Dân công sở lại bắt đầu lướt sóng bất động sản

Cập nhật 02/11/2014 08:11

Thời lướt sóng căn hộ tại Sài Gòn, bắt đầu chớm từ tháng 4/2014, khi vài dự án phía Đông triển khai. Và hay nhất, lại là câu chuyện của dân công sở hóng chuyện kiếm thêm, khi thu nhập bị thu hẹp lại ở thời vô cùng khó khăn.

Thời lướt sóng căn hộ tại Sài Gòn, bắt đầu chớm từ tháng 4/2014, khi vài dự án phía Đông triển khai. Và hay nhất, lại là câu chuyện của dân công sở hóng chuyện kiếm thêm, khi thu nhập bị thu hẹp lại ở thời vô cùng khó khăn.


1 Chị Huệ làm thủ quỹ của một cơ quan nhà nước có trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, quận 3. Vợ chồng chị, sau nhiều năm phải đi mướn nhà ở thuê thì đã vay mượn người thân trong gia đình, tích cóp được số tiền kha khá mua miếng đất tại quận 2.

Miếng đất ấy, chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, mà không có lối đi. Nó nằm phía sau mặt tiền của một miếng đất khác. Sự ngây thơ đến mức ngây ngô của cặp vợ chồng này khiến bạn bè đều cảm thấy không hiểu nổi.

Vậy nhưng, thánh nhân đãi kẻ khù khờ, tự nhiên khu vực đó thay đổi bởi nhiều cú hích lịch sử, và rồi chị Huệ đã bán được miếng đất ấy cho người khác, với số lãi không tưởng. Chẳng hiểu người mua sau đã có phép thần nào đó, hoặc chấp nhận bỏ thêm tiền mua lối đi ra sao, chỉ biết giao dịch đã thành công.

Có được khoản tiền lớn, vợ chồng chị Huệ mua miếng đất 80 m2, vuông vắn, nằm trong khu vực An Phú, An Khánh. Giá đất lúc chị mua, cách nay 4 năm, cũng đã 40 triệu đồng/m2. Sau cơn địa chấn làm sụp đổ nhiều nhà đầu cơ và đầu tư vào năm 2010 - 2013, hiện nay, vị trí nơi gia đình chị Huệ đang sinh sống có giá khoảng 38 triệu đồng/m2.

Đất có trong tay rồi, thì phải kiếm tiền xây nhà. Việc mượn người quen chưa thể đủ, nên đành làm các thủ tục để vay ngân hàng. Tính ra, mỗi tháng, chị Huệ phải trả cả gốc và lãi cho khoản vay này là 10 triệu đồng.

Lương công chức của 2 vợ chồng, dù “cày kéo” tới đâu, cũng vẫn là bài toán khó khi họ còn phải nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học. Việc thiếu trước hụt sau là điều đau khổ của người phụ nữ này mỗi khi đến hạn trả đủ các loại tiền trong tháng.

Nghe thấy các bạn đồng nghiệp cùng rủ nhau mua tới 5 căn hộ, chỉ sau 4 tháng, bán đã có chênh lệch gần 100 triệu đồng, chị Huệ ham quá. Nhưng tiền ở đâu ra, khi chuyện ăn uống hàng ngày còn phải tính toán tới nát óc. Bàn với ông chồng, ngay lập tức, ông la mắng um sùm. Gánh nợ cũ trên đôi vai đã trở thành áp lực quá lớn rồi, giờ thêm 5 triệu đồng trả góp mua chung cư, dù chỉ trong vài tháng thôi cũng đã đủ “ngất ngây con gà Tây”. Đó là chưa kể, sau vài tháng mà không bán được, thị trường vì điều gì chững lại, thì chỉ có nước chết. Do vậy, chồng chị Huệ gạt phăng đi, không lướt lát gì cả.

Nhưng chị Huệ lại thương chồng, theo cách của riêng mình. “Nếu trong vài tháng, có thêm được 50 triệu đồng, thì mình sẽ vay bạn bè để trả 20% theo tiến độ dự án. Lúc đó, ông chồng sẽ chống mắt ra coi, xem vợ kiếm được tiền về phụ chồng trả nợ thế nào. Còn nếu không, các em mua lại dùm cho chị nhé”, chị Huệ giãi bày.

2 Dự án mà chị Huệ mua là một chung cư tại quận 2, có vị trí khá tiện lợi. Theo dự tính của những người bạn có kinh nghiệm, chỉ cần ký xong hợp đồng, chị Huệ đã có thể sang tay bán cho những người cần mua với mức chênh lệch chừng 30 - 50 triệu đồng rồi. Hiện nay, chúng tôi đang hồi hộp theo dõi câu chuyện này. Để xem người phụ nữ “dũng cảm” ấy lướt sóng theo kiểu amateur, có thể thành công xuất sắc được hay không. Một người bạn trong nhóm đã hứa chắc chắn, sẽ mua giùm căn hộ ấy cho chị Huệ, nếu như chị chưa thể vay tiền đóng tiếp, hoặc chưa bán được sang tay cho người khác.

Hiện nay đang là quý cuối cùng của năm 2014. Nhìn lại 3 quý đã trôi đi, nhiều nhà đầu cơ và đầu tư bất động sản đều cảm thấy còn nhiều khó khăn trước mắt, cho dù giá đã được nhiều chuyên gia khẳng định chạm đáy. Tại Sài Gòn, các dự án cả quận Tân Phú, quận 8, quận 11 và quận 2 đều có tính thanh khoản rất tốt. Việc chênh lệch của nhà đầu cơ mua đợt đầu đã xuất hiện rõ rệt, với lợi nhuận tuyệt hảo, nếu như so với lãi suất càng ngày càng xuống thấp.

Trong các công sở, dân văn phòng “ăn” mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, đang bị đe dọa cắt thêm thu nhập bởi chỉ số lạm phát thấy nói thấp, chứ mớ ray con cá thì chả thấy rẻ đi tí nào. Dĩa cơm ăn trưa bị co bớt lại, ly cà phê trong quán vẫn tăng lên từng năm. Người lao động phải trầy trật tìm cách đi lướt sóng nhà đất, trong tình cảnh vô cùng nghiệp dư và thiếu hiểu biết thị trường vô cùng biến động này.

Xét cho đến cùng, miếng cơm manh áo vẫn là đề tài muôn thuở và đau đầu, cho dù hiện nay ai cũng không dám ăn nhiều vì sợ mập. Đời, cơ bản là rất vất vả!

DiaOcOnline.vn - Theo  Đầu tư Bất động sản