Không chỉ mất đất, mất đường và thất học..., những người dân nhường đất cho nhà đầu tư xây sân golf Phượng Hoàng đang phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp - điều mà hàng chục năm qua họ chưa bao giờ nghĩ tới...
Ly nông, dân không biết làm gì!
Bà Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhinh cho biết có khoảng gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân golf, trong đó toàn bộ các hộ thuộc các xóm Rổng Tằm, Rổng Vòng và Rổng Cấn đã phải di dời 100% để phục vụ dự án...
Do mất đất nông nghiệp, hàng trăm nông dân của xã từ nhiều năm qua lâm vào cảnh gần như ăn không ngồi rồi. "Trước đây khi sân golf chuẩn bị được xây dựng, phía nhà đầu tư hứa hẹn sẽ ưu tiên tạo công ăn việc làm cho bà con Lâm Sơn. Thời gian đầu, trong giai đoạn xây dựng cơ bản có rất nhiều lao động địa phương được nhận vào làm việc. Nhưng sau đó với lý do người lao động không đáp ứng được yêu cầu, chủ sân golf đã cho nghỉ việc hàng loạt. Hiện tại chỉ có khoảng dăm bảy chục người còn "trụ" lại được với những công việc nhặt bóng, bảo vệ, chăm cỏ", bà Nhinh cho biết.
Nhưng người trụ lại cũng không biết được bao lâu. Chị Hoàng Thị Thuận, người xóm Rổng Tằm, trước đây làm ruộng, sau khi sân golf hoàn thành được nhận vào làm nhặt cỏ, kể: "Công việc ở sân golf rất vất vả, cả ngày phải làm đến mười mấy tiếng dưới cái nắng gay gắt, mà đồng lương họ trả không bằng chúng tôi làm ruộng trước kia. Cứ như thế kéo dài triền miên nhiều người không chịu được đã phải tự động bỏ việc chứ chưa cần họ cho nghỉ".
Về phía chính quyền, thực tế khi triển khai dự án sân golf cũng tính đến chuyện giúp nông dân chuyển đổi nghề. Thế nhưng, đến nay việc chuyển đổi nghề hoàn toàn đổ bể. "Trước đây người dân Lâm Sơn cũng từng rất hy vọng vào chuyện sẽ được học nghề để kiếm sống, thế nhưng các lớp mây tre đan xuất khẩu tổ chức được có một khóa cho hơn 30 chục chị em nông dân xã. Sau khóa học mặc dù đã rất cố gắng với nghề mới, nhưng do là nông dân vốn quen ruộng đồng từ trong máu, nên những sản phẩm thủ công của họ làm ra trên thực tế không thể bán được. Mà có bán được cũng chỉ thu chưa đầy hai chục nghìn mỗi ngày", bà Hồng Nhinh nhận xét.
Đứng trước nhà cao cửa rộng
nhưng thường trực nỗi lo thất
nghiệp - Ảnh: Trường Sơn.
Trong khi đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người dân hình như cũng không được quan tâm. Nhiều người cho biết, sau khi giải tỏa đền bù, chính quyền và nhà đầu tư san lấp một số điểm tái định cư rồi đưa dân về tự xây nhà, thế là xong. Còn tiền bồi thường dân lãnh về nên sử dụng ra sao, đầu tư vào đâu... đều không được hướng dẫn.
Bởi vậy mới có chuyện, theo lời kể của một cán bộ xã, sau đợt nhận tiền đền bù đầu tiên hồi năm 2004, chỉ trong một ngày người dân Lâm Sơn sắm tới hơn 300 chiếc xe máy!
Rồi hàng loạt ngôi nhà tầng mọc lên tạo cho khu tái định cư một vẻ ngoài hào nhoáng giả tạo. "Nhìn những ngôi nhà cao tầng bề thế, rồi ti-vi, dàn máy hát xập xình, xe máy đẹp lượn vòng vòng khắp xã, nhiều người dễ tưởng dân ở khu tái định cư của xã Lâm Sơn là những người có của ăn của để. Thế nhưng, nhiều nhà chạy ăn từng bữa đấy. Tiền bồi thường đem xây nhà, sắm xe, tiêu hết rồi, không còn ruộng đồng, không còn nương rẫy, không nghề nghiệp, giờ là tay trắng", một người dân chua chát.
Dạo quanh những xóm TĐC, thấy thanh niên trong xóm không có nghề nghiệp loanh quanh đầy mấy quán trò chơi điện tử, bi-a... Không có việc làm, không có thu nhập, nên từ ngày sân golf được xây dựng đã có tệ nạn nảy sinh.
Nhập nhèm chuyện đền bù
Theo phản ánh của người dân và tìm hiểu của PV, từ 2005 - 2007, việc lên phương án đền bù cho các hộ dân của xã Lâm Sơn đều căn cứ vào quyết định phê duyệt dự toán đền bù giải phóng mặt bằng sân golf cùng các công trình phụ trợ được UBND tỉnh Hòa Bình ban hành ngày 17.1.2005.
Dự toán này không căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, mà dựa trên Quyết định 2103/QĐ-UB của UBND tỉnh Hòa Bình ngày 22.10.2004, mà trên thực tế đây là một quy định giải phóng mặt bằng cho riêng sân golf Phượng Hoàng.
Ngày 3.12.2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 197/NĐ - CP về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Để thực hiện nghị định này, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định 42/QĐ-UB ngày 30.9.2005 về việc ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Thế nhưng, điều khó hiểu là phương án bồi thường cho các hộ dân ở giai đoạn sau của dự án sân golf vẫn bị áp theo Quyết định 2103/QĐ-UB, mà trên thực tế chỉ tiết kiệm kinh phí giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư và đẩy phần thiệt thòi cho người dân.
Tương tự, đến ngày 23.6.2005, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định 1091/QĐ-UB về việc duyệt bổ sung đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng dự án sân golf tại xã Lâm Sơn, trong đó có nội dung "đất vườn, ao liền kề xen kẽ khu dân cư sẽ được bồi thường hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ bằng 20% giá đất thổ cư tại vị trí các hộ đang ở, phần diện tích được tính tối đa bằng diện tích đất thổ cư các hộ bị thu hồi".
Quy định hạn chế diện tích đất liền kề này trên thực tế là động thái cắt xén mức hỗ trợ cho các hộ dân. Bởi trước đó, trong Quy định kèm theo Quyết định 42/QĐ-UB của UBND tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ đất vườn, đất ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, mức hỗ trợ bằng 50% giá đất ở liền kề.
Vì sao UBND tỉnh Hòa Bình lại khống chế diện tích đất vườn được hỗ trợ, gây thiệt thòi cho người dân? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình, cho rằng do đặc thù là tỉnh miền núi, các hộ dân đều có diện tích đất lớn. Nếu không có quy định về hạn mức như vậy thì số tiền hỗ trợ sẽ rất lớn.
"Tỉnh cũng cố gắng làm sao có lợi cho người dân nhưng cũng phải trên cơ sở chính sách phù hợp với thực tế, không cũng rất khó cho nhà đầu tư", ông Hải nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi nêu câu hỏi tại sao trong một dự án khác (dự án xây dựng trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang - Bộ Công an) tiến hành cùng thời điểm dự án sân golf Phượng Hoàng thì việc đền bù lại được áp dụng theo mức hỗ trợ 50%, ông Hải trả lời không nắm rõ vấn đề này và đề nghị sẽ trả lời sau bằng văn bản...
Ông Nguyễn Quang Hải cho biết hiện trên địa bàn tỉnh còn có 3 dự án xây dựng sân golf khác đang trong giai đoạn khảo sát, xây dựng. Trong đó có dự án xây dựng sân golf tại xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy) do sự phản ứng dữ dội của dư luận nên vừa bị tỉnh Hòa Bình đình chỉ. Theo ông Hải, dự án này mới "chỉ chặt phá khoảng 2 hecta" rừng đầu nguồn thuộc khu vực rừng phòng hộ của địa phương!
>Dân khổ vì sân golf
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên