Đường Trần Hưng Đạo chạy dọc bờ đông sông Hàn được giới đầu tư đánh giá là những khu đất vàng. Trên đó có những khu đất được bán không qua đấu giá để rồi... bỏ hoang.
Đường Trần Hưng Đạo chạy dọc bờ đông sông Hàn được giới đầu tư đánh giá là những khu đất "vàng". Trên đó có những khu đất được bán không qua đấu giá để rồi... bỏ hoang.
Các doanh nghiệp làm du lịch đều "mê” khu đất rộng 15ha ở bờ đông sông Hàn nằm sát chân cầu Nguyễn Văn Trỗi thuộc quận Sơn Trà. Ngoài những yếu tố: không gian thoáng đãng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, gần trung tâm, khu đất này còn tăng nhiều giá trị khi chiếc cầu dây văng hiện đại vào loại bậc nhất khu vực sẽ đi ngang qua với nhiều bến du thuyền được thiết kế sát dưới chân cầu.
Phơi nắng đất "vàng"
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì chủ nhân của khu đất "vàng" này là Công ty cổ phần thương mại - du lịch - đầu tư Cù Lao Chàm (Công ty Cù Lao Chàm, trụ sở đóng tại Hội An, Quảng Nam), sẽ xây dựng tại đây một khu du lịch cao cấp với vốn đầu tư 60 triệu USD. Với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, Công ty Cù Lao Chàm được Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam cấp phép cùng lúc hai dự án lớn tại Hội An và cù lao Chàm với tổng vốn đầu tư lên đến 350 tỉ đồng. Dù đã triển khai khá lâu nhưng theo xác nhận của một lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam, cả hai dự án nói trên hiện đang triển khai rất chậm, mới đây tỉnh đã ra văn bản đốc thúc tiến độ.
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, ngay đầu cầu phía bên trái có một khu đất rộng 14.000m2, ba mặt tiền, địa thế vào hạng nhất nhì Đà Nẵng, đã được qui hoạch thành khu khách sạn - cao ốc. Cùng với khu phức hợp 9ha đối diện do Tập đoàn VinaCapital đầu tư, nơi đây được xác định là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi kiến trúc đô thị ven sông Hàn.
Thế nhưng, suốt mấy năm rồi khu đất "vàng" ấy vẫn chỉ là một bãi đậu xe qua đêm của các hãng taxi và là điểm trưng bày ôtô cũ, hết đời nhập từ nước ngoài về. Nơi đây cũng mọc lên những quán nhậu, tạo nên một "điểm nhấn" nhếch nhác. Theo giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, năm 2005 khu đất "vàng" này đã được TP chuyển quyền cho Công ty Trung Nguyên (Đắc Lắc) để đầu tư dự án có tên "Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn ven sông Trung Nguyên" (gọi tắt là dự án Trung Nguyên). Thế nhưng sau gần ba năm nay, dự án này vẫn chỉ là một bãi đất hoang.
Trước đó vào năm 2004, Công ty Trung Nguyên cũng đã được UBND TP Đà Nẵng đồng ý chuyển quyền sử dụng một khu đất rộng 10.000m2 ngay trung tâm TP với ba mặt đường Hùng Vương - Phan Châu Trinh - Nguyễn Thị Minh Khai, với giá rất "bèo": 5,5 triệu đồng/m2. Vào thời điểm đó, đất ở khu vực này có giá không dưới 25 triệu đồng/m2. Và sau hơn ba năm, đến nay khu đất ấy vẫn đang bỏ hoang dù UBND TP Đà Nẵng đã gửi văn bản nhắc nhở triển khai dự án.
"Nếu đấu giá sẽ mất cơ hội"?
Đó là trường hợp của khu đất "vàng" ven sông Hàn. Khi Công ty Cù Lao Chàm đặt vấn đề đầu tư, lập tức được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận. Một thỏa thuận nguyên tắc được ký kết. Theo đó, phía TP Đà Nẵng (bên A) sẽ xúc tiến việc cho Công ty Cù Lao Chàm (bên B) được nhận quyền sử dụng khu đất 12ha trong tổng số 15ha tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà để đầu tư xây dựng khu du lịch - dịch vụ ven sông Hàn (gọi tắt là dự án ven sông Hàn) với giá 1,9 triệu đồng/m2, đúng bằng giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất mà Hội đồng thẩm định giá đất TP Đà Nẵng đặt ra. Riêng 3ha đất còn lại, công ty được sử dụng để xây dựng đường giao thông, cây xanh, cảnh quan... phục vụ công cộng nên không thu tiền sử dụng đất.
Cũng theo thỏa thuận này, bên B phải nộp đủ số tiền 12ha đất là 228 tỉ đồng cho bên A chậm nhất vào quí 4 - 2008. Đồng thời, bên A phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho bên B. Ban quản lý dự án Bạch Đằng Đông - đơn vị được TP giao quản lý khu đất "vàng" - cho biết mọi chi phí đền bù, giải tỏa đều do phía TP bỏ ra. Theo tìm hiểu của các phóng viên, vào thời điểm ký thỏa thuận, phía nhà đầu tư vẫn chưa có hồ sơ dự án, từ báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến đồ án xây dựng.
Điều đáng nói là trước đó vào tháng - 2007, khu đất "vàng" này đã được UBND TP giao cho Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng tiến hành các thủ tục để đấu giá. Nhưng sau khi đàm phán xong với Công ty Cù Lao Chàm, dự án trên được UBND TP Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng mà không thông qua các thủ tục đấu giá. "Nếu đấu giá thì sẽ vuột mất cơ hội đầu tư ngay", ông Nguyễn Thanh Sang - phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng giải thích.
Lỡ "làm giá” nên không đấu giá?
Khu đất "vàng" rộng 12.077m2 nằm sát cầu sông Hàn phía bờ đông được UBND TP Đà Nẵng đồng ý chuyển quyền sử dụng cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Công ty Trung Nguyên) với giá 3,8 triệu đồng/m2.
Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục cho phép Công ty Trung Nguyên được nhận thêm 900m2 đất mở rộng về phía bắc của dự án này cũng với giá 3,8 triệu đồng/m2. Phía TP Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm giải tỏa các hộ dân và mở tuyến đường 7,5m ở phía bắc, biến khu đất "vàng" từ ba mặt tiền thành bốn mặt tiền vuông vắn trước khi bàn giao cho nhà đầu tư.
Theo điều tra của các phóng viên, trước đó vào năm 2003, lô đất rộng 12.077m2 nói trên đã được UBND TP Đà Nẵng chuyển quyền cho ông Nguyễn Hữu Bình (Hà Nội). Tuy nhiên, vì không thực hiện đúng các điều kiện trong hợp đồng chuyển quyền nên ngày 4 - 4 - 2005, TP Đà Nẵng ra quyết định hủy bỏ hợp đồng với ông Bình. Ngay sau đó ngày 19 - 4, khu đất "vàng" có chủ mới.
Đất về chủ mới đã diễn ra lặng lẽ. Ông Nguyễn Thanh Sang - phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng - giải thích: "Theo qui chế (đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn do TP Đà Nẵng ban hành ngày 29 - 6 - 2004 - PV), sau thời điểm tháng 6 - 2004, tất cả đất công cộng phải đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, khu đất này được làm giá từ năm 2003, nên thôi".
Theo tài liệu mà các phóng viên thu thập được, khu đất trên được UBND TP Đà Nẵng đồng ý chuyển quyền sử dụng cho Công ty Trung Nguyên vào ngày 9 - 6 - 2005 sau khi đã có qui định của TP về đấu giá đất. Vào thời điểm đó, giá đất thị trường tại khu vực này không dưới 7 triệu đồng/m2...
"Ván đã đóng thuyền" có đòi được không?
Mặc dù số diện tích 12.077m2 của dự án Trung Nguyên đã được TP cấp sổ đỏ từ giữa năm 2005, nhưng đến tháng 9 - 2006 TP Đà Nẵng mới phê duyệt ranh giới sử dụng đất cho dự án, và mãi đến ngày 26 - 2 - 2007, UBND TP Đà Nẵng mới ra quyết định thu hồi đất để giao cho ban Bạch Đằng Đông xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án này. Tương tự với dự án ven sông Hàn của Công ty Cù Lao Chàm cũng được chuyển quyền trước khi có quyết định thu hồi đất.
Ngoài ra, những năm qua TP Đà Nẵng cũng đã hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho hàng loạt nhà đầu tư bất động sản đến từ Hà Nội, TP.HCM như Công ty cổ phần Sao Đỏ, Ban quản lý dự án thủy điện 3, các ông bà Nguyễn Hữu Sinh, Hoàng Hải, Trung Thị Lâm Ngọc... Tất cả những khu đất "vàng" này đều nằm trên đường Phạm Văn Đồng, Sơn Trà - Điện Ngọc.
Sau khi có sổ đỏ, các dự án này đã "ngủ yên". Ngày 3 - 7 - 2007, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn "nếu đến cuối tháng 12-2007 các chủ đầu tư không khởi công xây dựng công trình thì UBND TP Đà Nẵng sẽ thu hồi đất". Tuy nhiên, theo nhận xét của các luật sư, chuyện đó sẽ rất khó xảy ra vì đất đã được chuyển quyền.
Theo Tuổi Trẻ