Cuộc sàng lọc doanh nghiệp địa ốc vẫn khắc nghiệt

Cập nhật 08/01/2014 11:13

Năm 2013, nhiều khó khăn của thị trường bất động sản đã khép lại, để bước sang một năm mới 2014 với nhiều dự báo tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh địa ốc, dù thị trường tích cực hơn, thì cuộc sàng lọc các chủ đầu tư vẫn sẽ tiếp diễn.

Năm 2013, nhiều khó khăn của thị trường bất động sản đã khép lại, để bước sang một năm mới 2014 với nhiều dự báo tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh địa ốc, dù thị trường tích cực hơn, thì cuộc sàng lọc các chủ đầu tư vẫn sẽ tiếp diễn.


Nhìn ở khía cạnh thị trường, năm 2013 dù khó khăn, nhưng thị trường bất động sản TP. HCM cũng đã có những đốm sáng, thanh khoản cải thiện đáng kể, với hơn 5.000 căn hộ được tiêu thụ. Nhiều dự án trùm mền trước đó đã tái khởi động trong năm qua và có kết quả bán hàng khả quan.

Theo giới kinh doanh địa ốc, sự chuyển biến lớn nhất của thị trường năm qua là sự thay đổi về tâm lý người mua. Nếu như trước đây, người có nhu cầu mang nặng tâm lý chờ đợi thị trường giảm sâu mới quyết định mua nhà, thì năm qua, nhất là những tháng cuối năm, tâm lý này đã thay đổi. Yếu tố để người tiêu dùng quyết định mua nhà không đơn thuần là giá cả, mà là chất lượng dự án, uy tín chủ đầu tư và đặc biệt là tiến độ xây dựng dự án đến đâu.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ đầu tư dự án, thì trong năm qua vẫn là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Số lượng dự án bị “trùm mền” tiếp tục tăng cao do doanh nghiệp không còn đủ sức để thực hiện. Thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, tính đến cuối năm 2013, TP. HCM đã có thêm 373 dự án bất động sản ngừng thi công vì khó khăn.

Những khó khăn của năm 2013 được nhiều người cho rằng là đỉnh điểm và bước vào năm 2014, thị trường sẽ tốt hơn.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, có nhiều tín hiệu cho thấy, thị trường bất động sản đã chạm đáy, đang có những dấu hiệu ấm lên. Từ nửa cuối 2013 trở lại đây, những chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ đã tác động tích cực đến thị trường. Những dấu hiệu đầu tiên đã biểu hiện rõ nét ở phân khúc nhà giá trung bình, đáp ứng nhu cầu ở thực, sau đó, đã dần lan tỏa sang những phân khúc khác như biệt thự, căn hộ cao cấp...

Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù năm 2014 thị trường có thể tốt hơn về thanh khoản, nhưng cuộc sàng lọc tiếp tục sẽ diễn ra với các doanh nghiệp địa ốc.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, nhìn vào thực tế hàng loạt vụ khách hàng “đội đơn” đi khiếu nại các chủ đầu tư chậm bàn giao nhà đã khiến cho người mua mất hết niềm tin vào các chủ đầu tư. Vì vậy, dù dự án có giảm giá hoặc ưu đãi đến mức nào, nhưng nếu chủ dự án không chứng minh được năng lực xây dựng cũng sẽ khó bán được hàng.
“Giá cả đúng là yếu tố quan trọng của một dự án, nhưng yếu tố mang tính quyết định dự án có bán được hàng thời gian qua và sắp tới hay không chính là tiến độ và uy tín của chủ đầu tư”, ông Hiền nhấn mạnh. Thực tế, không ít doanh nghiệp địa ốc hiện nay đang bị luẩn quẩn với vòng quay “con gà, quả trứng”. Doanh nghiệp muốn bán được hàng phải xây dựng dự án, nhưng muốn xây dựng dự án, doanh nghiệp phải có tiền, còn để có được tiền, doanh nghiệp lại phải bán được hàng.

“Thời gian tới, doanh nghiệp nào có năng lực tài chính, xoay xở được vốn để đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công. Ngược lại, doanh nghiệp nào, không xoay được vốn sẽ tiếp tục bị đào thải khỏi thị trường”, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng nhận định.

Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, lợi thế cơ bản của thị trường hiện nay là nhu cầu nhà ở rất lớn, đồng thời người tiêu dùng đã nhận ra một thực tế, giá nhà đất khó giảm thêm và sẵn sàng mua nhà nếu có sản phẩm phù hợp. Song hiện thị trường vẫn đang có những nút thắt, hạn chế khả năng phát triển dự án của các doanh nghiệp. Một trong những nút thắt hiện nay, theo ông Hiếu là điều chỉnh diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường theo chủ trương Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Dù đã có chủ trương, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được TP. HCM chấp thuận cho phép chia nhỏ căn hộ với lý do sẽ làm gia tăng dân số.

“Chúng tôi có một số dự án xin điều chỉnh diện tích theo dòng sản phẩm căn hộ diện tích nhỏ S.Home, nhưng hồ sơ vẫn chưa được Thành phố duyệt”, ông Hiếu nói và cho rằng, nếu nút thắt này được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sẽ có nhiều nguồn cung tốt, thanh khoản sẽ tăng lên và thị trường sẽ ổn định hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán