Đà Nẵng: Xóa nhà “siêu mỏng” không khó

Cập nhật 20/12/2010 08:50

Thời gian qua, tại TP Đà Nẵng có khá nhiều tuyến phố mới được hình thành như Ngô Quyền, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ… Đáng chú ý, nhà cửa trên các tuyến phố này đều được xây dựng khá quy củ, ngăn nắp và hầu như không thấy bóng dáng các căn nhà siêu mỏng, siêu méo.

Sau khi mở đường, các miếng đất dưới 40 m² sẽ được thu hồi để xử lý theo quy hoạch.

Thời gian qua, tại TP Đà Nẵng có khá nhiều tuyến phố mới được hình thành như Ngô Quyền, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ… Đáng chú ý, nhà cửa trên các tuyến phố này đều được xây dựng khá quy củ, ngăn nắp và hầu như không thấy bóng dáng các căn nhà siêu mỏng, siêu méo.

Thu hồi đất dưới 40 m2


Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Huỳnh Việt Thành, trong nhiều năm qua, TP chủ trương khi giải tỏa mở đường sẽ kết hợp thu hồi đất hai bên để sắp xếp lại đô thị đồng bộ. Nhà cửa phải xây dựng mới theo quy hoạch trên các lô đất có diện tích trung bình 80-100 m2. Các miếng đất dưới 40 m2 sẽ được thu hồi để xử lý theo quy hoạch (mở đường nội bộ cho khu dân cư phía sau, ghép thửa…).

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng Trần Văn Toán khẳng định TP không để xảy ra tình trạng sau khi mở đường vẫn thừa ra những miếng đất “đầu thừa, đuôi thẹo”. Ông Toán giải thích: “Việc thu hồi đất có diện tích nhỏ được xác định ngay từ đầu chứ không phải làm tới đâu hay tới đó. Các miếng đất quá nhỏ, không được phép xây dựng đã được thể hiện rõ và thu hồi theo đồ án quy hoạch. Hoàn toàn không có chuyện giải tỏa đến nơi, tự nhiên lòi ra miếng đất nhỏ xíu nên phải thu hồi tiếp”.


Đất rẻo sau các vệt khai thác quỹ đất được sử dụng làm đường nội bộ cho khu dân cư. Ảnh: H.Châu

Ông Thành nói thêm từ năm 2006 Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm Quyết định 19 của UBND TP quy định quản lý quy hoạch xây dựng. Theo đó, diện tích đất ở mặt phố nhỏ hơn 40 m2 không được xây quá hai tầng. Các trường hợp tồn tại trước khi có quyết định này chỉ cải tạo nguyên trạng, không được nâng tầng. “Mở đường rất to nhưng nhà cửa như cái chuồng cu, chuồng chim thì không nên. Hạn chế được chừng nào tốt chừng đó” - ông Thành nói.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng xét cụ thể từng trường hợp để báo cáo UBND TP quyết định. Chẳng hạn, trên một mặt phố đã có nhà ba tầng ở hai bên, ở giữa có cái nhà diện tích nhỏ hơn 40 m2, song bề ngang vẫn đảm bảo 4 m. Nếu theo nguyên tắc chỉ cho xây 1-2 tầng thì sẽ cái cao, cái thấp. Còn nếu cho họ xây ba tầng bằng hai nhà bên cạnh thì sẽ hài hòa với cảnh quan chung. “Chúng tôi luôn giải quyết linh hoạt trên cơ sở phù hợp với cảnh quan chung chứ không phải tùy tiện” - ông Thành nói.

Phải tạo ra sự đồng thuận

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho hay ban đầu cũng có nhiều người không ủng hộ việc mở đường kèm theo thu hồi đất hai bên để khai thác quỹ đất. Lý do là họ cho rằng như thế chỉ người giàu mới được ở mặt tiền. “Chúng tôi phải giải thích TP đầu tư phát triển giao thông vừa để chỉnh trang đô thị, vừa tạo quỹ đất để khai thác và tái đầu tư cho chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân” - ông Minh nói.

Theo ông Minh, điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận để người dân ủng hộ chủ trương chung. Muốn vậy thì xây dựng hạ tầng giao thông - chỉnh trang đô thị - khai thác quỹ đất phải đồng bộ. Còn nếu chỉ chăm chăm mở đường để bán đất thì chắc chắn sẽ không ai ủng hộ. Người dân không đong đếm chi li là vì thấy trong sự phát triển của TP có công sức của họ.

Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu cho biết trong công tác chỉnh trang đô thị, TP thực hiện khá thành công phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân tự nguyện hiến một phần đất và nhà nước đầu tư kinh phí mở rộng đường. Nhờ vậy giá trị của mảnh đất đó tăng lên nhiều lần, vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân mà đô thị ngày càng khang trang. Đó chính là cơ sở để tạo nên sự đồng thuận.

Giải “bài toán” tiêu cực trong quản lý quy hoạch

* Điểm cơ bản để Đà Nẵng ngăn được nhà siêu mỏng, siêu méo là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng:

Đó là quy hoạch và quản lý đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu về không gian đô thị. Trước hết, khi lập đồ án quy hoạch phải thật kỹ lưỡng, chính xác, kết hợp giữa bản đồ thửa đất của Sở TN&MT và đo vẽ địa hình thực tế của Viện Quy hoạch. Đến khi đồ án, công trình triển khai thì việc đo đạc, kiểm tra thực tế vẫn phải được tiếp tục để kịp thời phát hiện những rẻo đất nhỏ hơn quy định cấp phép xây dựng, đề nghị giải tỏa, thu hồi và xử lý theo quy hoạch.

Như thế thì các nơi khác cũng có thể làm được điều này…

Thật ra quy định ở các địa phương đều tương tự nhau, căn cứ theo quy định chung của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Vấn đề là giải cho ra “bài toán” tiêu cực trong công tác quản lý quy hoạch và xây dựng. Kiểm tra thường xuyên, xử lý triệt để thì sẽ khó có chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từng trực tiếp phát hiện một ngôi nhà trên đường Trần Phú được cấp phép năm tầng nhưng xây đến sáu tầng và yêu cầu tháo dỡ ngay. Từ đó chuyện xây “lố” hầu như ít xảy ra.

* Xin cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP