Cư dân được tự quyết khi xây lại chung cư

Cập nhật 19/03/2015 08:55

Khi xây lại chung cư cũ, cư dân được tự lựa chọn, giám sát chủ đầu tư, được nhận nhà mới rộng hơn mà không phải trả thêm tiền. Đó là quyền lợi của cư dân được quy định tại dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Bộ Xây dựng vừa soạn thảo.

Cư dân được bồi thường nhà ở mới có diện tích tối thiểu bằng hoặc lớn hơn diện tích căn hộ cũ bị phá dỡ.

Khi xây lại chung cư cũ, cư dân được tự lựa chọn, giám sát chủ đầu tư, được nhận nhà mới rộng hơn mà không phải trả thêm tiền. Đó là quyền lợi của cư dân được quy định tại dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Bộ Xây dựng vừa soạn thảo.

Tự chọn chủ đầu tư

Theo dự thảo, Sở Xây dựng các địa phương chủ trì điều tra, khảo sát thực trạng nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, chung cư có dấu hiệu bị hư hỏng nặng ở địa phương và tổ chức kiểm định chất lượng các công trình này. Sau khi UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cư dân ở đây có quyền lựa chọn doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn để thực hiện dự án.

“Việc người dân được tính toán, được chủ động tìm chủ đầu tư xây lại chung cư cũ là cần thiết. Điều này gắn với lợi ích của họ nên họ sẽ phải làm sao để việc xây lại chung cư nhanh nhất, có lợi nhất cho mình” - ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định.

Dự thảo cũng nêu: Trường hợp nhà chung cư hư hỏng nặng phải phá dỡ, nếu sau sáu tháng kể từ ngày UBND cấp tỉnh công bố công khai kế hoạch xây dựng lại nhà chung cư mà cư dân vẫn không lựa chọn DN BĐS làm chủ đầu tư dự án, UBND cấp tỉnh được quyền cưỡng chế phá dỡ và trực tiếp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.


Khi xây lại chung cư cũ, cư dân được tự lựa chọn, giám sát chủ đầu tư, được nhận nhà mới rộng hơn mà không phải trả thêm tiền. Ảnh minh họa: AT

Được nhận căn hộ rộng hơn

Nếu người dân có nhu cầu tái định cư tại chính nhà chung cư được xây dựng lại, việc bố trí tái định cư thực hiện như sau:

● Trường hợp cư dân và DN BĐS cùng đầu tư xây dựng lại nhà chung cư, các bên sẽ tự thỏa thuận hình thức bồi thường trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc người được bồi thường nhà ở mới có diện tích tối thiểu phải bằng hoặc lớn hơn diện tích căn hộ cũ; hoặc có thể vừa bồi thường bằng tiền, vừa bồi thường bằng diện tích nhà ở.

● Trường hợp Nhà nước phải trực tiếp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư, cư dân chỉ được bố trí tái định cư với diện tích căn hộ mới bằng diện tích căn hộ cũ mà không phải trả thêm tiền.

Tăng hệ số sử dụng đất lên gấp ba lần

Cũng theo dự thảo, căn cứ tình hình cụ thể của khu vực triển khai dự án, UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất tối thiểu gấp ba lần hệ số sử dụng đất theo quy hoạch cũ; không hạn chế chiều cao công trình nếu quy hoạch của khu vực dự án cho phép. Chủ đầu tư dự án được phép kinh doanh đối với các diện tích căn hộ còn lại sau khi thực hiện bố trí tái định cư.

“Đây là điều kiện tiên quyết. Phải nâng hệ số sử dụng đất, nghĩa là tăng số tầng, tăng diện tích sử dụng thì mới có thể xây lại chung cư cũ. Ngoài việc bố trí tái định cư cho cư dân ở đó, chủ đầu tư được bán số căn hộ dôi ra để bù vào số tiền đã bỏ ra xây lại chung cư” - ông Liêm phân tích.

Trong trường hợp DN BĐS và cư dân phối hợp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư, các bên sẽ thỏa thuận về chỗ ở tạm thời của cư dân trong thời gian xây dựng lại. Trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư thì cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án có trách nhiệm chuẩn bị quỹ nhà ở tạm cư hoặc hỗ trợ bằng tiền để các hộ dân tự lo chỗ ở trong thời gian thực hiện dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP