Cuộc đua hạ giá gạch: Đại chiến “Voi - Chuột”

Cập nhật 30/10/2008 14:00

Cuộc đua tranh hạ giá bán sản phẩm gạch ngói đất sét nung chỉ trong mấy tháng qua đã dẫn đến mức suy giảm chung của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp...

Cuộc đua tranh hạ giá bán sản phẩm gạch ngói đất sét nung chỉ trong mấy tháng qua đã dẫn đến mức suy giảm chung của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp thuộc một ngành sản xuất vốn dĩ rất nhạy cảm với diễn biến thị trường.

Điều đau xót mà chính những người trong cuộc đã chỉ ra: Tình hình chung lẽ ra không quá bi đát đến vậy nếu không bị cảnh… vạ lây từ những kẻ phá bĩnh vô ý thức!

Chân dung “kẻ phá bĩnh”


Liên tục “đao” giá hòng vớt vát vốn bất chấp số tiền đó có đủ bù đắp chi phí sản xuất, chi phí tài chính hay không. Chưa kể, đấy cũng chính là những doanh nghiệp… rất có ý thức trong việc copy nhanh chóng những mẫu mã đang ăn khách của các DN cùng ngành hàng nhưng lại có giá bán mềm hơn…

Họ là kẻ phá bĩnh. Xin nói rõ thêm, giá bán mềm hơn không có nghĩa họ tổ chức sản xuất tốt hơn, chi phí nhiên - nguyên liệu làm ra thành phẩm thấp hơn mà chủ yếu do bớt xén được chi phí nghiên cứu sáng tạo mẫu mã và mạnh tay cắt giảm lợi nhuận nhằm tạo nên cái gọi là “lợi thế cạnh tranh” một cách rất đặc thù!

Hậu quả là những nhà sản xuất chân chính cũng bị cuốn vào cuộc chơi một cách miễn cưỡng. Vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó có quyền lợi chính đáng của các đại lý thân hữu, họ buộc phải nhập cuộc cạnh tranh về giá.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc TCty VIGLACERA bức xúc cho hay: “Hãy thử hình dung tình cảnh dở khóc dở cười của các đại lý. Mới đang dỡ 1 xe tải vừa ăn hàng ở nhà máy về, chỉ sau 1 cuộc điện thoại ngắn gọn, sững sờ nhận ra giá thị trường tiếp tục “đao” không phanh, họ đã lỗ ngay 5 -10 triệu đồng tại thời khắc đó”.

Ông Nguyễn Đức Truyền - Giám đốc Cty Gốm sứ Thanh Hà đồng quan điểm: “Nếu cứ lấy hàng mà lỗ vốn thì sẽ chẳng ai dám chơi với mình nữa”. Trước tình hình này, nhà sản xuất không còn cách nào khác cũng phải xử nhũn để bảo đảm quyền lợi cho đại lý. Thậm chí cho nợ tiền hàng ở mức cao.

Tất nhiên, khi một loạt các nhà cung cấp cùng chơi chiêu đó, đại lý đã tận dụng thời cơ này để tranh thủ “hô hấp” bằng vốn của người khác. Đây cũng là thời cơ để các đại lý được hưởng khuyến mãi trên diện rộng, với mức hời tới bất ngờ.

Không chỉ các đại lý cấp 1 mà các nhà phân phối cấp 2 cũng được thơm lây. Sự bất đồng giữa các nhà phân phối cũng từ đó nảy sinh. Chưa biết đại lý có thu lợi thực sự hay không khi thị trường liên tục “đao” giá, nhưng nhà sản xuất thì lãnh đủ hậu họa: Vốn bị chiếm dụng, hàng làm ra nhiều hơn nhưng tiền thu về ít hơn, sản xuất đình trệ; công cuộc gây dựng thị trường qua nhiều năm có nguy cơ đổ vỡ không cưỡng lại được, nguy cơ phá sản là có thật…

Lúc này, hoàn cảnh lại sản sinh tiếp những “kẻ phá bĩnh” nhưng ở một đẳng cấp cao hơn và có thể khẳng định ngay là nguy hiểm hơn. Đó là các đại gia, các nhà sản xuất chiếm ưu thế lớn trên thị trường. Họ không ngại ngần tuyên chiến: “Nếu ông tiếp tục ăn cắp mẫu mã của tôi và chơi bài hạ giá, tôi sẽ hạ đến mức ông không thể hạ theo được, sẽ khuyến mãi mạnh đến mức ông chỉ còn nước cho không cũng nhọc”.

Kẻ phá bĩnh cũng không vừa: “Voi sống kiểu voi, chuột sống kiểu chuột, mỗi người một võ đừng có dọa nhau”. Dĩ nhiên, nói thì vậy song ai cũng hiểu đến nước ấy “trạng chết Chúa cũng băng hà” cả thôi. Họ cùng hiểu điều cốt lõi là sức mua sụt giảm, do thị trường xây dựng đang chững lại và khó khăn xảy ra không chỉ với riêng một ngành sản xuất nào.

Đâu là thuốc chữa?


Điều quan trọng lúc này đối với tất cả các DN gốm sứ là cần một cái đầu lạnh và tỉnh táo để vượt chướng ngại vật chứ không phải nhắm mắt thiêu thân lao vào trò chơi sinh tử. Dĩ nhiên những nhà sản xuất chân chính không khoanh tay làm ngơ, không dễ dàng nhân nhượng, nhưng tình thế buộc họ và những kẻ phá bĩnh buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.

Mức giá bán tối thiểu trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí được đưa ra và khuyến cáo các nhà sản xuất nên tuân thủ, bởi nếu chơi nhau dài dài như vậy thì cầm chắc uống thuốc độc tự vẫn.

Tự khắc, ngay cả những kẻ phá bĩnh cũng buộc phải hiểu: “Hạ giá là vô nghĩa và tốt nhất nên bắt tay nhau để ông ăn cơm tôi cũng có bát cháo” rồi bước đầu chấp nhận dừng sản xuất để tập trung cho khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ghi nhận bước đầu cho thấy, những DN đàn anh rất tích cực tìm đến các giải pháp công nghệ mới nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất triệt để hơn. Tình trạng giá cả bát nháo cũng phần nào chững lại, tiếc rằng sự tích cực mới đến từ phía các nhà sản xuất lớn.

Những kẻ phá bĩnh vẫn chỉ muốn người khác… làm gương. Nói về vấn đề này, một lão làng trong nghề buôn gạch cho hay: “Khó mà ép họ lột xác và thay đổi hành xử một cách tức thì, vì vốn nhỏ, sức ép tài chính do vay nợ đầu tư quá lớn so với năng lực”. Xem ra cuộc chiến trên thị trường gạch ngói đất sét nung cần có những liều thuốc hiệu quả hơn.

Không làm ngơ, Hiệp hội gốm sứ xây dựng đã khẩn trương thu thập thông tin và phản hồi từ thị trường, tiếp tục đưa ra khuyến cáo tới các nhà sản xuất: Cùng với chấm dứt tình trạng đua tranh giảm giá, phải thực thi một số giải pháp cấp bách nhằm cứu vãn tình hình như cắt giảm dây chuyền sản xuất, phân công sản xuất hợp lý và thực thi chuyên môn hóa cao hơn, phối hợp với nhau để phân khúc thị trường, tìm biện pháp đổi mới công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất hơn nữa, chú trọng xây dựng thị trường xuất khẩu… và kiến nghị tới Chính phủ về một chính sách giá bán than nhiên liệu hợp lý…

Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ, người có nhiều kinh nghiệm thương trường trong lĩnh vực này cho rằng, đây chỉ là khó khăn có tính chất thời điểm, và thường thì sau mỗi đợt sốt lạnh, giá cả sẽ tăng trở lại...

Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc Cty CP Tân Xuyên lên tiếng cảnh tỉnh các nhà sản xuất đang tham chiến cuộc đua tranh hạ giá bán: “Nên nhớ sau lưng chúng ta là cuộc sống của hàng chục nghìn lao động. Và dù là DN tư nhân hay CP thì mức độ ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống không hề nhỏ”.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng