Cuộc đua lập sàn giao dịch bất động sản

Cập nhật 17/05/2009 09:50

Cuộc đua thành lập sàn giao dịch bất động sản trong những tháng qua vẫn tiếp diễn, mặc dù thị trường này trên thực tế vẫn đang trầm lắng. Hệ quả là sàn giao dịch đang mọc lên ngày càng nhiều...

Cuộc đua thành lập sàn giao dịch bất động sản trong những tháng qua vẫn tiếp diễn, mặc dù thị trường này trên thực tế vẫn đang trầm lắng. Hệ quả là sàn giao dịch đang mọc lên ngày càng nhiều, nhưng tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường vẫn thấp.

Theo các quy định về giao dịch bất động sản do Bộ Xây dựng ban hành, tất cả các sản phẩm của các công ty kinh doanh bất động sản đều phải được giao dịch qua sàn kể từ 1-1-2009.

Thành lập theo phong trào để đối phó

Điều kiện thành lập sàn ban đầu khá đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần có số vốn 6 tỉ đồng, có mặt bằng tối thiểu 50m2, giám đốc sàn phải có chứng chỉ về quản lý giao dịch bất động sản và có 2 giao dịch viên có chứng chỉ mối giới.

Trước những quy định này, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để đáp ứng được điều kiện thành lập sàn giao dịch cho riêng mình, nếu không muốn bị phạt là kinh doanh không đúng quy định.

Ông Lê Cao Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thị trường Bất động sản - Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đến nay chỉ riêng trong mạng giao dịch bất động sản do Cục vận hành, quản lý đã có trên 100 thành viên, trong đó riêng miền Bắc có gần 50 thành viên.

Tuy nhiên, việc thành lập sàn để đối phó và theo phong trào như hiện nay dễ đẩy các doanh nghiệp đến tình trạng có sàn giao dịch nhiều nhưng vẫn chưa hấp dẫn các giao dịch trong dân thực hiện qua sàn và hoạt động của nhiều sàn cũng chưa chuyên nghiệp.

Đa số các sàn giao dịch hiện nay đều do chính các công ty bất động sản tự lập và phục vụ cho chính sản phẩm của mình theo kiểu mỗi doanh nghiệp một sàn cho có, nên sản phẩm và dịch vụ đôi khi rất nghèo nàn.

Các chuyên gia Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, các sàn mới hình thành nên tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa thu hút được người dân giao dịch. Các sản mới khi ra đời được quảng bá rầm rộ nhưng cái cần nhất là cung cấp các dịch vụ tiện ích, đảm bảo, thuận lợi hơn trong giao dịch thì một số sàn lại chưa cung cấp được. Thậm chí, không ít người dân còn cảm thấy vào sàn giao dịch chưa hẳn được lợi mà chi phí môi giới lại cao hơn.

Do đó, các sàn cần phải có một quá trình đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng và nhân lực. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích giao dịch qua sàn. Nếu không sẽ có tình trạng nhiều doanh nghiệp đồng loạt mở sàn để bán sản phẩm của mình, nhưng rồi lại đồng loạt đóng sàn khi bán xong dự án.

Thiếu chuyên nghiệp sẽ rất khó tồn tại

Một trong những yếu tố để thể hiện tính chuyên nghiệp của sàn giao dịch bất động sản là noi đây phải trở thành yếu tố thúc đẩy sự minh bạch của thị trường bất động sản; chứ không đơn thuần là cung cấp dịch vụ môi giới và thu phí như hiện nay. Một ví dụ phổ biến là các ngân hàng hiện nay nhận rất nhiều thế chấp bằng bất động sản nhưng do thị trường chưa có cơ chế định giá công khai nên mỗi ngân hàng tự định giá một kiểu. Từ đó, rủi ro không chỉ đến với ngân hàng mà còn cả khách hàng trong các giao dịch.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty Vinaconex - ITC - một công ty thành viên của Vinaconex chuyên kinh doanh bất động sản, nói rằng lập sàn giao dịch thì không khó nhưng đầu tư để phát triển một sàn chuyên nghiệp thì không hề dễ. Chỉ riêng việc đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu cũng không hề đơn giản và rất tốn kém.

Theo ông Lê Đắc Sơn, thành viên sáng lập Công ty Cổ phần sàn giao dịch bất động sản Việt Nam, muốn sàn giao dịch hoạt động chuyên nghiệp phải phát triển nền tảng dữ liệu và công nghệ, từ đó xây dựng các tiện ích. Theo ông Sơn đầu tư công nghệ cho sàn bất động sản như hiện nay là không thỏa đáng khi có sàn chi bỏ ra vài trăm triệu đồng là không đủ, vì chỉ giai đoạn đầu thôi cũng cần 5-7 tỉ đồng mới đáp ứng được yêu cầu về công nghệ.

Nếu các sàn giao dịch có đủ năng lực, có sự kết nối lẫn nhau để đưa ra những dịch vụ định giá chuẩn thì ngân hàng và khách hàng đều đỡ rủi ro. Thậm chí giám đốc sàn giao dịch có thể là một chuyên gia thẩm định và là công chứng viên. Như thế việc hình thành được một cơ chế định giá minh bạch qua sàn sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của thị trường bất động sản.

Hiện Bộ Xây dựng cũng đang thí điểm xây dựng các chỉ số bất động sản trên cơ sở lấy dữ liệu từ 20 sàn giao dịch có điều kiện hoạt động tốt nhất để có thể ra đời một số tiêu chí về giá cả, mặt hàng, chủng loại... để cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, việc công bố còn rất e dè do chất lượng, tính chuyên nghiệp các sàn còn chưa cao.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG