Đại gia chuyển hướng xây nhà xã hội

Cập nhật 12/02/2013 08:49

Rất nhiều các Tổng công ty lớn trong ngành xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội đặc biệt việc xin chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại vốn đang bế tắc sang xây dựng nhà ở xã hội.

Rất nhiều các Tổng công ty lớn trong ngành xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội đặc biệt việc xin chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại vốn đang bế tắc sang xây dựng nhà ở xã hội.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02, trong đó Chính phủ sẽ ưu tiên miễn giảm thuế đất, thuế VAT. Đồng thời, với sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay ưu đãi lãi suất thấp dưới 10%... Điều này đã khiến nhiều công ty lớn đổ xô đi làm nhà thu nhập thấp với mức giá chỉ 6 – 8 triệu đồng/m2.

Theo một tính toán trong tháng 1/2013, tính chung trong cả năm 2013 đã có đến 7 dự án nhà thu nhập thấp (TNT) được triển khai với số lượng lên đến hơn 11.000 căn hộ.

Cụ thể: dự án nhà TNT Bắc An Khanh (Vân Canh, Hoài Đức) do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư sẽ cung cấp 5.196 căn hộ. Tổng Công ty đầu tư và phát triền nhà đô thị (HUD) với 2 dựa án nhà TNT là Tây nam Linh Đàm 800 căn hộ và Thanh Lâm – Đại Thịnh II 2.200 căn hộ. Dự án nhà TNT CT3 – CT4 Kim Chung do Vinaconex làm chủ đầu tư sẽ cung cấp 1.528 căn hộ. Dự án B4-CT1, B5-CT2 Bắc Cổ Nhuế Chèm (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) do Cty cổ phần Đầu tư và thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư sẽ cung cấp 310 căn và dự án nhà TNT Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội) do Tổng Cty Viglacera thực hiện có quy mô hơn 1.000 căn hộ.

Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS đóng băng sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Hiện nay dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS khoảng 1.500.000 tỷ đồng, nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. 

Chính vì vậy “tháo ngòi nổ” BĐS hiện nay đang là vấn đề cấp bách. Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại quan tâm đến thị trường BĐS như hiện nay. Không chỉ Bộ Xây dựng, mà cả Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đều đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS…

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng, hàng đầu hiện nay là bàn giải pháp cụ thể về làm nhà ở xã hội, vì đây chính là cách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Với khối lượng các dự án BĐS trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì nhu cầu phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Chính vì vậy, rất cần phải kiểm soát phát triển, phải rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi. Người dân thì có nhà, doanh nghiệp thì có việc làm, thu nhập, thị trường BĐS phát triển sẽ làm cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng. “Nhà ở xã hội nên có diện tích vừa phải, giá phải rẻ, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới để kéo giá nhà rẻ xuống, phù hợp với nhu cầu chi trả của đại bộ phận người mua” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Ông Đoàn Châu Phong, PTGĐ Tổng công ty Vinaconex cho biết, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Tổng công ty có 18,5 ha đã được chấp thuận chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Hiện đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý I/2013. Ngoài ra, nếu được TP Hà Nội chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì) rất thuận tiện về giao thông, hạ tầng, phát triển theo mô hình đô thị nhà ở xã hội. Ông Phong khẳng định: các doanh nghiệp nòng cốt trực thuộc Tcty Vinaconex đều đã đăng ký tham gia chương trình nhà ở xã hội. 

Ông Phong kiến nghị TP Hà Nội cho phép doanh nghiệp được giữ lại quỹ sàn nhà ở thương mại theo quy định phải trả cho TP để DN bán lấy tiền bù đắp vào chi phí xây dựng nhà ở xã hội để kéo giá nhà ở xã hội xuống thấp. Bên cạnh đó, ông Phong kiến nghị nhà nước cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư đồng bộ các dịch vụ tiện ích để giảm bớt giá dịch vụ cho người sử dụng khi đến ở. Thêm nữa, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội cần có cơ chế ưu đãi để thu hút xã hội hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện). Vinaconex cũng sẽ thí điểm làm nhà ở xã hội cho thuê để thu hút nhóm người trẻ có thu nhập trung bình nhưng chưa đủ tích lũy để mua nhà…

Đại diện Tổng công ty HUD tham dự hội nghị cho biết, dự án ĐTM Tây Nam Linh Đàm mà HUD đang thực hiện theo quy hoạch có 49 ha, trong đó 19 ha phát triển nhà ở, chỉ có 2,4 ha làm cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện nay HUD đang điều chỉnh, chỉ giành 10 ha làm nhà ở xã hội để có vốn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu đô thị, còn lại giành khoảng 9ha làm nhà ở xã hội. Đề nghị TP cho phép tăng mật độ dân số để giảm giá thành nhà ở xã hội, bởi vì dự án nằm ngoài đường vành đai 3 và có kết nối hạ tầng kỹ thuật tốt…


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia