Cuối năm, bất động sản “nóng” trở lại?

Cập nhật 09/12/2014 11:19

Càng gần đến thời điểm kết thúc năm 2014, thị trường bất động sản (BĐS) càng có những phục hồi rất tích cực với một lượng lớn giao dịch thành công.

Càng gần đến thời điểm kết thúc năm 2014, thị trường bất động sản (BĐS) càng có những phục hồi rất tích cực với một lượng lớn giao dịch thành công.

Cuối năm thị trường BĐS đang ấm nóng lên. Ảnh: B.AN

Mới đây, tại Hội thảo khoa học Quốc gia về kinh doanh BĐS do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã cho biết, trong 11 tháng của năm 2014, tại Hà Nội, ước tính có khoảng 10.000 giao dịch thành công, tăng 200% so với cùng kỳ 2013. Còn ở TPHCM, con số này là 8.800 giao dịch thành công, tăng 1,5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào những số liệu trên, có thể nhận ra thị trường năm nay không hề kém cạnh so với những năm mà BĐS đang “thời hoàng kim”. Ví dụ rõ nhất là vào thời điểm “sốt” của BĐS - năm 2010, thì lượng giao dịch do Savills hay CBRE thống kê lại cũng chỉ nằm trong khoảng 13.000-14.000 giao dịch/năm.

Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa thị trường năm nay và các năm ở tính thanh khoản cục bộ. Nếu như trước đây, các dự án mở bán luôn làm nóng sốt thị trường, thì nay chỉ có những dự án ở vị trí trung tâm, hạ tầng tốt, sản phẩm tốt… mới hấp dẫn được nhà đầu tư (NĐT) bởi tâm lý thận trọng khi đầu tư.

Mặt khác, trong thời gian gần đây, tổng dư nợ tín dụng BĐS đạt khoảng 12%, đây là một dấu hiệu tốt khi cho thấy dòng tiền từ ngân hàng bắt đầu có xu hướng đổ mạnh hơn vào thị trường này. Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dự báo tăng trưởng tín dụng 2014 sẽ vào khoảng 13%, do đó, BĐS sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn.

Trên thực tế, thị trường cũng đang cho thấy số lượng dự án chào bán, bung hàng đang rầm rộ trong thời gian vừa qua. Nhiều dự án từ “bất động” cũng rục rịch “động đậy” trở lại, các lễ khởi công, bán hàng, giao nhà,…diễn ra liên tục đã khiến người mua có niềm tin và yên tâm hơn về căn hộ sẽ được bàn giao đúng kỳ hạn, không còn “nằm đắp chiếu” như thời gian trước.

Cụ thể, tại TPHCM, cuối năm 2014, hàng chục nghìn căn hộ sẽ được bung ra thị trường. Đợt bung hàng này đồng loạt ở cả 3 phân khúc: thấp, trung và cao cấp. Đáng chú ý là dự án Vinhomes Central Park tọa lạc tại khu Tân Cảng (quận Bình Thạnh) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với khoảng 10.000 căn hộ; Tập đoàn Novaland cũng mở bán hàng nghìn căn hộ thuộc 9 dự án quy mô lớn; Phú Mỹ Hưng cũng đang chuẩn bị mở bán giai đoạn 3 dự án căn hộ Scenic Valley với số lượng căn hộ khoảng trên 400 căn....

Bên cạnh việc bung mở bán ồ ạt nhiều phân khúc cuối năm, năm nay, dòng sản phẩm căn hộ cao cấp cũng đã quay trở lại sau một thời gian “án binh bất động”, tồn kho nhiều. Nhiều dự án ở nội đô Hà Nội thậm chí trở thành “hàng hot”, giá liên tục tăng như Thăng Long Number One, Hồ Gươm Plaza, Times City, Hòa Bình Green City…, theo khảo sát giá bán hiện nay đã cao hơn khoảng 20 - 25% so với năm 2013. Một số dự án căn hộ cao cấp mức giá đã điều chỉnh gần bằng “đỉnh” năm 2010 với mức giá khoảng 40-45 triệu đồng/m2 như Mandarin Garden…

Một số dự án mới công bố giá ra thị trường gần đây cũng đang ở mức khá cao như Tòa B Hòa Bình Green City khoảng 43-44 triệu đồng/m2 (gồm VAT và nội thất), Vinhomes Nguyễn Chí Thanh có căn cũng xấp xỉ 70 triệu đồng/m2.

Còn ở phân khúc bình dân và trung bình thì lại đang có sự chững lại đáng kể mặc dù giao dịch vẫn chủ yếu diễn ra ở phân khúc này bởi lượng cung tương đối lớn so với nhu cầu của thị trường hiện nay. Một số dự án có vị trí tốt, tiến độ ổn định như Helios Tower 75 Tam Trinh, Capital Garden 102 Trường Chinh, HP Lanmark Tower, Thăng Long Victory… thì vẫn hút được khách hàng.

Sự phục hồi của thị trường BĐS dĩ nhiên là tốt, tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có không ít các ý kiến lo ngại rằng thị trường đang “cơn sốt ảo” tạo hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia của thị trường này lại cho rằng thị trường BĐS hiện nay đã khác nhiều, việc “sốt ảo” khó lòng xảy ra. Bởi trước đây, thị trường “sốt” là do cung thiếu cầu nhiều, khiến thị trường địa ốc kỳ vọng quá lớn vào việc đầu tư, đầu cơ. Nhưng những năm gần đây, khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cho vay thấp, lượng dự án có chất lượng thực sự được tung ra rất nhiều, dẫn đến lượng giao dịch thành công tăng lên rất nhiều so với năm trước. “Vì thế, việc thị trường chỉ có sôi động lên, ấm nóng lên thì có, chứ “ảo” thì khó xảy ra” - một chuyên gia phân tích cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động