“Còng lưng” tìm bạn share tiền phòng

Cập nhật 08/10/2009 11:10

Đinh ninh ngày một ngày hai sẽ tìm được bạn đến để “cưa” tiền nhà ai, Hương thuê ngay phòng trọ mà cô rất ưng ý với giá 1,6 triệu đồng. Nhưng rồi, không tìm được người đến ở...

Lên mạng tìm bạn ở ghép. Ảnh: HN.

Đinh ninh ngày một ngày hai sẽ tìm được bạn đến để “cưa” tiền nhà ai, Hương thuê ngay phòng trọ mà cô rất ưng ý với giá 1,6 triệu đồng. Nhưng rồi, không tìm được người đến ở, hai tháng liền Hương phải nhịn ăn, nhịn tiêu để “gánh” tiền phòng.

Xu hướng ở ghép

Trên nhiều trang rao vặt về nhà đất, thông tin đăng tải cần người ở ghép có khi còn “áp đảo” nhu cầu tìm phòng trọ. Lý do cần người ở ghép phần lớn là vì giá thuê phòng trọ cao, chẳng mấy ai có thể một mình kham nổi nên phải tìm người share tiền phòng.

Chủ nhà lấy lại phòng, nhưng Nguyệt, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM không đến ở cùng phòng với mấy cô bạn trong lớp vì ngại bạn bè sống chung khi mâu thuẫn rất dễ nghỉ chơi với nhau. Nguyệt tính sẽ tự đi tìm phòng, sau đó sẽ lên mạng đăng tin cần người đến ở ghép: “Phòng trọ trong này phần lớn là ở chung với chủ, giá thuê ít nhất cũng phải trên 1,2 chưa điện nước, mắc lắm. Phòng tầm giá này em cũng phải tìm hai người nữa đến ở cùng mới chịu được nhiệt”.

Với trợ cấp từ gia đình 1,3 triệu đồng mỗi tháng, gắng lắm Nhiên, ĐH Thủy lợi cơ sở 2 cũng chỉ có thể chi 400.000 đồng tiền phòng. Cách duy nhất để Nhiên “chống chọi” được với số tiền này là xin ở ghép. “Trước đây bọn em học ở cơ sở Bình Dương, phòng trọ chỉ 300.000 đồng có thể thuê để ở một mình. Giờ chuyển lên thành phố học, cái gì cũng đắt đỏ hơn”. Thế nên Nhiên phải chấp nhận vào ở cùng với 4 bạn nữa trong một phòng trọ khoảng 15m2.

Nếu đã có bạn bè hoặc người quen thì chỉ việc “ới” một tiếng là việc ở ghép xem như xong. Nhưng phần đông việc ở ghép, nhất là ghép đông người thì phải tìm người lạ đến ở. Nhu cầu ở ghép share tiền phòng phần lớn được đăng tải trên mạng với các thông tin như địa chỉ, diện tích, giá phòng và số điện thoại, email để liên lạc.

“Còng lưng”… chờ người

Người đã thuê được phòng thì đang cần người đến ở cùng. Người đang tìm phòng thì cần chỗ ở, có người tìm phòng sẵn thì còn gì bằng. Cung cầu “đụng” nhau, cứ tưởng mọi việc sẽ rất nhanh chóng, dễ dàng. Thế nhưng có rơi vào hoàn cảnh cần người ở ghép mới biết cũng rất lắm nhiêu khê. Phòng trọ đã thuê nhưng không tìm nổi người ở ghép, nhiều bạn kêu trời khi phải một mình gánh tiền phòng.

Đang lúc gấp gáp tìm phòng, Hương, ĐH KHXH&NV Hà Nội “chấm” ngay một căn phòng rất ưng ý ở khu vực phường Tân Phú, quận 7 với giá 1,6 triệu. Ngay hôm sau, Hương đăng ngay thông tin cần bạn nữ ở ghép share tiền phòng. Cô đinh ninh mình thuê được phòng, chỉ cần vài ba hôm sẽ tìm được người đến ở. Nhưng rồi, người gọi điện đến nhiều, người đến xem cũng có nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Có hôm, Hương còn phải nghỉ học vì có người hẹn đến xem phòng nhưng rồi “tuyển” mãi vẫn không nổi. Chuyển đi không được vì Hương đã thanh toán tiền phòng từ trước. Thế là một một mình phải gánh tiền phòng trong hai tháng trời chờ tìm người đến ở.

Nghĩ lại Hương vẫn ớn người: “Mỗi tháng em được bố mẹ gửi cho 1,5 triệu mà phải trả tiền nhà 1,6 triệu. Nhịn ăn nhịn ăn nhịn mặc đã đành, em còn phải vay mượn bạn bè. Vào cuộc mới biết nhiều vấn đề lắm, cũng nhiều bạn đến xem nhưng có người mình cảm giác không hợp, người thấy dễ mến chút thì người ta lại chê phòng, có bạn đi xe máy lại không có chỗ để xe”.

Nguyễn Thị Thủy, ĐH Kinh tế và cô bạn cùng quê cũng “tứa mồ hôi” trong thời gian tìm bạn đến ở căn hộ nhỏ ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Giá nhà 2 triệu đồng, hai cô nghĩ chẳng lâu sẽ tìm được người đến ở. Riêng việc nghe điện thoại, “trực” để mọi người đến xem phòng đủ làm hai cô đủ mệt mỏi.

Thủy nói: “Có bạn đến xem, ưng ý bắt mình hứa phải giữ chỗ vì tuần sau sẽ chuyển đến ở. Ai gọi điện mình phải nói đã hết chỗ thế mà mười ngày sau không thấy bạn ấy đến. Gọi đến lại thì bạn ấy tỉnh: “Tớ tìm được phòng khác rồi”. Sau đó bọn em phải in tờ rơi, dán khắp nơi cũng gần ba tháng sau mới tìm được người thích hợp đến ở”.

Chuyện nhà cửa là thế, rồi họ còn phải “đối đầu” với những vô công rồi nghề biết được nắm được số điện thoại thì bày trò quấy rối. Có hôm, điện thoại Thủy và cô bạn cùng phòng vẫn đổ chuông, rồi tiếng con trai nhí nhéo: “Anh đến ở cùng được không cưng?”.

Rắc rối là thế nhưng ở ghép vẫn là xu thế chung khi những bạn thuê trọ cần giảm nhẹ tiền phòng. Bởi thế nếu bạn đi tìm phòng một mình và có ý định chờ người ở ghép phải luôn sẵn sàng tình thần không tìm được bạn. Như Hương chia sẻ: ““Đôi lúc phòng trọ thích hợp với mình chưa hẳn đã thích hợp với người khác, thế nên nhu cầu tìm chỗ ở cao nhưng chưa hẳn đã tìm nổi người đến ở cùng. Thế nên, nếu đi tìm phòng cũng cố tìm phòng giá thấp, có phải "gánh" trong thời gian chờ đợi cũng cũng đỡ phần nào”.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí