Đại lộ Đông Tây: Mảng xanh tơi tả

Cập nhật 26/11/2009 08:05

Được gọi là “dải lụa” đẹp của TPHCM nhưng thảm cỏ dài hơn 10 km vừa trồng để điểm tô cho đại lộ Đông Tây đang chết hoặc úa rũ...

Được gọi là “dải lụa” đẹp của TPHCM nhưng thảm cỏ dài hơn 10 km vừa trồng để điểm tô cho đại lộ Đông Tây đang chết hoặc úa rũ

“Từ dạo đại lộ thông xe, ngày nào tôi cũng đi qua đây, nhìn thấy cỏ chết mà phát rầu!”- chị Tình, nhà ở quận 6, nói. Cũng như chị Tình, nhiều người dân thường xuyên lưu thông trên đại lộ Đông Tây mà chúng tôi hỏi chuyện đều không khỏi ngạc nhiên vì thấy thảm cỏ cứ liên tục rũ chết.

Ghi nhận của chúng tôi vào sáng 25-11, thảm cỏ trên đại lộ Đông Tây (đoạn đã thông xe hơn 10 km từ quận 1 hướng ra Quốc lộ 1A, khu vực huyện Bình Chánh) đều chuyển từ màu xanh sang nâu. Rất nhiều đoạn tất cả cỏ đã chết khô, trốc cả gốc rễ.
 

Công nhân tưới nước cống để mong tìm lại màu xanh cho cỏ trên đại lộ Đông Tây


Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều máy bơm đã được huy động để bơm nước tưới cho các thảm cỏ. Nước lấy từ hệ thống cống dưới đại lộ lên đen kịt. Một công nhân cho biết đây là nước mưa còn lưu trong cống chứ không phải là nước kênh.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực cây xanh, muốn trồng được cỏ ở đại lộ Đông Tây thì phải tưới nước thường xuyên, nếu tiết kiệm tiền mà tận dụng nguồn nước cống tại chỗ, dù đó là nước mưa, cũng không bảo đảm vì sát đại lộ là dòng kênh đã bị ô nhiễm nặng nên rất dễ nhiễm sang.

Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết trước khi trồng cỏ dọc đại lộ Đông Tây, công ty đã được nhà thầu Obayashi (Nhật, đơn vị thi công đại lộ Đông Tây) thuê trồng cỏ với kinh phí khoảng 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua khảo sát và kiểm nghiệm thấy đất ở đây bị ô nhiễm, độ phèn cao nên công ty không nhận hạng mục này và đã báo cáo với Sở GTVT phương án thay đất nếu muốn trồng cỏ. Sau đó không biết phía nhà thầu đã tự làm hay thuê đơn vị nào làm và có thực hiện phương án thay đất hay không mà hiện nay cỏ lũ lượt chết, héo. Ông Hà cũng cho biết muốn cây xanh ở đây sống tốt thì phải đào đất lên, bỏ toàn bộ cỏ đã chết, thay đất mới, cỏ mới, nên sẽ lãng phí tiền tỉ.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý cây xanh, Sở GTVT, cho biết nhà thầu Obayashi là đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc thi công mảng cỏ chạy dọc đại lộ Đông Tây.

Trước thông tin đất trồng không thích hợp, Sở GTVT đã yêu cầu nhà thầu xét nghiệm đất, nếu không hợp thì phải thay đất khác trên bề mặt trước khi trồng. Khi có thông tin cỏ chết, sở đã nhắc nhở nhà thầu và Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây nhiều lần.

Tuy nhiên, đến nay sở vẫn chưa nhận được báo cáo nào của nhà thầu về hiện trạng mảng xanh này. Nếu mảng xanh không đạt chuẩn, cây cỏ héo chết thì sẽ không nghiệm thu hạng mục này và yêu cầu nhà thầu trồng lại.

Cũng theo ông Dũng, sau khi thảm cỏ chạy dọc đại lộ Đông Tây được nghiệm thu, TP sẽ đầu tư thêm mảng xanh dọc đại lộ bằng loại cây thích hợp để tô điểm cho tuyến đường này.
 

Cỏ phát triển tốt mới nghiệm thu

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ chiều 25-11, một lãnh đạo của Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây cho biết nhà thầu Obayashi phải trồng lại cỏ mới và chăm sóc kỹ hơn, sau khi cỏ phát triển tốt Ban Quản lý mới nghiệm thu. Do thiết kế việc trồng cỏ dọc đại lộ Đông Tây đã có từ năm 2002 và khá đơn điệu nên Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 đã được giao thiết kế lại cảnh quan, cây xanh dọc tuyến đường này.

Cũng liên quan đến chuyện trồng cây xanh không đạt chất lượng, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cũng vừa yêu cầu nhà thầu thi công hạng mục cây xanh thay mới những cây bằng lăng bị còi cọc ở công trình cầu Nguyễn Văn Cừ (TPHCM).

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động