Đà Nẵng: Không dám kinh doanh chung cư!

Cập nhật 23/08/2007 11:00

Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng đang quản lý 18 chung cư với 61 đơn nguyên, 2.448 căn hộ. Đã bố trí 2.351 hộ vào ở nhưng chỉ mới ký hợp đồng thuê 867 căn hộ, chiếm tỉ lệ gần 37%!

Đó là tâm trạng của ông Nguyễn Công Lang - giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng. Còn hiện tại, tiền thu thuê nhà không đủ bù chi. Việc sửa chữa không đủ kinh phí và kéo dài làm một số chung cư hư hỏng, xuống cấp. Ông cho biết:

- Vì chung cư do ngân sách thành phố đầu tư xây dựng nên việc quản lý nhà nước còn mang tính chất chính sách xã hội. Với lượng hộ thuê trả tiền còn ít ỏi thì việc thu không đủ trả lãi vay ngân hàng, đừng nói đến chuyện đầu tư sửa chữa. Công ty lấy nguồn thu những hoạt động khác đập vào việc duy trì quản lý chung cư, đầu tư máy bơm nước, tiền điện bơm nước, chiếu sáng công cộng...

Theo qui định để lại 35% tiền thuê chung cư để đơn vị sửa chữa nhỏ, song tiền thu từ thuê nhà phải nộp hết về ngân sách, muốn sửa chữa nhỏ hay lớn cũng phải làm văn bản trình lên trình xuống mới được duyệt, chưa kể bị cắt nên việc quản lý chung cư khó nhọc thêm.

* Vì sao việc ở trái phép, sang nhượng... vẫn chưa giải quyết dứt điểm, thưa ông?

- Đây là vấn đề tôi đau đầu nhất nhiều năm nay. Hiện có 70 hộ trước đó vào ở tạm chung cư chờ nhận đất tái định cư. Nhưng đến nay các chủ hộ này đã nhận đất nhưng vẫn chưa giao trả lại nhà. Bảy hộ ở trái phép tại chung cư Thuận Phước đã báo cáo UBND TP cưỡng chế thu hồi nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Nan giải nhất là 416 căn hộ đã chuyển nhượng bằng giấy tay, trong đó có những hộ ngoài thành phố vẫn chưa có hướng giải quyết. Còn 451 hộ chưa ký hợp đồng thuê nhà ở chung cư Thuận Phước, Thanh Lộc Đán, Hòa Minh. 451 hộ này đã được miễn giảm ba năm, sau đó mời ký hợp đồng thuê thì chủ hộ không chịu ký. Họ cho rằng là do hộ giải tỏa cho ở không lấy tiền nên không trả tiền thuê!

Chung cư thì đơn vị quản lý nhưng phường lại chứng nợ! Đó là trường hợp 120 hộ tại chung cư Nại Hiên Đông đã ký nhận nợ với UBND phường để được bố trí vào ở và tiền nợ được qui ra vàng. Khi công ty được giao quản lý thì không ký hợp đồng thuê được. Công ty đang chờ ý kiến UBND TP, cùng các ngành chức năng đề xuất giải quyết bán để thu hồi vốn hoặc có chính sách hỗ trợ các hộ dân mua căn hộ.



ông Nguyễn Công Lang.

* Chẳng lẽ lại “bó tay”?

- Tình trạng này xảy ra trước đây, khi hệ thống chung cư thuộc các ban quản lý dự án. Khi chung cư được bàn giao về cho công ty, những sự việc đã rồi này là “gánh nặng” cho đơn vị. Quản lý chung cư ở Đà Nẵng còn nhiều vấn đề “lịch sử” để lại nên rất khó khăn, phức tạp.

Phần lớn những hộ nghèo bị giải tỏa, khi được bố trí ở những tưởng thành phố không thu tiền, được sở hữu căn hộ. Những người mua lại cũng thuộc diện nghèo, thu nhập thấp nên liều mua để ở.

Họ viện cớ trên để không trả tiền thuê nhà. Vả lại, thực hiện chương trình “ba có” của thành phố nên không thể cưỡng chế họ ngay. Công ty đã tích cực phối hợp với các chủ dự án có dân vào ở chung cư để giải quyết tình trạng này nhưng cũng rất gian nan.

Công ty cũng đã kiến nghị các cấp, ngành: những hộ ở tạm chung cư đã có đất thì có biện pháp buộc họ giao căn hộ lại. Kiên quyết cưỡng chế những hộ ở trái phép. Về tình trạng sang nhượng, xử lý truy thu năm lần tiền thuê nhà (với giá hiện hành) đối với các hộ có hộ khẩu tại Đà Nẵng, có công ăn việc làm ổn định chuyển nhượng từ 31 - 12 - 2004 về trước. Truy thu tiền thuê nhà hai lần đối với các hộ có hộ khẩu ngoại tỉnh nhưng đã đăng ký KT3 và truy thu một lần đối với các hộ có hộ khẩu ở Đà Nẵng thời điểm từ 27 - 4 - 2006 về trước.

* Theo chúng tôi biết, hiện vẫn còn tình trạng sang nhượng?

- Công ty đã có điều khoản trong hợp đồng và thông báo nhiều lần chung cư là tài sản nhà nước, chỉ cho thuê. Khi phát hiện, người sang nhượng bị thu hồi căn hộ, người mua sẽ bị mất tiền. Có vài trường hợp tại các chung cư quận Sơn Trà, hai bên bán - mua đã phải ra tòa dân sự để giải quyết. Còn các hộ được bố trí chung cư, nếu cho thuê lại thì công ty buộc phải thu hồi căn hộ hoặc họ phải trở về ở. Lần này chúng tôi phải kiên quyết từ đầu.

* Dư luận bức xúc trước tình trạng nhà chung cư còn thiếu nhưng việc bố trí còn sai đối tượng, thưa ông?

- Những trường hợp vào ở chung cư rất nhiều diện: dân giải tỏa, hộ phụ, dân nghèo bị giải tỏa, cán bộ, công chức, diện chiêu hiền đãi sĩ. Tất cả trường hợp bố trí chung cư đều do UBND TP phê duyệt, công ty không có trách nhiệm.

Tôi cũng thấy được bức xúc này nên kiên quyết kiến nghị thu hồi những căn hộ sang nhượng, cho thuê lại hoặc không đúng đối tượng được bố trí. Công ty đang tiến hành thu hồi 13 căn hộ tầng trệt của chung cư Lê Đình Lý (chung cư diện “chiêu hiền đãi sĩ” nằm ngay trung tâm TP bố trí sai đối tượng - PV) để đấu giá chuyển quyền sử dụng. Một số căn hộ tầng trệt, căn đầu hồi đang xem xét thu hồi để đấu giá chuyển quyền hoặc cho thuê dịch vụ.

* Nếu giao chung cư để kinh doanh, khai thác hiệu quả hơn, ông có nhận?

- Việc quản lý chung cư hiện tại nửa kinh doanh, nửa là giải quyết vấn đề xã hội. Nói thật là trong thời điểm này, đơn vị sẽ từ chối vì nếu nhận sẽ kinh doanh lỗ lã ngay. Về lâu dài, khối tài sản lớn này phải kinh doanh đúng nghĩa hoặc xã hội hóa một vài chung cư có chất lượng.

Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng đang quản lý 18 chung cư với 61 đơn nguyên, 2.448 căn hộ. Đã bố trí 2.351 hộ vào ở nhưng chỉ mới ký hợp đồng thuê 867 căn hộ, chiếm tỉ lệ gần 37%!


Theo Việt Hùng - Tuổi Trẻ