh viên khác hỏi: các chỉ số về chất lượng không khí AQI mà thành phố đang làm, áp dụng theo tiêu chuẩn nào, công thức tính ra sao?...
Nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ cơ hội này để hỏi về công tác xử lý chất thải ở đơn vị mình. Một người tên Trần Thanh Tùng ở địa chỉ tungmychau@mychua.com.vn hỏi: “Năm 2008 công ty chúng tôi đã ký hợp đồng thuê Công ty Môi trường Đô thị TPHCM vận chuyển, tiêu hủy chất thải nguy hại. Tuy nhiên, năm 2009 Công ty Môi trường Đô thị TPHCM từ chối tái ký hợp đồng nói trên. Sở TN-MT có thể giới thiệu một đơn vị khác sẵn sàng làm việc này không? Sở TN-MT đã gửi cho anh Trần Thanh Tùng một danh sách khá dài các đơn vị có thể làm công việc này.
Bên cạnh những câu hỏi, người dân còn có tranh luận khá quyết liệt với sở về nhiều vấn đề môi trường. Một người tên Hồ Ngô Thiên Long ở địa chỉ nguyenhoang05081990@yahoo.com nói: “Theo quy định mới về thu phí rác thải (sẽ áp dụng từ ngày 1-5-2009) thì các quán ăn trong nhà bao gồm nhà hàng, khách sạn… sẽ phải nộp phí rác thải 176.800 đồng/m3/tháng. Trong khi đó, các đối tượng khác (không phải hộ gia đình) chỉ phải đóng 60.000 đồng/cơ sở/tháng… Liệu điều này có chênh lệch quá không?
Như vậy, cũng giống như tách thửa, nhiều thông tin về môi trường vẫn còn chưa đến được với người dân. Người dân không rõ về các chế tài, muốn lấy thông tin về môi trường cũng chưa biết lấy ở đâu… Chính vì vậy, mà ngoài các buổi giao lưu trực tuyến, Sở TN-MT cùng các quận, huyện và các ban ngành chức năng cần có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ hơn về môi trường, để cung cấp người dân thông tin đầy đủ hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng