Dân buôn bất động sản lao đao vì vay vàng

Cập nhật 24/08/2011 13:10

Sự bùng nổ các cơn sốt vàng trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những địa phương tiêu thụ rất nhiều vàng của cả nước, hầu hết các giao dịch nhà đất, mua bán tại thành phố đều dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Sự bùng nổ các cơn sốt vàng trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Vào đầu tháng 8/2011, giá vàng trong nước đang còn ở mức 41,7- 41,8 triệu đồng một lượng, giao dịch vàng trên cả nước vẫn khá trầm lắng. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng, ngày 23/8, giá vàng đã vượt qua ngưỡng 49 triệu đồng/lượng và vẫn có chiều hướng tăng.

Với giá này, nếu quy đổi theo ounce và tỷ giá USD, giá vàng tại Hà Nội vào thời điểm đó đến bây giờ, giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng.

Số giao dịch nhà đất thành công bằng vàng tại TPHCM, theo thống kê sàn giao dịch địa ốc ACBR, từ năm 2000 đến năm 2008, tỷ lệ mua bán nhà tính theo đơn vị lượng vàng tại sàn này chiếm 50-50 so với giao dịch bằng tiền đồng. Năm 2009, các thương vụ nhà đất bằng vàng đến 40% so với tổng số các thương được ghi nhận tại sàn. Đến năm 2010, tỷ lệ nhà phố giao dịch bằng vàng chỉ đạt dưới 10% và đầu năm 2011, tỷ lệ này là 0%.

Sở dĩ có sự sụt giảm mạnh về lượng giao dịch chủ yếu là do sự đóng băng quá lâu thị trường bất động sản tại TPHCM và những lo ngại về việc Ngân hàng nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ việc giao dịch bằng vàng miếng bằng cách cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Vì vậy, trong giao dịch nhà đất người dân giảm dần thói quen thanh toán bằng vàng miếng.

Mặc dù số lượng giao dịch nhà đất bằng vàng giảm dần qua các năm nhưng với nhiều chủ đầu tư, vàng vẫn được sử dụng để làm thước đo giá trị bất động sản.

Đại diện Tập đoàn bất động sản lớn cho biết, thực chất khi xây dựng phương án giá bán sản phẩm bất động sản các chủ đầu tư đều có tính đến các yếu tố biến động tài chính trong đó có vàng, USD. Bề ngoài khách hàng sẽ không thể biết được điều này nhưng trong phương án tính giá bán USD luôn được dùng để tham chiếu tính giá căn hộ, còn vàng là thước đo giá trị đối đất.

"Khi giá vàng biến động mạnh như hiện nay thì các chủ đầu tư cũng sẽ có điều chỉnh đáng kể về các mức giá bán đất nền trong các hợp đồng mua bán. Trong dài hạn, nếu giá vàng tiếp tục tăng lên thì giá bất động sản chắc chắn sẽ tăng theo" vị này cho biết.

Vị này cho biết thêm, hiện nay một số doanh nghiệp bất động sản cũng đang "điêu đứng" vì cho vay trả góp căn hộ đảm bảo bằng vàng. Bởi, giá vàng đội lên khiến khoản tiền thanh toán tăng trong khi hầu hết những người mua nhà trả góp đều là cán bộ làm công ăn lương, không có thu nhập "ngoài". Vì vậy, chỉ cần chênh 100 triệu đồng cũng là vấn đề rất lớn.

Theo các nhà phân tích thị trường vàng tại Việt Nam, mặc dù các ngân hàng thương mại không còn cho vay vàng, nhưng với hợp đồng vay cũ chưa thanh toán hiện còn khoảng hàng trăm ngàn lượng. Trong đó, có rất nhiều người đã vay vàng đầu tư bất động sản hoặc kinh doanh.

Trong khi người dân TPHCM “quen” việc giao dịch bằng vàng thì tại miền Bắc, người dân thường cho nhau vay tiền nhưng lấy vàng là đơn vị đảm bảo giá trị vay.

Có nhu cầu vay tiền để mua nhà, năm 2010 chị Nguyễn Thúy Minh (cán bộ ngân hàng VPBank) đã vay một người bạn hơn 600 triệu đồng với điều kiện không tính theo lãi suất mà quy đổi giá trị khoản tiền vay tương đương với 20 cây vàng. Tại thời điểm đó, giá vàng 36,5 -37 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, sau khi vàng biến động mạnh lên mức 49 triệu đồng/cây thì tính ra khoản vay chị Minh “đội” lên hơn 200 triệu đồng. Khoản chênh lệch này cao gần gấp hai lần so với lãi vay ngân hàng.

"Nếu vay tiền ngân hàng, người vay sẽ phải làm nhiều thủ tục chứng minh tài chính thậm chí phải thế chấp tài sản. Vì muốn mọi việc nhanh lẹ, tôi quyết định chọn cách vay mượn tiền của bạn bè, người thân. Để tránh việc mất giá tiền Đồng, tôi chấp nhận vay vàng. Tuy nhiên, khi vay, tôi không thể lường được việc giá vàng biến động mạnh như vậy " chị Minh chia sẻ.

Trước việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán khá phố biến như hiện nay, TS Lê Trí Hiếu cho rằng, trước đây xu thế tâm lý của người Việt Nam thường coi vàng là giá chuẩn cho nền kinh tế, lấy vàng làm cơ sở cho các hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, giá vàng biến động kéo theo các hoạt động kinh doanh, giao dịch, cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

"Sự biến động giá vàng mạnh trong tuần qua cho thấy ngoài vai trò phương tiện thanh toán vàng còn có vai trò như phương tiện trú ẩn an toàn cao với các nhà đầu tư, với người dân. Điều này đi ngược lại với sự mong muốn Chính phủ là giảm thiểu hiện tượng USD hóa, vàng hóa nền kinh tế. Để có thể quản lý chặt chẽ hơn, cần xem vàng như một sản phẩm hàng hóa như tất cả các sản phẩm khác như gạo, dầu,.... Nếu đã coi là sản phẩm cần phải có khung pháp lý điều chỉnh và phân cấp quản lý", ông Hiếu phân tích

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia