Người dân còn thiếu hiểu biết, tự mua bán không thông qua cơ quan chức năng nên gặp nhiều rủi ro, mất tiền, mất cả đất.
Chị HN Êban bán sào đất nhưng mất luôn đất thổ cư, giờ phải xây nhà trên đất nông nghiệp. Ảnh: QN
Cơn sốt đất tràn đến vùng quê nghèo xã Cư Suê (Cư M’gar, Đắk Lắk) cách đây chừng hơn hai năm. Hiện tại, giá đất cũng đang ở đà phi mã. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là cũng vì sốt đất mà nhiều hộ dân tại đây đang điêu đứng vì bị mất sổ đỏ, mất tiền, mất đất mà không cách nào đòi lại được.
Bán sào đất mất luôn sổ
Dẫn chúng tôi tới nhà một số hộ dân đã từng bán đất nhưng đến nay chưa đòi được tiền, bà H’Đàn Niê, buôn trưởng buôn Sút H’luôt, xã Cư Suê, thở dài: “Nhiều hộ dân ở đây khổ lắm. Bán một sào đất mà mất luôn cái sổ, còn không lấy được tiền”.
Chỉ cho chúng tôi khu đất đã được san bằng trước nhà một hộ dân, buôn trưởng cho biết đây là một trong những hộ dân vì thiếu hiểu biết, quá thật thà mà bị lừa. “Sau khi đặt cọc, người mua cầm sổ hồng đất của dân đi mất, mấy năm nay không liên lạc được” - buôn trưởng nói.
Không những thế, ở buôn còn có nhiều trường hợp sau khi bán một phần diện tích đất thổ cư thì bị người mua “mượn” luôn phần thổ cư còn lại. Người mua nói sau này sẽ mua luôn nhưng hai, ba năm nay không trả sổ cho chủ đất hoặc khi trả thì sổ của chủ đất chỉ còn đất nông nghiệp, không còn đất thổ cư.
Chị H’Loet Kẽn, con gái của một chủ đất, kể năm 2020, họ bán một sào đất. Người mua đặt cọc hai lần, mỗi lần 150 triệu đồng. “Lần thứ ba họ đưa thêm 140 triệu đồng và hứa một tháng sau trả đủ nhưng lại cầm sổ đi luôn. Giờ gia đình tôi không biết phải làm thế nào” - người này nói.
Cùng cảnh ngộ, anh Y Đạt ở cùng xã cũng bán đất, người mua đã sang qua nhiều đời chủ rồi mà tiền đất chưa trả đủ cho anh. Khốn khổ hơn, cha mẹ anh đã mất nên càng không biết làm sao để tìm người mua đòi lại sổ.
“Tôi gọi điện thoại cho người mua nhiều lần họ không bắt máy. Tổng diện tích đất của gia đình là 3,8 sào, chúng tôi bán một sào nhưng họ chỉ mới trả 400 triệu/600 triệu đồng” - anh Đạt buồn bã nói.
Mua đất vườn “xào” luôn đất ở
Vợ chồngchị HN Êban (buôn Sút Mđưng) cũng là nạn nhân của cơn sốt đất. Vợ chồng chị không biết chữ. Năm 2020, khi có người giới thiệu bán đất, vợ chồng chị đã bán 1 sào trong diện tích hơn 2,5 sào đất của gia đình. Tuy nhiên, khi việc mua bán xong xuôi, vợ chồng chị mới ngớ người khi biết 400 m2 đất thổ cư đã… biến mất, phần còn lại chỉ là đất nông nghiệp.
Căn nhà mới xây của vợ chồng chị bên cạnh mảnh đất đã bán hai năm trước được xác định là xây trên đất nông nghiệp. “Trong quá trình đi làm giấy tờ, công chứng bán đất, do thiếu hiểu biết nên bị người mua lừa gạt. Mới đây, khi trích một phần đất còn lại để làm nhà ở, họ mới biết phần đất thổ cư đã mất” - trưởng buôn Sút Mđưng thông tin thêm.
Trong buôn có đến bốn trường hợp như của vợ chồng chị HN Êban. Họ bị cò đất, người mua lợi dụng khi không biết chữ, không hiểu biết pháp luật mà mất đất, mất nhà.
Đồn thổi xã nhập về TP chỉ là chiêu trò
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến sốt đất trên địa bàn là do xã nằm sát với TP Buôn Ma Thuột.
“Nhóm cò đất tung tin Cư Suê sẽ trở thành phường của TP Buôn Ma Thuột để đẩy giá đất. Đây là tin đồn thổi, không chính thống để trục lợi” - ông Hoan khẳng định.
Ngoài ra, người môi giới đất nắm được một số dự án (đang nằm trên giấy) dự kiến được làm trên địa bàn xã nên đã đồn thổi để nâng giá đất. Xã Cư Suê có quốc lộ 26 chạy qua giao cắt một số tỉnh lộ nên cũng được đồn là… buôn đất có tương lai.
Đối với việc người dân bán đất nhưng chưa nhận được tiền hoặc bị người mua đất giữ luôn sổ, ông Hoan cho rằng chưa nhận được đơn thư phản ánh nào. Việc mua bán bất động sản được thực hiện tự phát giữa hai bên, không qua cơ quan có thẩm quyền nên địa phương không thể xử lý. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo để người dân tránh việc tiền mất tật mang.
Một lãnh đạo xã này cũng khẳng định sẽ làm nghiêm, xử lý đúng theo pháp luật đối với những sai phạm liên quan đến đất đai và xây dựng để tránh tình trạng đầu cơ thổi giá đất trên địa bàn.
Công an tìm nhóm cắm cọc giả quy hoạch làm đường
Ông Vương Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, cho biết cơn sốt đất ảo đang tràn về địa phương. Thời gian gần đây, một số đối tượng đã tự cắm các cột quy hoạch dọc một tuyến đường trên địa bàn xã nhằm tung tin giả về việc mở rộng các tuyến đường nhằm thổi giá đất, trục lợi. Nhóm này còn tung chiêu lừa rằng xã Hòa An sắp sáp nhập về thị trấn Phước An. Hiện UBND xã đang giao cho công an điều tra, Công an huyện Krông Pắk cũng đã vào cuộc để xác minh, làm rõ.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO