Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu đoàn công tác vào Đà Nẵng tham khảo kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng hạ tầng.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng Ảnh: HC |
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu đoàn công tác vào Đà Nẵng tham khảo kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng hạ tầng.
Hà Nội “đặt hàng”
Chuyến công tác của ông Nghị diễn ra tròn một năm sau khi mở rộng thủ đô Hà Nội và 437 ngày trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
"Một khối lượng công việc rất lớn đang đặt ra, trong đó có công tác quy hoạch, quản lý đô thị đang được Hà Nội tập trung giải quyết nhưng gặp khá nhiều lúng túng, khó khăn. Vì vậy Hà Nội rất cần được chia sẻ kinh nghiệm từ Đà Nẵng đang nổi lên như một điển hình về công tác này”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị mở đầu buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng chiều 30/7.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình, trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc lớn nhất là sự chênh lệch giữa giá đền bù theo quy định của Nhà nước với giá thị trường.
Ông Phạm Quang Nghị bổ sung thêm, việc quản lý và xác nhận nguồn gốc sử dụng đất ở Hà Nội là "cực khó". Kể cả đất do lấn chiếm đất công từ trước tháng 10/1993 vẫn phải đền bù như đất ở ổn định do ông bà để lại. Mặt khác, trong việc đền bù giải toả, có những cái làm trước đây đã gây tiền lệ không hay, dù không hợp lý nhưng nay vẫn phải tiếp tục thực hiện, nếu không thì những người thuộc diện giải toả lại so bì, khiếu kiện.
Kinh nghiệm Đà Nẵng: Có người chịu trách nhiệm
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho hay: “Ở Đà Nẵng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch chỉ làm tham mưu, còn lãnh đạo TP phải quyết định. Phải có người đứng ra quyết và chịu trách nhiệm chứ cứ bàn mãi, mỗi anh mỗi ý kiến không những không ra được vấn đề mà đôi khi còn phá vỡ, không khớp nối được quy hoạch”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho hay, trong công tác giải phóng mặt bằng, ngoài các chính sách chung do Nhà nước quy định, TP cũng có những vận dụng phù hợp với tình hình sử dụng đất thực tế tại địa phương, tập quán sinh sống của người dân từng vùng để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Nguyên tắc là đảm bảo sự công bằng, khách quan và có tính chất động viên, khuyến khích người bị thu hồi đất nhanh chóng thực hiện giải tỏa, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Từ đầu năm 2004 đến nay, TP đã thực hiện thu hồi 11.488ha đất. Tổng giá trị đã chi cho đền bù, giải toả các khu dân cư từ năm 1997 đến nay khoảng 5.000 tỷ đồng, dành cho hơn 80.000 hộ.
Ở mỗi dự án, Đà Nẵng đều thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB). Nếu là dự án lớn liên quan đến nhiều quận, huyện thì do một phó chủ tịch UBND TP làm Chủ tịch hội đồng, các chủ tịch quận, huyện làm phó.
Với các dự án vừa và nhỏ liên quan đến nhiều quận, huyện thì ranh giới dự án thuộc địa phương nào sẽ do địa phương đó làm Chủ tịch Hội đồng. Nếu dự án nằm gọn trong địa bàn một quận, huyện vị trí này do chủ tịch quận, huyện đó đảm nhiệm, các chủ tịch các xã, phường liên quan làm thành viên.
Do đó, mọi vấn đề liên quan đến đền bù giải toả, bố trí tái định cư đều có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án.
Hà Nội chưa có chuyện dân hiến đất làm đường
Bí thư Thành uỷ Hà Nội ngạc nhiên khi biết rằng nhiều tuyến giao thông được Đà Nẵng cải tạo, nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh thông qua thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, người dân tự nguyện hiến đất để TP đầu tư nâng cấp đường sá. Ông cho hay, ở Hà Nội chưa có chuyện đó, nếu có chỉ là cá biệt chứ không thành phong trào như ở Đà Nẵng. Có lẽ do người dân ở đây… "lành tính".
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng "tiết lộ", lãnh đạo TP phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, vận động người dân trong vùng dự án. Nếu có từ 80% hộ dân trong diện giải toả thống nhất thực hiện dự án theo chủ trương thì dự án sẽ được triển khai. Tuy người dân hiến một phần đất nhưng sau khi đường sá được mở mang thì giá trị nhà, đất của họ sẽ tăng lên.
Ông Phạm Quang Nghị đánh giá: “Chủ trương, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đô thị và xây dựng hạ tầng của Đà Nẵng thể hiện sự nhất quán, kiên quyết, thống nhất trong các cấp, ngành và tập trung vào một đầu mối. Đồng thời thể hiện tính năng động, sáng tạo trong việc dự liệu những vấn đề phát sinh trong cơ chế kinh tế thị trường, sử dụng quỹ đất để tạo ra giá trị, điều hoà các lợi ích, đảm bảo quyền lợi của người dân".
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet