Đại siêu thị hay chợ dân sinh?

Cập nhật 08/09/2014 13:33

Kế hoạch xây thêm 1.000 siêu thị của Hà Nội từ nay đến năm 2030 đang nhận được những phản hồi khá tiêu cực, thậm chí có người cho rằng đây là kế hoạch “không tưởng”. Không chỉ bởi tình cảnh ế ẩm đìu hiu của các trung tâm thương mại, siêu thị hiện nay mà còn bởi TP đã quá chú trọng việc xây dựng mô hình hiện đại này mà quên mất một khía cạnh: chợ dân sinh vẫn là thói quen mua sắm hàng hóa chủ yếu của người dân Thủ đô.

Kế hoạch xây thêm 1.000 siêu thị của Hà Nội từ nay đến năm 2030 đang nhận được những phản hồi khá tiêu cực, thậm chí có người cho rằng đây là kế hoạch “không tưởng”. Không chỉ bởi tình cảnh ế ẩm đìu hiu của các trung tâm thương mại, siêu thị hiện nay mà còn bởi TP đã quá chú trọng việc xây dựng mô hình hiện đại này mà quên mất một khía cạnh: chợ dân sinh vẫn là thói quen mua sắm hàng hóa chủ yếu của người dân Thủ đô.

Siêu thị “nuốt” chợ

Với vỏn vẹn chỉ 135 siêu thị và 24 trung tâm thương mại trên tổng dân số hơn 7 triệu người, Hà Nội không phải là TP có mức thụ hưởng về siêu thị cao, nếu không muốn nói là còn quá thiếu thốn, đặc biệt khi việc bố trí siêu thị không đều, dày đặc ở nội đô và thiếu thốn ở vùng ngoại thành. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, TP Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường cho mạng lưới bán lẻ. Tuy nhiên, tăng cường thêm 1.000 siêu thị trong thời hạn vẻn vẹn chỉ 15 năm vẫn khiến nhiều người choáng váng.

Theo quy hoạch của TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại, 42 trung tâm thương mại, 595 chợ dân sinh… Trong đó, 999 siêu thị mới sẽ bao gồm 23 siêu thị hạng một, 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba. Nhiều chuyên gia đã ví von, nếu kế hoạch này được thực thi, Hà Nội sẽ sớm lâm vào trạng thái tiêu diệt gần hết chợ dân sinh cũ, “khủng hoảng thừa” siêu thị, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, nơi đã đầy ứ và dồn nén các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.

Ý kiến này không phải là không có lý khi cũng theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không chỉ nâng cấp các chợ trong nội đô thành các siêu thị và trung tâm thương mại, mà trong tương lai, tại các khu đô thị vệ tinh cũng sẽ không có chợ dân sinh…

Đơn cử như khu vực Long Biên-Gia Lâm, một trong những khu vực có dân cư đông đúc nhất của thủ đô, dự kiến đến năm 2030 vùng này sẽ nâng cấp tất cả các chợ hiện có thành đại siêu thị và siêu thị; giữ nguyên 1 siêu thị hạng hai và 8 siêu thị hạng ba hiện có; nâng cấp 2 chợ truyền thống sang loại hình đại siêu thị và 1 chợ truyền thống thành siêu thị hạng hai; xây mới gần 100 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại… Hay như khu vực Đông Anh, quy hoạch đề xuất sẽ chuyển hóa 3 chợ quy mô lớn hiện có thành các đại siêu thị và siêu thị hạng hai; nâng cấp 3 chợ truyền thống thành đại siêu thị và siêu thị hạng hai, xây dựng mới các trung tâm thương mại, 1 trung tâm mua sắm hạng một; 75 siêu thị hạng hai…

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội, việc loại bỏ chợ là không thể, bởi chợ gắn với văn hóa địa phương, gắn với văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân sinh sống tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp hàng ngày vẫn phải đi chợ dân sinh.

Xây xong rồi “ngắc ngoải”?

Trên thực tế, thất bại của kế hoạch biến các chợ dân sinh nổi tiếng như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam… thành trung tâm thương mại, siêu thị sau 10 năm triển khai có thể là câu trả lời thích đáng nhất cho việc Hà Nội quá coi nhẹ vai trò của các khu chợ dân sinh. Được xây dựng hoành tráng, vị trí đắc địa, khu vực tập trung đông dân cư, buôn bán sầm uất nhưng nghịch lý là khi thay thế chợ truyền thống, các trung tâm thương mại lại rơi vào tình trạng “nửa nạc nửa mỡ”: Chợ dân sinh tràn ra ngoài đường vì không có chỗ họp, biến thành các khu chợ cóc tự phát trong khi phía trong, chỗ trống vẫn còn rất lớn.

Thậm chí ở khu vực ngoại thành, vùng trũng của siêu thị và trung tâm thương mại, việc đổi từ chợ sang trung tâm thương mại cũng đang nhận phải những “trái đắng” mà nổi tiếng nhất là trung tâm thương mại Thanh Trì, tòa nhà hoành tráng gồm 7 tầng nổi 1 tầng hầm, xây xong vắng vẻ “như chùa bà Đanh”, nay bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Điều này khiến cho việc nghi ngờ kế hoạch 1.000 siêu thị của Hà Nội là viển vông, lãng phí và không có sự khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường trở nên có lý.

Siêu thị có thay thế nổi chợ dân sinh ở các đô thị lớn?

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, không thể phủ nhận được sức mạnh và ưu thế của chợ truyền thống và việc tăng cường cho ngành bán lẻ phải trên cơ sở thích nghi và hội nhập.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, sự phát triển các siêu thị phải tuân theo nhu cầu của thị trường và thông thường, sự phát triển này sẽ đi theo sự phát triển của các đô thị. Trước khi quyết định xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các nhà làm quản lý cần có một cái nhìn tổng thể về mạng lưới bán lẻ, cần phải xem việc xây dựng đó có hiệu quả ra sao đối với người dân.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư