“Dài cổ” đợi kiểm tra bản vẽ nhà đất

Cập nhật 06/06/2010 08:25

Công ty đo vẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản vẽ nhưng nhiều quận, huyện buộc phải kiểm tra xong mới tin.

Công ty đo vẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản vẽ nhưng nhiều quận, huyện buộc phải kiểm tra xong mới tin.

Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), nhiều trường hợp phải vẽ lại bản vẽ nhà đất. Tại nhiều địa phương, người dân phải chờ cả tháng trời, thậm chí lâu hơn mới có được bản vẽ.

Dân than, công ty cũng than

Bà Lê Thị T. mới mua một căn nhà tại phường 2, quận 8. Theo Nghị định 88/2009, mỗi khi mua bán nhà cơ quan cấp giấy phải cấp luôn giấy mới cho bên mua. Nhà bà T. thuộc trường hợp phải vẽ lại bản vẽ nhưng gần một tháng trời vẫn chưa xong. Gọi đến công ty đo vẽ bà mới biết bản vẽ đã được nộp cho quận hai, ba tuần nay nhưng vẫn chưa xong do phải lấy thông tin quy hoạch và đóng dấu kiểm tra nội nghiệp. “Mỗi khâu đều có biên nhận ghi ngày nhận nhưng không ghi ngày trả nên chúng tôi không biết làm sao hứa với khách hàng. Quận có chậm trễ công ty cũng không dám gây áp lực. Chưa kể chúng tôi còn phải đóng lệ phí mỗi khâu 50.000-100.000 đồng” - nhân viên một công ty đo vẽ ở quận 8 cho hay.

Tương tự quận 8, ở Hóc Môn, một bản vẽ hoàn chỉnh bắt buộc phải qua hai cửa: Phòng Quản lý đô thị để cung cấp thông tin quy hoạch và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để kiểm tra nội nghiệp. Một số quận khác như 7, 11, Tân Bình… chỉ yêu cầu bản vẽ phải được kiểm tra nội nghiệp trước khi công ty đo vẽ trao trả cho khách hàng để làm thủ tục cấp giấy. Chỗ khác không kiểm tra nội nghiệp bản vẽ (như Tân Phú) thì yêu cầu phải có thông tin quy hoạch.


Người dân Gò Vấp đang hỏi thủ tục làm bản vẽ cấp giấy chứng nhận. Ảnh: Cẩm Tú

Được biết thời gian để thực hiện các thủ tục trên ít nhất một tuần, có khi đến một tháng. Ngay như Tân Phú vốn nổi tiếng về cải cách hành chính nhưng việc lấy thông tin quy hoạch cho bản vẽ cũng mất không ít thời gian. “Thời gian nhanh hay chậm còn tùy vào số lượng bản vẽ, có khi mất gần một tháng” - Trưởng Phòng TN&MT quận Tân Phú Nguyễn Thị Ngọc Khuê cho hay. Điều này khiến người dân phải chờ đợi lâu, còn các công ty đo vẽ cũng không sung sướng gì khi thường bị khách hàng trút giận do trễ hẹn.

Phải kiểm tra mới chắc ăn?

Theo Quyết định 54/2007 về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận (hiện quy trình này vẫn được áp dụng khi cấp giấy theo Nghị định 88), bản vẽ cấp giấy phải được kiểm tra nội nghiệp. Nhưng kiểm tra trước hay trong quá trình thụ lý hồ sơ thì tùy mỗi quận, huyện sắp xếp. Trên thực tế, một số quận như Bình Thạnh trước nay vẫn kết hợp việc kiểm tra bản vẽ trong quá trình cấp giấy. Một cán bộ Phòng TN&MT quận này cho biết thực hiện theo quy trình này thuận lợi cho người dân, quận cũng không thấy vướng mắc gì do bản vẽ nhà đất thuộc loại đơn giản. Còn ranh đất thì đã do chủ nhà chịu trách nhiệm.

Đến Nghị định 88 cũng không nói rõ bản vẽ phải kiểm tra mà giao trách nhiệm cho đơn vị đo vẽ nên một số quận cũng bỏ luôn việc kiểm tra nội nghiệp trước như quận 5, Phú Nhuận… “Trong quá trình thụ lý, thấy bản vẽ có sai sót, quận sẽ đề nghị chủ nhà liên hệ đơn vị đo vẽ để chỉnh sửa” - Trưởng phòng TN&MT quận 5 Nguyễn Thị Phấn cho hay. Do đó, ở các quận này, bản vẽ được thực hiện rất nhanh, chỉ cần vài ngày là xong do chỉ cần đóng dấu của công ty đo vẽ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Hồ Hải lại cho rằng cần thiết phải duy trì việc kiểm tra bản vẽ trước khi nhận hồ sơ cấp giấy. Theo ông, dù có quy định công ty đo vẽ chịu trách nhiệm về bản vẽ nhưng thực tế nếu cấp giấy sai do bản vẽ sai thì cơ quan cấp giấy chứng nhận vẫn phải chịu trách nhiệm chính. “Còn nguyên nhân quận phải kiểm tra bản vẽ trước là vì đã có trường hợp công ty đo vẽ không vẽ lại cho người dân, hoặc đòi thêm tiền mới chịu vẽ lại” - ông Hải giải thích.

Theo ông Hải, điểm mấu chốt không phải là quy định kiểm tra bản vẽ mà là thời gian giải quyết. “Quận sẽ xây dựng quy trình cụ thể, không ưu tiên ai, cố gắng giải quyết nhanh để người dân đỡ mất công chờ đợi. Chuyện không hẹn ngày trả hoặc thu phí khi kiểm tra là không đúng, tôi sẽ chấn chỉnh ngay” - ông Hải khẳng định.

Sau khi trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, được biết hiện quận 8 đã bỏ thủ tục lấy thông tin quy hoạch tại Phòng Quản lý đô thị và việc thu lệ phí để duyệt bản vẽ.

Tại sao cấp đổi giấy mới phải vẽ lại bản vẽ?

Điều này chỉ xảy ra trong trường hợp cấp đổi các giấy chứng nhận cũ, như giấy hồng theo Nghị định 60/1994 và các loại giấy trắng. Các loại giấy được cấp gần đây như giấy hồng Nghị định 90/2006 thì không cần phải vẽ lại khi đổi sang giấy mới theo Nghị định 88/2009. Lý do: giấy cũ được vẽ theo bản đồ cũ (bản đồ 02, bản đồ không ảnh…), còn yêu cầu sau này là phải quản lý đất đai trên nền bản đồ địa chính. Hai loại bản đồ cũ và mới khác biệt hoàn toàn, không thể áp tài liệu cũ cho bản vẽ giấy mới. Tuy nhiên, số lượng các loại giấy cần phải vẽ lại bản vẽ quá lớn, chiếm đa số trong các loại giấy đang có mặt.

Riêng giấy đỏ theo Nghị định 181/2004 tuy mới đây nhưng phải vẽ lại là do giấy này chỉ thể hiện diện tích đất và tầng trệt căn nhà nên không đủ, không đúng như thực tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP