Dân khổ vì nghị định "đá” luật

Cập nhật 30/11/2007 13:00

Luật qui định không nộp tiền sử dụng đất nhưng nghị định hướng dẫn lại yêu cầu người dân phải nộp. Chính vì nghị định này "đá” luật khiến hàng loạt hồ sơ...

Luật qui định không nộp tiền sử dụng đất nhưng nghị định hướng dẫn lại yêu cầu người dân phải nộp. Chính vì nghị định này "đá” luật khiến hàng loạt hồ sơ cấp giấy chủ quyền nhà đất ở TP.HCM bị ách tắc do chưa biết nộp thuế theo qui định nào.

Luật đất đai năm 2003 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2004) qui định: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ theo qui định nhưng đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, được UBND phường, xã xác nhận đất không có tranh chấp, phù hợp qui hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp này không phải nộp tiền sử dụng đất.

Hồ sơ nhà đất nằm chờ thuế

Trong khi đó nghị định 84 cũng qui định: trường hợp đất có nhà ở thì người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng. Nhưng lại "thòng" thêm một câu: "nhưng diện tích không phải nộp tiền sử dụng đất không vượt quá hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo qui định tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.

Đối với diện tích đất ở ngoài hạn mức (nếu có) thì phải nộp tiền sử dụng đất theo mức thu qui định tại điểm a khoản 3 điều 8 nghị định số 198/2004/NĐ - CP". Như vậy, phần diện tích vượt hạn mức phải nộp 50% tiền sử dụng đất.

Từ khi áp dụng nghị định trên, các chi cục thuế đều chưa dám giải quyết nộp tiền sử dụng đất cho trường hợp có diện tích vượt hạn mức. Hàng loạt hồ sơ cấp chủ quyền nhà đất đã qua khâu kiểm tra của xã phường, quận huyện nhưng khi đến các chi cục thuế phải... nằm chờ. Có hồ sơ phải chờ hơn bốn tháng qua, còn người dân thì như đang "ngồi trên lửa".

Giấy chủ quyền không ra do đó nhà đất cũng không thế chấp được, ảnh hưởng việc làm ăn. Chưa kể giá đất mới sắp ban hành, nếu hồ sơ không giải quyết kịp trước cuối năm nay thì phải nộp tiền sử dụng đất theo giá mới. Như vậy người dân sẽ chịu thiệt thòi trong khi "lỗi" là do các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, một người dân ở quận Tân Bình bức xúc: qui định miễn tiền sử dụng đất cho người sử dụng trước 15/10/1993 nên anh cứ đinh ninh như vậy, chưa làm giấy chủ quyền. Gần đây khi làm giấy thì được cơ quan thuế thông báo phải nộp tiền sử dụng đất lên đến hàng trăm triệu đồng cho phần diện tích ngoài hạn mức, khiến anh bất ngờ. "Cùng thời điểm sử dụng đất nhưng có người miễn, có người không. Cách thu như vậy là chưa hợp lý” - anh nêu ý kiến. Nhiều người dân khác cũng đang trong tình cảnh như vậy, nhất là ở các quận ven như Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân...

Chưa rõ ràng

Theo các chi cục thuế, qui định tại nghị định 84 còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn với người sử dụng đất trước ngày 15/10/1993, có diện tích vượt hạn mức thì thu ra sao? Hoặc người sử dụng đất đã được cơ quan chức năng cấp chủ quyền một phần diện tích, phần còn lại nếu vượt hạn mức thì có thu tiền sử dụng đất?...

Hơn một tháng sau khi áp dụng nghị định, Cục Thuế TP.HCM cũng phát hiện còn nhiều vướng mắc khác như: trường hợp được cấp nhiều giấy chứng nhận thì có cộng dồn lại để xác định diện tích ngoài hạn mức hay không? Cơ quan nào sẽ xác định diện tích ngoài hạn mức nếu cộng dồn? Thời điểm áp dụng hạn mức này theo ngày nhận hồ sơ của cơ quan thuế hay ngày nhận hồ sơ của cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận?...

Tuy nhiên sau hai lần gửi công văn tham khảo ý kiến (một lần gửi và một lần nhắc lại), đến nay Tổng cục Thuế vẫn chưa có ý kiến phản hồi.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật đất đai 2003 đã qui định cụ thể. Về nguyên tắc, luật có giá trị pháp lý cao hơn nghị định, do vậy phải làm theo luật để giải quyết hồ sơ nhà đất cho dân, nếu kéo dài sẽ tiếp tục gây ách tắc, quyền lợi của người dân bị thiệt thòi.

Phải áp dụng luật

Luật sư Huỳnh Văn Nông - Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật: Theo tôi, qui định tại điểm a khoản 1 điều 14 nghị định 84/2007/NĐ - CP ngày 25 /5/2007 của Chính phủ hạn chế diện tích đất được miễn nộp tiền sử dụng đất (chỉ diện tích đất nằm trong hạn mức giao đất ở tại địa phương mới được miễn nộp tiền sử dụng đất) đối với những người sử dụng đất có nhà ở trên đất trước ngày 15/10/1993 là trái với khoản 4 điều 50 Luật đất đai năm 2003.

Theo Luật đất đai năm 2003, tất cả diện tích đất sử dụng làm nhà ở ổn định từ trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp và phù hợp với qui hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ khoản 2 điều 80 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải áp dụng Luật đất đai năm 2003 để giải quyết theo hướng có lợi cho người sử dụng đất.



Theo Tuổi Trẻ