"Đã đến thời điểm người dân cân nhắc để sở hữu ngôi nhà phù hợp"

Cập nhật 23/02/2015 06:44

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” đầu tiên của năm mới Ất Mùi (tối 22/2, tức mùng 4 Tết), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định thị trường bất động sản đã ấm lên và đang phục hồi tích cực. Nguồn cung nhà ở phong phú, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội đã dồi dào hơn với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước. Đây chính là thời điểm để người có nhu cầu có thể cân nhắc để sở hữu một ngôi nhà phù hợp với khả năng và mong muốn của mình.

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” đầu tiên của năm mới Ất Mùi (tối 22/2, tức mùng 4 Tết), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định thị trường bất động sản đã ấm lên và đang phục hồi tích cực. Nguồn cung nhà ở phong phú, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội đã dồi dào hơn với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước. Đây chính là thời điểm để người có nhu cầu có thể cân nhắc để sở hữu một ngôi nhà phù hợp với khả năng và mong muốn của mình.


Các căn hộ liền kề tại khu đô thị Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, năm qua thị trường bất động sản cũng ấm dần lên và kết quả này đã khẳng định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã trúng và phát huy tác dụng.

Một trong những quan điểm quan trọng nhất quyết đinh sự hồi phục của thị trường bất động sản chính là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng phải gắn liền với Chiến lược nhà ở quốc gia. Trong đó yêu cầu phải đảm bảo cải thiện nhà ở cho người dân, cả người giàu và người nghèo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Do đó, Chiến lược quy định cùng lúc vừa phát triển nhà ở thị trường – nhà ở hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu cho người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Mặt khác phải phát triển nhà ở phi hàng hóa tức là nhà ở xã hội để cải thiện nhà ở cho người không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

Trước những e ngại về nguồn cung nhà ở xã hội còn khiêm tốn và cần một giải pháp để tăng cung quỹ nhà ở này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ thêm: Không chỉ riêng nhà ở xã hội mà nhà ở cho các đối tượng còn có khó khăn trên tất cả các vùng miền đều được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Điển hình như Chương trình 167 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng nông thôn đã giúp cải thiện nhà ở cho trên 500.000 hộ dân; nhà ở tránh lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở tránh lũ duyên hải miền Trung giải quyết cho trên 40.000 hộ; chương trình nhà ở cho người có công cũng đang thực hiện rất hiệu quả...

Riêng nhà ở xã hội dành cho các đô thị cũng đạt khoảng 12.000 căn trong năm 2014. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất lớn. Cả nước đến năm 2020 cần trên 1 triệu căn hộ. Trong khi đó, nguồn lực cho phát triển nhà ở, khả năng của doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội cũng còn rất khó khăn, Bộ trưởng nhận xét.

Do đó, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung về loại hình nhà ở này cho người dân thì trong thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội. Mặc dù Luật Nhà ở 2014 đã được thông qua nhưng phải tiếp tục cụ thể hóa bằng Nghị định, Thông tư nhằm tạo điều kiện để huy động nguồn lực phát triển.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tiếp tục chủ động xây dựng chương trình phát triển nhà ở xã hội, xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm và coi đây là chỉ tiêu, pháp lệnh của kế hoạch trung hạn dài hạn của mình. Đặc biệt, muốn phát triển nhà ở xã hội thì các địa phương cần hoạch định sẵn quỹ đất sạch để các doanh nghiệp đầu tư tham gia phát triển. Các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được dòng vốn, nhất là người dân được vay để mua nhà cải thiện chỗ ở.

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự dịch chuyển của người dân đang khiến các đô thị quá tải cả về nhiều mặt, từ giao thông, trường học đến nhà ở... Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: Kinh tế của đô thị chiếm trên 70% tổng giá trị kinh tế của đất nước, tuy nhiên những thách thức trong phát triển là rất lớn.

Hiện xu hướng tập trung hóa đô thị do quá trình phát triển các đô thị chưa hợp lý về cơ cấu cũng như trống vắng hạ tầng ở các đô thị nhỏ đã khiến người dân di chuyển vào đô thị lớn để tìm kiếm việc làm. Điều này đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông, giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, nhà ở cũng như những vấn đề về biến đổi khí hậu và không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đô thị mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra là phải tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới; trong đó đặc biệt là kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; kiên trì thực hiện Chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

Điều cốt lõi cần được các nhà quản lý nhận thức rõ đó là đổi mới công tác quy hoạch. Thay vì quy hoạch bị nằm gọn, chia cắt do địa giới hành chính thì cần tổ chức quy hoạch theo vùng lãnh thổ, vùng đô thị đặc biệt là vùng đô thị lớn để kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ và phân bổ các công trình đầu mối một cách hợp lý và khai thác sử dụng hợp lý nguồn lực của khu vực.

Điều này cũng sẽ giúp giảm áp lực cho đô thị trung tâm và tạo cơ hội để đô thị vệ tinh phát triển. Sức hấp dẫn “tại chỗ” của các đô thị vệ tinh sẽ giữ người dân ở đó bởi họ có đủ việc làm, dịch vụ tốt, sống trong điều kiện tốt hơn. Áp lực cho đô thị lớn chắc chắn được giảm. Muốn vậy, hãy bắt đầu từ việc thực hiện kiểm soát sự phát triển đô thị.

Mỗi địa phương phải xây dựng kế hoạch để đầu tư phát triển đô thị căn cứ vào nguồn lực để xây dựng cũng sẽ khắc phục tình trạng phát triển tự phát, phong trào, thiếu nguồn lực thực hiện trong thời gian vừa qua. Nó ảnh hưởng đến chất lượng đô thị cũng như ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Nếu làm được như vậy thì đô thị Việt Nam ngày càng chất lượng hơn, góp phần tạo động lực cho sự phát triển, góp phần cho người dân sống trong đô thị được hạnh phúc hơn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+