Chỉ trong vòng hai tháng, đất làng ở huyện phía Bắc Hà Nội bị thổi lên gấp 2-3 lần giá trị thực, đánh dấu mốc tăng kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Dọc đường 6 cây thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh có khoảng chục văn phòng môi giới bất động sản mọc lên tạm bợ đối diện với bên kia là cánh đồng xanh mướt. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều văn văn phòng môi giới khá vắng khách, số khác cửa đóng then cài. Lượng giao dịch chững lại, song đất làng ở huyện cách nội đô hơn 20km này dã thiết lập mặt bằng giá mới.
Anh Thế Vũ, đại diện một văn phòng môi giới tiết lộ, giao dịch đã chững lại song giá vẫn cứ tăng chóng mặt chủ yếu do đầu cơ thổi giá. Anh Vũ tiết lộ, để kiếm lời, mỗi văn phòng môi giới sẽ liên kết với khoảng 10 văn phòng khác. Các cò đất tập hợp nhau lại, đặt ra mục tiêu thu gom lượng lớn đất, càng nhanh càng tốt. Sau khi thu gom hết đất làng, các cò này sẽ tạo khan hiếm giả và bắt đầu công nghệ đẩy giá lên. "Khi thị trường khan hiếm nhất, môi giới bắt đầu dần dần xả hàng. Nguồn cung được bơm thêm, khiến nhiều người a dua, đua nhau đi mua. Nhờ vậy, giá đất không ngừng bị đẩy cao vượt giá trị thực", anh Vũ bật mí.
Anh Trường Giang, Giám đốc một văn phòng môi giới ở huyện Đông Anh cho hay, đây là thời điểm tốt để thu gom đất làng vì Đông Anh sắp lên quận. Theo vị môi giới này, chỉ trong vòng 3 năm, anh đã ôm khoảng 30 mảnh đất ở khu vực Tây Hồ và Đông Anh. Mới mua mảnh đất rộng khoảng 200 m2 với giá khoảng 10 triệu, đến 2 tháng sau, giá đất đã tăng tới 30 triệu đồng. "Đông Anh sắp mở ra 3 quận lớn là Bắc Thăng Long, Đông Kỳ và Cổ Loa nên đầu tư ở khu vực này vẫn có "cơ" lên", anh Giang nói.
Giao dịch đã chững lại, song giá đất vẫn không ngừng bị thổi lên. Ảnh: Hoàng Lan. |
Bên cạnh lực lượng môi giới chuyên nghiệp, người nông dân cũng có mánh riêng đẩy giá đất lên cao. Đất làng tại thôn Vạn Lộc, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng được người nông dân đua nhau chào giá mới. Thấy khách lạ hỏi mua đất, nhiều người trong làng đổ xô ra mời chào đon đả khiến khu làng vốn bình yên rộn rã hẳn lên.
Bác Thanh Nạnh, một người dân trong thôn cho biết, trước kia giá đất chỉ vài triệu đồng thì nay đã dao động quanh mức 15-30 triệu đồng tùy khu vực. Tất tả đi lấy số điện thoại để liên hệ với chủ đất, bác cho biết, đất phía sâu trong ngõ ngách được rao bán 15 triệu, ngõ to gần đường lớn giá cao gấp đôi. Chỉ mảnh đất cỏ tốt um cạnh ao, bác Thanh Nạnh cho hay, miếng đất này được chào 30 triệu đồng mỗi m2. Sau một hồi gọi điện thoại, bác thông báo, người chủ không muốn bán, và hẹn hai hôm nữa quay lại. Theo bác, phải mua nhanh vì đất Đông Anh sắp tới sẽ chẳng còn mà mua.
Đế lời của bác, một người phụ nữ khác cho hay, thôn Cầu Cả phía trong làng đất rẻ hơn cũng lên tới chục triệu đồng còn thôn Vạn Lộc gần quốc lộ 3 nên giá cả đắt đỏ hơn. Người này minh chứng, đất ao, giá "bèo" nhất cũng lên tới 7 triệu đồng. Riêng miếng đất thổ cư cạnh ngôi mộ có giá "nhẹ nhàng" hơn, khoảng 15 triệu đồng mỗi m2. Theo người phụ nữ này, Đông Anh sẽ trở thành… trung tâm hành chính quốc gia nên giá đất sẽ không ngừng tăng cao.
Cứ như vậy, kẻ tung người hứng, những người trong thôn thi nhau đẩy giá đất lên. Trong khi đó, theo quy hoạch chung, trung tâm hành chính quốc gia dự kiến được đặt ở
Ba Vì.
Một người dân trong thôn cho hay, kể từ khi khởi công cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối quận Tây Hồ với Đông Anh, nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. Đất quanh cầu Nhật Tân giá tăng chóng mặt, từ 20 đến 60 triệu đồng tùy vị trí. Đất Kim Chung cũng lên tới trên 30 triệu đồng, Vĩnh Ngọc từ 17 triệu đồng cũng lên tới 60 triệu đồng. Các hộ nông dân nào có đất thì bán, người không có đất sẵn sàng làm môi giới để hưởng chênh lệch.
Cách đây khoảng 2 tháng, đã có nhiều nhà bán đất với giá 10 triệu đồng. Bởi vậy, nhiều hộ nông dân lấy mốc đó để định giá đất trong làng. "Mặc dù lượng khách hàng hỏi mua đã giảm đi nhiều so với tháng trước, nhưng giá đất vẫn hét ở mức cao. Nông dân thi nhau làm "cò", vì mỗi lần mách thành công, cũng được chủ trả cho vài triệu đồng", một người dân nói.
Đất thôn Vạn Lộc giá dao động quanh mức 15-30 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Lan. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó phòng Quản lý Đô thị huyện Đông Anh cho hay, đây là thời điểm đất Đông Anh tăng cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân cơ bản là Đông Anh đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Từ trung tâm thành phố lên đến Đông Anh sẽ hình thành 3 cây cầu mới là cầu Nhật Tân, Đông Trù đang thi công và Tứ Liên dự kiến sẽ triển khai vào năm 2012. Khi ba cây cầu được hoàn thành, từ Đông Anh vào trung tâm thành phố chỉ mất khoảng 10 phút. Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết, Đông Anh đang có một số khu đô thị đã được phê duyệt như Nam Hồng, Kim Chung..."Cơ sở hạ tầng thuận lợi khiến người dân các tỉnh đặc biệt là nội thành Hà Nội đổ về Đông Anh mua đất. Cầu nhiều trong khi nguồn cung có hạn dẫn đến giá đất bị đẩy lên", ông Nam nói.
Theo ông Nam, Đông Anh hiện có 22 xã, thị trấn. Giá đất đang tăng theo dạng lan truyền từ các xã. Hồi cuối năm 2009, giá đất tăng chậm, tuy nhiên trong mấy tháng trở lại đây lên gấp 2-3 lần. Khu Xuân Canh, Vĩnh Ngọc dao động trung bình từ 25-40 triệu đồng. Một số xã lân cận cũng lên tới 15-20 triệu đồng mỗi m2.
Ngoài cơ sở hạ tầng làm Đông Anh thiết lập mặt bằng giá mới, ông Nam cho rằng cũng phải kể đến một bộ phần cò đất và giới đầu cơ thổi lên. Ông Nam dẫn chứng, ở xã Xuân Canh có trường hợp xuất hiện đại gia gom đến 10 miếng đất làng khiến giá đất không ngừng tăng cao. "Thị trường phát triển đến một mức nào đó khi quá nóng sẽ nảy sinh bong bóng và buộc phải điều phối lại. Người mua nếu thấy đất tăng chóng mặt cần phải tính táo", ông Nam nói.
Về tin đồn Đông Anh sắp lên quận, ông Nam cho biết, huyện đã đề xuất xin chia tách thành 3 quận từ trước khi sáp nhập Hà Tây cũ nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định từ phía UBND TP Hà Nội. "Tên của quận còn chưa được đặt và UBND TP Hà Nội cũng chưa có quyết định chính thức nào về đề xuất của huyện", ông Nam khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress