Đà Nẵng: Không dồn thủ tục nặng nề cho dân

Cập nhật 08/09/2009 10:40

Trước đây các thủ tục chủ yếu là dễ cho người quản lý, khó cho người dân, bây giờ phải làm ngược lại.

Các thủ tục liên quan đến nhà đất sẽ được chú trọng rà soát để cắt xén. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà đất. Ảnh: Mai Phương.

Trước đây các thủ tục chủ yếu là dễ cho người quản lý, khó cho người dân, bây giờ phải làm ngược lại.

Đà Nẵng đã hoàn tất giai đoạn một của Đề án 30 bằng việc thống kê và công bố các bộ thủ tục hành chính (TTHC) ở địa phương mình. Việc rà soát đã cho thấy có khá nhiều thủ tục quá rườm rà, chồng chéo khiến người dân và doanh nghiệp mệt mỏi nhiều năm qua. “Trong giai đoạn hai này, chúng tôi sẽ tập trung rà soát kỹ các thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà đất, dân sinh để loại bỏ các thủ tục bất hợp lý...” - ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, khẳng định.

Bỏ cách nghĩ: Tiện cho quản lý

Tại Đà Nẵng có khoảng 1.377 TTHC đang được áp dụng. Tuy nhiên, theo Sở Nội Vụ TP Đà Nẵng thì trong số này có nhiều thủ tục chưa hợp lý và chưa đúng luật.

“Xu hướng trước đây là thủ tục nào được đưa ra cũng đều hướng đến việc tạo thuận lợi cho... người quản lý. Ngành nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi cục bộ và tiện việc cho mình nên thủ tục mới rườm rà” - ông Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nhận định.

Ông Huy dẫn chứng một ví dụ điển hình đang tồn tại ở Đà Nẵng là thủ tục xác nhận quy hoạch. Thủ tục này quy định khi muốn chuyển nhượng, tách thửa hoặc chuyển mục đích sử dụng đất... thì người dân phải làm thủ tục xác nhận quy hoạch. “Cơ quan quản lý nắm chỗ nào quy hoạch, không quy hoạch. Vậy sao lại bắt người dân đến từng phòng quản lý đô thị để xác định có nằm trong quy hoạch không? Đây là thủ tục con và không cần thiết, cần phải cắt bỏ!” - ông Huy nói.

Một thủ tục không hợp lý khác là thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe khi nâng hạng. Một trong những điều kiện để được cấp đổi giấy phép là phải có xác nhận của UBND cấp xã về thâm niên lái xe và an toàn giao thông trong quá trình hành nghề. Theo ông Huy, yêu cầu UBND cấp xã xác nhận những nội dung này là vô lý và hiện các UBND phường, xã kêu rất nhiều. Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải có phòng quản lý người lái thì lại không xác nhận...

Nhiều thủ tục chồng chéo

“Theo thống kê của thanh tra TP thì có đến 75% đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến nhà đất, giải tỏa... Điều đó chứng tỏ phần lớn các thủ tục về nhà đất hiện nay không làm người dân hài lòng” - ông Huy cho biết thêm.

Ông Huy dẫn chứng, hiện có nhiều thủ tục về nhà đất mà cơ quan quản lý đang vướng do các quy định từ trên chồng chéo nhau. Đơn cử thủ tục công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản. Theo Nghị định 181/2004, người dân được chọn hoặc đến UBND phường, xã chứng thực hợp đồng giao dịch, hoặc đến các tổ chức công chứng để công chứng. Nhưng Luật Nhà ở 2005 lại quy định giao dịch liên quan đến nhà ở đô thị thì người dân không được chứng thực tại các phường, xã lại mà phải tới phòng công chứng...

Về lệ phí chứng thực cũng có sự không thống nhất. Hiện lệ phí chứng thực giao dịch mà UBND phường, xã đang thực hiện chịu sự điều chỉnh của Thông tư liên tịch (TTLT) số 93/2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính. Trong khi đó, cũng cùng công việc như vậy nhưng nếu đến các tổ chức công chứng thì mức lệ phí lại bị điều chỉnh bởi TTLT số 91/2008 cũng của hai bộ trên. Điểm khác biệt là so với TTLT 93/2001, mức lệ phí của TTLT 91/2008 cao hơn đến 0,1% trên tổng giá trị tài sản. Rõ ràng là cùng một công việc nhưng lại có mức lệ phí khác nhau và hiện chưa gỡ được.

Tương tự, với việc chứng thực về di sản thừa kế, nếu người dân đến UBND phường, xã thì trước khi được chứng thực phải niêm yết công khai 30 ngày. Trong khi đó, nếu đến phòng công chứng thì lại không phải qua thủ tục này...

Từng đề nghị cắt bỏ 22 thủ tục

Ông Nguyễn Ngọc Huy cho biết năm 2007, TP Đà Nẵng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tư pháp về việc cắt giảm 22 thủ tục hành chính liên quan đến tư pháp, tài nguyên môi trường, xây dựng nhà ở nhưng không được hồi âm. Vì vậy, trong đợt cắt giảm thủ tục hành chính lần này, 30% thủ tục phải được cắt giảm là mục tiêu số một mà Sở Nội vụ hướng tới.

Theo ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Sở sẽ tập trung rà soát, cắt xén các thủ tục trong lĩnh vực nhà đất, điện, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư... Đây là những lĩnh vực thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Dự kiến ngày 31-10 sẽ là hạn chót để các quận, huyện, sở, ngành báo cáo kết quả rà soát và đưa các kiến nghị. Sau đó Sở Nội vụ sẽ rà soát độc lập thẩm định lại và khoảng cuối tháng 2-2010, TP sẽ báo kết quả cho tổ công tác chuyên trách của Đề án 30 của Chính phủ.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP