"Đại gia BĐS, đừng để đến lúc phải tự tử mới giảm giá"

Cập nhật 13/09/2013 08:21

Đại gia bất động sản “hãy bớt kiêu ngạo đi”, “hãy chấp nhận đổ bớt tài sản trong túi của mình đi”, “đừng để tới lúc tự tử mới giảm giá”– đó là lời khuyên của chuyên gia

Đại gia bất động sản “hãy bớt kiêu ngạo đi”, “hãy chấp nhận đổ bớt tài sản trong túi của mình đi”, “đừng để tới lúc tự tử mới giảm giá”– đó là lời khuyên của chuyên gia

>> Vì sao chủ đầu tư đột ngột giảm 50% giá bán căn hộ cao cấp?

Giảm giá BĐS là cách tốt nhất để khỏi tự sát

Cách đây hơn 1 năm, khi Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố sẽ bán căn hộ với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí tại quận 7, Tp.HCM, GS. Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã nhận định rằng: Trong thời buổi kinh tế khó khăn, giao dịch bất động sản (BĐS) trầm lắng, việc giảm giá là quy luật tất yếu của thị trường.

“Trước đây, thị trường BĐS đầu cơ nhiều, đợt này thì không có đầu cơ nữa, các nhà đầu tư phải bán cho người có nhu cầu thật. Mà muốn bán cho người có nhu cầu thật thì phải giảm giá. Tôi cho rằng: Nhà đầu tư nào khôn thì thời điểm này phải giảm giá” – ông Võ đã khẳng định.

Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đã tuyên bố rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Quốc Cường Gia Lai phải cầm cắm sổ đỏ để tiếp tục "cuộc chơi". Mới đây, hai đại gia khác của TP.HCM là Novaland và The EverRich 3 cũng tuyên bố giảm giá 50% căn hộ.


Giảm giá BĐS tới 50%, theo các chuyên gia là cách tốt nhất để khỏi tự sát.

Giá chào bán dự án khu biệt thự ven sông và nhà phố thương mại thuộc dự án The EverRich 3, TP.HCM dự kiến hiện ở mức 40 triệu đồng/m2, thay vì 80 - 100 triệu đồng/m2 như trước.

Trong khi đó, Tập đoàn Novaland cũng công bố mở bán giai đoạn 3 dự án Sunrise City tại TP.HCM với mức giá bán căn hộ giảm gần 50%, khoảng 27 triệu đồng/m2, thay vì gần 50 triệu đồng/m2.

Nhận định về động thái này của các “đại gia” BĐS, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành nhận xét: “Giảm giá BĐS là một trong nhiều biện pháp tốt nhất để tránh tự sát”. Một là các đại gia BĐS phải tìm cách giảm giá, hai là giảm diện tích. “Novaland đã cùng 1 lúc thực hiện 2 động thái, vừa giảm giá vừa giảm diện tích - tôi cho là biện pháp tốt nhất để sớm có tiền mặt, thoát ra khỏi khó khăn của thị trường” – ông Đực nhấn mạnh.

Trên thực tế, theo một số chuyên gia địa ốc đánh giá, việc doanh nghiệp BĐS bán phá giá, giảm 50% so với giá giao dịch trước đó thì nguy cơ lỗ là rất lớn.

“Căn hộ cao cấp mà bán giảm 50%, khó mà lãi được, vì họ xây dựng với chất lượng tốt, chi phí cao, vị trí đất tốt, giá mua đất cũng cao. Ví dụ như Novaland, tôi nghĩ là có lỗ rồi” – một chuyên gia nhà đất bày tỏ. Mặc dù lỗ nhưng các “đại gia” BĐS vẫn buộc phải bán giá thấp vì có lẽ đó là cách tốt nhất để tự cứu mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, BĐS giảm giá bao nhiêu lại tùy thuộc vào từng phân khúc. Ví dụ phân khúc cao cấp 40 – 50 triệu đồng/m2 thì có thể giảm xuống 50% hoặc giảm nhiều hơn nữa. Nhưng đối với những sản phẩm BĐS trung bình thấp có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì khó có thể giảm giá sâu, tối đa chỉ dựng lại ở 20 - 30%.

“Đừng để tới lúc tự tử mới giảm giá”

“Đại gia BĐS, đừng để tới lúc tự tử mới giảm giá” - Câu nói đó theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó TGĐ của Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ (Cen Group), là rất thông minh, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng dám làm điều đó.

“Nó cũng giống như việc bây giờ có người bảo bạn phải cắt một một bộ phận trên cơ thể mình đi, nếu không nó sẽ lan sang các vùng khác, nhưng nói thế thôi, mấy ai dám tự làm đau mình. Hơn nữa, để chuẩn y được một quyết định như thế, không phải ai cũng dám làm” – ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó TGĐ Cengroup dự đoán, giá BĐS sẽ còn giảm trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý: “Nếu giảm giá sớm, rút được tiền ra thì doanh nghiệp đỡ chịu áp lực tài chính và chi phí cơ hội. Nhưng trong kinh doanh luôn có bài toán 50 – 50, có những rủi ro nhất định. Nhiều chủ đầu tư không dám công khai giảm giá vì ảnh hưởng tới uy tín và nhiều yếu tố khác”.

Ông Hưng dự đoán, xu hướng giảm giá BĐS sẽ còn diễn ra trong 2 năm tới, tức là phải rơi vào khoảng đầu năm 2015, thị trường BĐS Việt Nam mới dần ổn định và có những thay đổi theo chiều hướng khởi sắc.

“Từ cách đây 2 năm, tôi đã dự báo mọi người nên dừng lại và bớt kiêu ngạo đi. Những đại gia BĐS cao cấp, siêu cao, luôn tự cho mình là sản phẩm cao cấp, không thể nào giảm giá. Bây giờ thì họ đã phải trả giá. Tới thời điểm này mới giảm giá, tôi e là đã quá trễ” – PGĐ công ty TNHH địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực chia sẻ.

Vị PGĐ này cho biết: Nếu giảm giá, bán được nhà, doanh nghiệp BĐS thu được nguồn tiền thì sẽ tránh được thiệt hại lớn nhất là chết hoặc đi tù, nhẹ thì bỏ trốn hoặc phá sản.

“Nói thẳng ra, doanh nghiệp muốn thoát khỏi những thiệt hại trên, muốn thoát khỏi lao lý thì phải chấp nhận mất tài sản để có thể tiếp tục tồn tại” – ông Đực nói. Ông cho rằng: Sắp tới sẽ nhiều đại gia BĐS từ con rồng trở thành con rắn.

“Trước đó, các đại gia BĐS có thể sở hữu khối tài sản khổng lồ 1 nghìn tỷ thì sau một cuộc chơi trường chinh của BĐS còn dăm ba chục tỷ, tôi cho là tốt rồi. Đừng hi vọng mình còn nguyên vẹn tài sản” – ông Đực kết luận.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ