“Cửa” vẫn mở cho tất cả nhà đầu tư

Cập nhật 26/08/2009 14:35

Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Vũ Xuân Hồng - Ảnh: Vietnamnet.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam về Dự án.

* Thưa ông, Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ được triển khai theo Đề xuất Dự án do tư vấn Hàn Quốc hay của Nhật Bản lập?

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa giao chúng tôi lập Báo cáo Đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ trên cơ sở Đề xuất dự án do Liên danh tư vấn Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TediSouth) – Công ty Chungsuk lập. Theo đề xuất này, tuyến đường sắt cao tốc từ TP.HCM tới TP. Cần Thơ có chiều dài 150 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD (bao gồm cả chi phí xây dựng và mua sắm đoàn tàu).

* Có nghĩa là, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ chọn công nghệ đường sắt Hàn Quốc cho Dự án?

Đúng vậy. Để triển khai thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về hợp tác đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập báo cáo đầu tư Dự án với định hướng sử dụng công nghệ chủ đạo của Hàn Quốc có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

* Công nghệ đường sắt Hàn Quốc liệu có tương thích với công nghệ Nhật Bản (dự kiến sẽ được triển khai trên phần còn lại của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam)?

Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay bất kỳ tuyến đường sắt cao tốc nào khác sẽ được triển khai trên khung tiêu chuẩn do chính Việt Nam xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn công nghệ của các nước có truyền thống phát triển đường sắt cao tốc như Pháp, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc.

* Vận tốc của đoàn tàu chạy tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ là bao nhiêu, thưa ông?

Tuyến đường sắt cao tốc này chỉ chở khách, vận tốc chạy tàu là 350 km/giờ. Đây cũng là tốc độ chạy tàu của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

* Có ý kiến cho rằng, ngoài suất đầu tư cao (27 triệu USD/km), tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ rất khó cạnh tranh với đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa vì đây là 2 loại hình vận tải có nhiều thế mạnh tại Đồng bằng sông Cửu Long?

Đường sắt cao tốc sẽ không giành thị phần với vận tải thủy trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Đối tượng phục vụ chính của đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ là hành khách. Đường sắt cao tốc có ưu thế là có tốc độ nhanh, an toàn, càng đi xa càng hiệu quả kinh tế. Đó là chưa kể đến lợi thế kết nối thẳng từ trung tâm TP.HCM (ga Hòa Hưng hoặc ga Thủ Thiêm) tới trung tâm TP. Cần Thơ.

Có thể cước của đường sắt cao tốc sẽ cao hơn so với cước vận tải đường bộ, song với việc chỉ mất chưa đầy 40 phút di chuyển từ TP.HCM tới Cần Thơ, tôi tin rằng, không chỉ khách du lịch, mà nhiều người dân sẽ lựa chọn loại hình vận tải này.

* Dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ huy động vốn từ nguồn nào?

Cục Đường sắt Việt Nam đang xây dựng các phương án huy động vốn cho tuyến đường sắt này. Phía Hàn Quốc đang có ý định tài trợ vốn vay ODA và OCR cho Dự án. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Dự án sẽ được đầu tư bằng phương thức PPP.

Ngoài việc tận dụng nguồn vốn, thì kinh nghiệm quản lý, khai thác vận hành tuyến đường sắt cao tốc của các tập đoàn đường sắt nước ngoài là một yếu tố rất quan trọng để Dự án được triển khai thành công. Các doanh nghiệp đường sắt lớn của Hàn Quốc đã thành lập một tổ hợp để xúc tiến nghiên cứu, huy động vốn cho Dự án, tuy nhiên, đến thời điểm này, Cục Đường sắt Việt Nam vẫn rộng cửa cho tất cả nhà đầu tư quan tâm.

* Khi nào Dự án chính thức khởi công, thưa ông?

Cục Đường sắt Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất Báo cáo đầu tư Dự án. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, Dự án có thể khởi công vào năm 2012, dự kiến hoàn thành trong vòng 5-6 năm.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư