Cùng một lô đất nhưng lại được cấp tới năm hoặc sáu sổ đỏ. Đó là chuyện xảy ra với hàng trăm hộ dân ở ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM...
Ông Triệu Đình cho rằng không có con mương chảy qua mảnh đất này. |
Cùng một lô đất nhưng lại được cấp tới năm hoặc sáu sổ đỏ. Đó là chuyện xảy ra với hàng trăm hộ dân ở ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Việc lắm sổ trên một lô đất đã gây không ít khó khăn cho người dân.
Một lô năm giấy
Bà Nguyễn Thị Cách, ngụ tại số 7A187, ấp 7, xã Phạm Văn Hai, vào năm 1980 được cấp một lô đất rộng khoảng 1.000m2 tại cùng địa chỉ. Khi làm giấy chủ quyền, UBND huyện Bình Chánh dựa vào bản vẽ đất xác định hiện trạng nhà, đất của bà như sau: Đằng trước nhà bà có một con kênh (kênh An Hạ), giữa nhà và sau nhà có một con mương. Do vậy, từ kênh An Hạ vào 30m là hành lang bảo vệ kênh, được cấp sổ đỏ đất nông nghiệp. Từ hành lang bảo vệ kênh đến hành lang bảo vệ mương được cấp một sổ đỏ khác. Đối với phần diện tích từ con mương rộng 4m vào 5m, là hành lang bảo vệ mương, cấp thêm một sổ đỏ nữa. Từ hành lang bảo vệ mương thứ nhất đến hành lang bảo vệ mương thứ hai, bà được cấp sổ hồng vì được phép xây nhà. Từ phần được cấp sổ hồng đi vào 5m là hành lang bảo vệ mương thứ hai, nên tiếp tục được cấp giấy đỏ. Tương tự như bà Cách, ông Triệu Đình ngụ tại số nhà 7A177, cũng được cấp đến bốn sổ đỏ và một sổ hồng cho lô đất khoảng 1.000m2.
Một miếng đất mà có đến 4 - 5 loại giấy đã gây không ít khó khăn cho người dân. Bà Cách nói, đơn cử khi thế chấp vay tiền thì không có ngân hàng nào dám nhận. Còn chuyện bán đất thì “đừng mơ”, vì chẳng ai dám đụng đến những miếng đất không giống ai này!
Bất nhất quan điểm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Phạm Văn Hai có khoảng 400 trường hợp được cấp nhiều giấy tờ cho một lô đất như vậy. Theo UBND huyện Bình Chánh, bản đồ vị trí 1/4.000 ghi rõ: có một con mương cắt ngang nền đất các hộ dân từ tổ 3 đến tổ 9. Tuy nhiên, 400 hộ dân của các tổ trên phản đối không có con mương nào. Vì trước đây, nông trường An Hạ cấp cho mỗi hộ dân khoảng 1.000m2 đất, chạy dài nối tiếp trên một đường thẳng. Bà con tiếp tục thắc mắc, nếu nói có mương, sao khi cấp giấy chủ quyền, nhà có mương, nhà không. Như nhà của ông Lê Quốc Thắng ở số 7A169 được xác định là không có mương, trong khi nhà ông Thắng nằm giữa hàng trăm căn nhà khác, trong khi các nhà bên cạnh lại bị cho là lấn mương.
Ông Trần Quốc Quay, chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai cho biết: “Lãnh dạo xã đã bị UBND huyện Bình Chánh kiểm điểm vì để người dân lấn chiếm kênh mương. Nhưng đất này ngày xưa người dân được cấp sao gọi là lấn chiếm?” Theo ông Quay, thực trạng cấp giấy tờ lung tung như trên là có, nhưng không biết có bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng. Hiện lãnh đạo xã đang tiến hành khảo sát.
Lãnh đạo xã Phạm Văn Hai thì nói vậy, nhưng ông Nguyễn Văn Bá, phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bình Chánh lại khẳng định: Trước đây, khu vực này có con mương, mà giấy chủ quyền nhà, đất của các hộ dân ở đây lại được cấp theo chỉ thị 299, nên được xác định là lấn mương. Đầu năm 2008, UBND TP.HCM ban hành công văn hướng dẫn cách giải quyết tình trạng lấn chiếm trên kênh rạch. Theo đó, đối với trường hợp lấn chiếm trước tháng 6.2004, thì được tiếp tục tồn tại và con mương lấn chiếm sẽ được xoá, đồng thời thống nhất lại một giấy nhà và đất. Những trường hợp lấn chiếm sau năm 2004 (kể cả mua lại của người lấn chiếm trước năm 2004) sẽ bị thu hồi.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị