Dài cổ chờ chỉ số giá bất động sản

Cập nhật 08/03/2013 08:20

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, 4 đô thị lớn nhất cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) sẽ phải công bố chỉ số giá bất động sản (BĐS) từ quý III-2011. Thế nhưng, đã quá hạn gần 18 tháng, các thành phố này đều chưa thể đưa ra chỉ số đang được người dân, doanh nghiệp mong đợi.

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, 4 đô thị lớn nhất cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) sẽ phải công bố chỉ số giá bất động sản (BĐS) từ quý III-2011. Thế nhưng, đã quá hạn gần 18 tháng, các thành phố này đều chưa thể đưa ra chỉ số đang được người dân, doanh nghiệp mong đợi.

Mới chỉ có 20% giao dịch nhà đất qua sàn nên rất khó thu được thông tin chính xác

Tự đọc, tự kiểm chứng

Savills Việt Nam vừa công bố chỉ số giá BĐS Savills (SPPI) quý 4-2012 của TP.HCM và Hà Nội. SPPI của cả hai thị trường này đều giảm so với quý trước. Tại TP.HCM, chỉ số giá nhà ở quý IV-2012 đứng ở mức 89,6 điểm, giảm nhẹ so với quý trước (0,8 điểm). Tại thị trường Hà Nội, chỉ số giá nhà ở của Savills quý IV-2012 ở mức 114,7 điểm, giảm 4,6 điểm so với quý trước. Nhìn chung, chỉ số giá theo quý đã giảm xấp xỉ 28% sau khi đạt đỉnh ở mức 138,7 vào quý II-2011. Tương tự, chỉ số văn phòng đạt 60 điểm, giảm 1,6 điểm so với quý trước và 5,4 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Savills Việt Nam cho biết, các chỉ số trên được xây dựng và tính toán dựa trên một mẫu gồm hơn 200 dự án nhà ở trên thị trường sơ cấp và thứ cấp tại TP.HCM. Tại Hà Nội, chỉ số xây dựng và tính toán dựa trên một mẫu gồm hơn 161 dự án trên thị trường sơ cấp và thứ cấp; 195 dự án văn phòng triển khai từ năm 2006. Song chính Savills Việt Nam cũng tỏ ra thận trọng: “Các bên quan tâm sử dụng tài liệu (thông tin về chỉ số giá BĐS) không nên tin cậy hoàn toàn những nhận định cũng như các trình bày mà phải tự mình kiểm chứng tính chính xác”.

Mức độ tin cậy của chỉ số giá do Savills Việt Nam công bố là vậy, còn về phía các cơ quan quản lý Nhà nước sau nhiều năm dò dẫm chuẩn bị, chưa cơ quan nào đưa ra được chỉ số giá BĐS. Trong khi đó, theo các quy định tại Thông tư số 20/2010/TT-BXD, đáng ra, 4 đô thị lớn nhất cả nước đã phải công bố chỉ số giá bất động sản từ quý III-2011. Chỉ số này được kỳ vọng là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc quản lý thị trường BĐS tại địa phương. Người dân, nhà đầu tư có thể nắm rõ hơn xu hướng biến động trên thị trường nhờ chỉ số giá BĐS. Thế nhưng, tới nay, đã quá hẹn 18 tháng mà các thành phố này đều chưa thể đưa ra những con số dư luận đang mong chờ.

Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đã nhiều lần đốc thúc các địa phương khẩn trương công bố chỉ số đánh giá thị trường theo quy định tại Thông tư số 20/2010/TT-BXD. Song, thông tin có giá trị gần đây nhất chỉ là cuộc hội thảo về chỉ số giá BĐS do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức hồi giữa năm 2012! Tại cuộc hội thảo đó, Sở Xây dựng Hà Nội mới chỉ hứa hẹn, đến năm 2013, Hà Nội sẽ xây dựng chỉ số giá và lượng giao dịch bất động sản ở 4 quận (Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông) và 2 huyện (Hoài Đức, Từ Liêm).

Bất khả thi?

Trong bối cảnh thị trường tù mù, kém minh bạch như hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều ủng hộ việc công bố chỉ số giá BĐS. Thế nhưng, yêu cầu trước hết vẫn phải là tính chính xác của chỉ số. Nhiều người lo ngại rằng, nếu chỉ dựa vào số liệu do các chủ đầu tư hay các sàn giao dịch cung cấp là không ổn bởi họ có thể tranh thủ “thổi” giá thị trường.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, khâu khó nhất hiện nay chính là cơ chế thu thập thông tin. Ông nói: “Quan trọng là phải tìm kiếm được thông tin thật do người dân, doanh nghiệp chào bán hoặc trả giá mua. Giá ảo sẽ chỉ giảm bớt khi hầu hết giao dịch BĐS đều thực hiện qua sàn giao dịch”. Hiện nay, thông tin về giá hầu hết đều do một số công ty quản lý BĐS tự thu thập qua nhiều nguồn khác nhau nên độ tin cậy chưa cao. Do vậy, trong một thời gian dài, đã xảy ra tình trạng nhà đất “sốt ảo” hay “sốt” cục bộ do bị giới đầu cơ “thổi” giá.

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cũng đồng quan điểm: “Cần dựa trên tình hình giao dịch thực tế ở một vị trí và trên một địa bàn, khu vực cụ thể chứ không phải giá do chủ đầu tư các dự án ấn định”. Mấu chốt vấn đề là phải có dữ liệu chuẩn và cơ chế kiểm tra chính thức các số liệu thu thập được để đưa ra thông tin chính xác về lượng và giá giao dịch BĐS. Điều này dường như là nhiệm vụ bất khả thi bởi toàn bộ hệ thống môi giới không nằm trong tay chính quyền và thực tế là mới chỉ có 20% số lượng giao dịch qua sàn chính thống.


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô