Công viên cây xanh: Biết cách vẫn kiếm ra tiền

Cập nhật 21/02/2010 14:30

Theo tờ trình điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 6-1-2010, hệ thống các khu công viên cây xanh, không gian mở tại TP.HCM

Không nên hiểu công viên chỉ là mảng cây xanh, không có bất cứ hoạt động vui chơi giải trí nào.

Trong số báo trước, chúng tôi đã phản ánh một số nguyên nhân khiến TP chưa thể có thêm những công viên cây xanh mới có quy mô lớn. Trong tương lai, thực tế ấy có thể tươi tắn hơn?


Hoạt động vui chơi giải trí tại Công viên Lê Văn Tám (TP.HCM). Ảnh: Linh Giang

Vẽ quy hoạch thì phải có mục đích

Theo tờ trình điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 6-1-2010, hệ thống các khu công viên cây xanh, không gian mở tại TP.HCM sẽ theo hướng:

- Bảo vệ, quản lý tốt khu dự trữ rừng ngập mặn huyện Cần Giờ (diện tích gần 75.000 ha), rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc huyện Bình Chánh (1.500 ha), Củ Chi (2.250 ha).

- Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè với diện tích 7.000 ha; dãy cây xanh dọc sông từ huyện Củ Chi đến huyện Cần Giờ...
* Phóng viên: Đến nay TP vẫn chưa thể có thêm những công viên lớn xứng tầm. Một số nơi đành phát triển mảng xanh lẻ mẻ như trồng hoa ven đường hay cụm cây xanh nhỏ trong khu dân cư. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Tuấn Anh, (Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung - Sở Quy hoạch Kiến trúc): Những công viên lớn hiện nay ở TP đều đã có từ trước năm 1975. Lúc đó dân số TP chỉ khoảng hai triệu người, còn hiện đã tăng gấp bốn lần và ai cũng có thể thấy số công viên hiện hữu không đủ phục vụ cho ngần ấy con người. Trong tương lai, TP vẫn sẽ phát triển những công viên lớn, nằm trong từng dự án cụ thể, chẳng hạn ở Củ Chi, các khu đô thị mới… chứ không phải không có.

Theo tôi, việc trồng hoa ven đường hay cụm cây xanh nhỏ trong khu dân cư là những giải pháp tốt để tăng thêm mảng xanh mà đô thị nào cũng làm. Nó vừa tạo mỹ quan, sự thông thoáng, vừa góp phần chống ngập cho TP.

* Một số dự án công viên lớn đã có chủ đầu tư như tại Khu Nam hay huyện Củ Chi. Trong khi đó, tại nhiều nơi khác, dự án công viên lại không thấy lối ra. Tại sao như vậy, thưa ông?

Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn giải thích thêm về khái niệm công viên cây xanh. Nếu hiểu công viên tuyệt đối phải là một mảng xanh lè chỉ toàn là cây xanh hoàn toàn thì không chính xác. Có loại công viên mang tính công cộng, ai cũng vào được để hưởng thụ như Công viên Gia Định, Công viên 23-9… Nhưng bên cạnh đó còn có những công viên có sự hoạt động, vui chơi giải trí, hoặc mang tính văn hóa.

Vì thế, các địa phương khi quy hoạch một khu vực làm đất công viên cây xanh phải tính cụ thể nơi đó sẽ phát triển loại hình công viên nào, phục vụ cho ai. Từ đó tìm phương án để chủ đầu tư có thể thu hồi vốn. Có như thế mới có thể kêu gọi họ tham gia dự án xây dựng công viên cây xanh được.

Làm được nhiều thứ, không chỉ trồng cây

* Như vậy có thể hiểu doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu lợi nhuận khi khai thác các dự án công viên cây xanh. Tuy nhiên, phát triển mảng xanh mà lại đầu tư vui chơi, giải trí, thương mại… thì liệu có đúng hướng?

Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta phải tính toán để các dự án công viên cây xanh có tính khả thi. Khi chưa đủ ngân sách đầu tư thì xã hội hóa một thời gian để đạt được mục đích cuối cùng là việc nên làm. Ví dụ trong vòng 20 năm tới, công viên tại nơi này nghiêng nhiều về vui chơi giải trí nhưng sau thời gian đó sẽ tập trung cho mảng xanh. Việc chuyển đổi này không khó do đa số công trình trong khu công viên không mang tính kiên cố, đồ sộ. Có như vậy thì các dự án công viên mới giảm treo và thu hút được xã hội hóa.

* Nghe ông nói thì hướng ra cho công viên cây xanh rất khả quan. Nhưng tại sao thời gian qua điều này ít diễn ra?

Muốn làm được dự án, các địa phương phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, thậm chí phải nhìn các khu vực xung quanh để tính đến địa điểm, hình thức hoạt động của công viên trước mắt và lâu dài như thế nào cho phù hợp. Sau đó cần lấy ý kiến người dân và kêu gọi đầu tư. Quan trọng là phải cho nhà đầu tư thấy họ hoàn toàn có thể kinh doanh từ loại dự án tưởng chỉ mang tính xã hội này.

Điều lưu ý là khi làm công viên cây xanh, các địa phương tùy theo đặc thù của mình mà nên định hướng phát triển các loại hình công viên khác nhau. Chẳng hạn, bạn thấy cánh đồng diều ở quận 8, nhu cầu thả diều là có thật và rất đông người đến đây giải trí, cơ quan lập quy hoạch nên chú ý. Hoặc ở Củ Chi, nhà cửa thông thoáng, đất đai rộng rãi thì nhu cầu về một công viên toàn màu xanh sẽ không phù hợp bằng một công viên mang tính văn hóa, giải trí, vui chơi. Đây không phải là một bài toán dễ, để làm được cần có sự nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc.

Xin cảm ơn ông.

Tiêu điểm

Củ Chi sẽ là đô thị sinh thái

Hiện tại huyện Củ Chi đã có một số khu cây xanh được thỏa thuận: Thảo Cầm Viên Sài Gòn (485 ha), Công viên văn hóa Đền Gia Định (100 ha), Công viên Giải trí quốc tế Song Kim (129 ha), Công viên Cây kiểng Cá cảnh xã Phú Hòa Đông (495 ha), Trung tâm nghỉ dưỡng liên hợp xã Thái Mỹ (100 ha)...

Một số công viên đã có chủ

Hiện nay, Công viên Song Kim ở Củ Chi và công viên ở Khu Nam (47 ha) đã có nhà đầu tư. Dự án công viên vui chơi giải trí ở Khu Nam được UBND TP.HCM chấp thuận tỉ lệ sử dụng đất để xây công trình thương mại-dịch vụ là 25% (khoảng 12 ha). Phần còn lại dành cho công viên vui chơi giải trí và giao thông nội bộ.

 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP