Tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, nơi diễn ra quá trình đô thị hóa rất nhanh hiện vẫn còn tồn tại hàng trăm dự án quy hoạch “treo”, trong đó nhiều dự án có thời gian treo kỷ lục từ 8-10 năm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Tấm bảng quy hoạch trước cổng UBND xã Hiệp Hòa (Đồng Nai) đã dựng lên hơn 15 năm, nay phải "vẽ" lại quy hoạch - Ảnh: H.Tuấn |
Tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, nơi diễn ra quá trình đô thị hóa rất nhanh hiện vẫn còn tồn tại hàng trăm dự án quy hoạch “treo”, trong đó nhiều dự án có thời gian treo kỷ lục từ 8-10 năm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Tại tỉnh Đồng Nai, theo quy hoạch được duyệt từ năm 1997 thì 342,5 ha đất của toàn bộ P.Thống Nhất trở thành khu dân cư mới, khu trung tâm hành chính TP Biên Hòa và một số công sở của tỉnh Đồng Nai. Nhưng mãi đến năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai mới chính thức phê chuẩn dự án “Khu trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại TP Biên Hòa” tại P.Trung Dũng và P.Thống Nhất rộng 86,9 ha và dự án “Khu dân cư P.Thống Nhất” rộng 34 ha. Chỉ tính riêng tiền bồi thường 2 dự án này đã lên đến hơn 1.300 tỉ đồng vì phải giải tỏa hơn 1.700 hộ dân.
Muốn làm gì cũng vướng quy hoạch!
Nhưng đến tháng 7.2009 vừa qua, nhắc đến quy hoạch trên, ông Bùi Sĩ Hoàng, một người dân ở P.Thống Nhất, ngao ngán: “Đã nghe nói quy hoạch hơn 10 năm nay, nhưng cứ chờ mãi mà không thấy ai đáả động gì việc đền bù. Con cái lấy vợ, lấy chồng muốn xây cho nó cái nhà cũng không được vì vướng quy hoạch. Muốn đi ra nơi khác sinh sống thì lại không có tiền. Phải sống chung với quy hoạch treo đến bao giờ nữa đây?".
Trong khi dân bức xúc, thì các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai vẫn đang loay hoay với quy hoạch. Toàn bộ P.Thống Nhất có 33 dự án chậm triển khai và 10 dự án được UBND tỉnh Đồng Nai giới thiệu địa điểm như Cơ quan hành chính UBND - HĐND và Thành ủy Biên Hòa (19 ha); Liên đoàn Lao động tỉnh (4,6 ha)... cũng "án binh". Nhiều cuộc họp được tổ chức và đi đến kế hoạch quý 4/2008 phải khởi công dự án trung tâm hành chính. Tuy nhiên, đến ngày 11.11.2008, UBND tỉnh lại ra chủ trương “dời đô" về huyện Long Thành, trong đó có đề cập vấn đề đang gặp vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa tại dự án Trung tâm hành chính TP Biên Hòa. Nghe chủ trương mới này, một cán bộ lãnh đạo của UBND TP Biên Hòa lại than thở: “Nơi làm việc của chúng tôi cũng đang xuống cấp trầm trọng. Trước nghe nói xây dựng Trung tâm hành chính TP Biên Hòa, anh em ai cũng mừng. Nay lại nói không xây dựng nữa mà chờ bố trí trụ sở cũ. Nói thì dễ, nhưng kế hoạch di dời trung tâm hành chính về Long Thành còn lâu lắm mới thực hiện. Trụ sở chúng tôi cũng bị treo huống hồ gì người dân”.
"Trước nghe nói xây dựng Trung tâm hành chính TP Biên Hòa, anh em ai cũng mừng. Nay lại nói không xây dựng nữa mà chờ bố trí trụ sở cũ. Nói thì dễ, nhưng kế hoạch di dời trung tâm hành chính về Long Thành còn lâu lắm mới thực hiện. Trụ sở chúng tôi cũng bị treo huống hồ gì người dân". Một cán bộ của UBND TP Biên Hòa |
“Treo” bốn đời chủ tịch
Tấm bảng quy hoạch sử dụng đất xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) dựng trước trụ sở ủy ban gỉ sét với thời gian. Một cán bộ xã nói, có từ năm 1994 và nhẩm tính: “Tấm bảng bền ghê! Đã qua bốn đời chủ tịch rồi đấy”.
Còn ông Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: “Quy hoạch khu vực này đang được vẽ lại. Vẫn chưa rõ khi nào thì được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Chừng ấy thời gian, người dân xã Hiệp Hòa phải sống chung với quy hoạch “treo”.
Trong căn nhà cấp bốn tồi tàn, ông Nguyễn Văn Hoa (ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa) than thở: “Nhiều lần đi xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang thổ cư để xây dựng lại nhà cửa, nhưng xã bảo khu vực tôi quy hoạch làm khu du lịch sinh thái nên không chứng nhận".
Tương tự, dự án “Khu đô thị mới dân cư Tam Phước 1” dự kiến khoảng 180 ha gồm 4 ấp thuộc 2 xã Tam Phước và An Phước (H.Long Thành) cũng treo khoảng 10 năm nay gây cho người dân không biết bao nhiêu phiền phức. Một cán bộ xã Tam Phước dẫn chúng tôi đi dọc theo con đường liên huyện Long Thành - Trảng Bom và nói: “Hầu hết những căn nhà hai bên đường đều xây dựng trái phép vì vướng quy hoạch”. Ông Lê Văn Liên (ấp Long Đức 3, xã Tam Phước) rầu rĩ: “Tôi đến đây mua đất lập nghiệp từ năm 1992, đến năm 1999 thì nghe phong thanh quy hoạch. Nhưng đến ủy ban xã hỏi, thì cán bộ chỉ trả lời qua loa “đã có chủ trương của UBND tỉnh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Tam Phước vẫn còn hàng loạt dự án treo khác như Khu tái định cư Tam Phước (rộng 25 ha), dự án Tái định cư Thác Giang Điền (rộng 5 ha), dự án Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng (rộng 274 ha)...
Vướng quy hoạch (dự án dân cư QL1K - xã Hóa An) nên người dân phải sống trong căn nhà xập xệ và ô nhiễm - Ảnh: H.Tuấn |
Vào sáng ngày 15.7, bà Trần Thị Mỹ Dung (tổ 20, ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP Biên Hòa) đang cho thợ tráng lại cái nền xi măng xuống cấp (diện tích khoảng 20m2) thì thanh tra xuất hiện kiểm tra. “Sau khi tôi trình bày do cái nền xuống cấp nghiêm trọng nên họ bỏ đi”, bà Dung kể. Đó là “viễn cảnh” sống của khoảng 200 hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch treo của dự án “Khu nhà ở QL1K” rộng 9 ha do Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư. Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hóa An cho biết: “Trên địa bàn còn 3 dự án được giao đất từ năm 2004 với diện tích khoảng hơn 35,6 ha, nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo UBND TP Biên Hòa kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án. Đến nay, mới chỉ có 1 dự án bị thu hồi”.
Xóa vẫn chưa hết
Tại kỳ họp HĐND vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có tờ trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, điều đáng chú ý có đến 371 dự án với diện tích 7.389,20 ha bị loại ra khỏi kế hoạch giao đất.
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết: "Ngoài một số dự án không còn phù hợp so với quy hoạch hoặc do dân cư phát sinh phải hủy bỏ, thì phần lớn dự án giao đất từ lâu mà không triển khai lần này cũng bị loại ra khỏi kế hoạch giao đất". Theo Sở TN-MT, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2001-2005, có tới 527 dự án (diện tích 5.474 ha) treo do thiếu tính khả thi, quy hoạch chưa phù hợp buộc UBND tỉnh phải thu hồi 133 dự án.
Theo danh sách, nhiều dự án có diện tích rất lớn như Khu công nghiệp xã lộ 25, H.Thống Nhất (250 ha); Khu dân cư Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch (150 ha); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tam Phước, Long Thành (274 ha)...
Dù đã lên kế hoạch xóa, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại vẫn còn rất nhiều quy hoạch “treo” chưa được đưa vào trong danh sách "xóa" như Khu đô thị Tam Phước 1 (rộng 180 ha), Khu nhà ở QL1K (rộng 8,9 ha), Khu dân cư xã Hóa An do Công ty khai thác cát Đồng Nai làm chủ đầu tư (rộng 22 ha)...
TP.HCM: Nhiều dự án “treo” đến 10 năm
Theo số liệu của Sở TN-MT TP.HCM, số dự án được giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2003 đến 2007 tại TP là 1.601 dự án với tổng diện tích 12.586 ha. Trong số đó, dự án dành cho nhà ở là 475 dự án với 4.083 ha, số dự án còn lại là đất cho sản xuất kinh doanh và các công trình phúc lợi công cộng.
Đến nay, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi 64 dự án với tổng diện tích 640 ha do triển khai chậm hoặc không triển khai. Tuy nhiên, tại TP vẫn còn tồn tại nhiều dự án quy hoạch “treo”, trong đó nhiều dự án có thời gian “treo” kỷ lục từ 8-10 năm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Chẳng hạn như dự án Ga đường sắt Bình Triệu (62 ha) ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) được quy hoạch từ năm 2002; dự án Xây dựng nhà biệt thự 12 ha ở KP6, P.Hiệp Phú (Q.9) được UBND TP phê duyệt phải khởi công từ năm 2001 đến 2003 hoàn thành nhưng đã 10 năm còn dang dở; dự án Quy hoạch khu công viên cây xanh Q.Gò Vấp (P.16) được thông qua 11 năm nay vẫn chưa triển khai; dự án Quy hoạch xây dựng khu dân cư, làng đại học, công viên đa năng với diện tích 980 ha tại xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) được phê duyệt từ năm 1992 đến nay vẫn chưa triển khai; dự án quy hoạch dự án Khu văn hóa sinh thái hồ Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) quy mô 423 ha đã 14 năm nay cũng không hề động tĩnh...
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên