Ngay cả khi đã xác định rõ các chi phí và khoản lợi nhuận cụ thể, người nộp thuế vẫn được quyền nộp 2% trên giá chuyển nhượng.
Người nộp thuế được lựa chọn mức thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất. Ảnh: HTD |
Ngay cả khi đã xác định rõ các chi phí và khoản lợi nhuận cụ thể, người nộp thuế vẫn được quyền nộp 2% trên giá chuyển nhượng.
Như Pháp Luật TP.HCM phản ánh, giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp đang có nhiều cách hiểu khác nhau về cách thu thuế việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất. Theo Cục Thuế TP.HCM, nếu hợp đồng đã thể hiện rõ giá chuyển nhượng, giá vốn và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng thì phải nộp 25% trên lợi nhuận. Đa số người nộp thuế muốn được lựa chọn cách nộp thuế theo ý riêng.
“Người dân được quyền lựa chọn nộp 25% hoặc 2%”. Hôm qua (17-9), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định như vậy với phóng viên Pháp Luật TP.HCM.
Chọn cách nào có lợi hơn
Theo ông Tuấn, Thông tư 161 ngày 12-8 của Bộ Tài chính quy định hai cách nộp thuế từ việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất.
1. Áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập chịu thuế đối với các trường hợp có đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ làm căn cứ xác định giá chuyển nhượng, giá vốn và các chi phí có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng.
2. Áp dụng thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng đối với các trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan.
Ví dụ: A ký hợp đồng với một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để góp vốn mua căn hộ với giá 600 triệu đồng. Sau đó, A chuyển nhượng hợp đồng góp vốn này cho B với giá 800 triệu đồng.
A phải nộp thuế theo hai cách tính như sau:
- Hoặc 2% của giá chuyển nhượng (800 triệu đồng), tức nộp 16 triệu đồng.
- Hoặc 25% của lợi nhuận (800 triệu đồng - 600 triệu đồng - lãi ngân hàng). Nếu không phải trả lãi ngân hàng thì số tiền thuế A phải nộp là 50 triệu đồng.
Trong trường hợp này, do cách nộp 25% sẽ cho ra số tiền thuế cao hơn so với cách nộp 2% nên A có quyền chọn cách nộp 2%.
Như vậy, mặc dù có các giấy tờ chứng minh các chi phí liên quan nhưng khi tính toán, mức thuế 25% trên lợi nhuận cao hơn mức thuế 2% trên giá chuyển nhượng thì người nộp thuế có quyền lựa chọn mức thuế 2%.
Ghi theo giá hợp đồng mới
Khi sang tên hợp đồng cho người nhận chuyển nhượng, doanh nghiệp phải ghi giá vốn sao cho chính xác: ghi theo giá mua ban đầu hay ghi theo giá chuyển nhượng?
Ông Tuấn trả lời: “Đương nhiên là ghi theo giá chuyển nhượng chứ không thể ghi theo giá vốn”. Dù giá vốn ban đầu là 600 triệu đồng nhưng khi A chuyển nhượng hợp đồng cho B giá 800 triệu đồng thì hợp đồng mới phải ghi giá vốn là 800 triệu đồng. Cách ghi này đảm bảo quyền lợi cho người mua cuối cùng.
Ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính đang giao cho Tổng cục Thuế nghiên cứu, ra văn bản hướng dẫn để các cục thuế tỉnh, thành có thể thu thuế theo đúng quy định của Thông tư 161. Trong văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thuế sẽ chỉ rõ trường hợp nào thì áp dụng mức thu 25% lợi nhuận, trường hợp nào thì thu 2% trên giá chuyển nhượng. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cơ quan thuế địa phương cần có phản hồi kịp thời về Tổng cục Thuế.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP