Công khai thông tin về bất động sản (BĐS) đưa vào kinh doanh là điều đã được quy định trong Luật Kinh doanh BĐS năm 2006. Mặc dù vậy, đến nay thị trường BĐS vẫn thiếu minh bạch. Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) liệu có đủ mạnh để cải thiện tình hình?
Luật Kinh doanh BĐS hiện hành được thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007. Thời điểm đó, vấn đề công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh đã được quy định tại Điều 11 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh.
2. Thông tin về bất động sản được công khai tại sàn giao dịch bất động sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Nội dung thông tin về bất động sản bao gồm:
a) Loại bất động sản;
b) Vị trí bất động sản;
c) Thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản;
d) Quy mô, diện tích của bất động sản;
đ) Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản;
e) Thực trạng các công trình hạ tầng, các dịch vụ về kỹ thuật và xã hội có liên quan đến bất động sản;
g) Tình trạng pháp lý của bất động sản bao gồm hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản và giấy tờ có liên quan đến việc tạo lập bất động sản; lịch sử về sở hữu, sử dụng bất động sản;
h) Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có);
i) Giá bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản;
k) Quyền và lợi ích của người thứ ba có liên quan;
l) Các thông tin khác.”
Công khai thông tin bất động sản: Dễ hay khó?
|
Quy định đã có, nhưng sau hơn 7 năm từ ngày Luật có hiệu lực, vấn đề công khai, minh bạch thông tin thị trường BĐS vẫn còn nhiều bất cập. Luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc điều hành Công ty luật Hợp danh Luật Việt, chia sẻ, thủ tục công khai thông tin bất động sản đã được hướng dẫn thực hiện cụ thể tại Thông tư số 13/2008/TT-BXD. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuân thủ quy định này vẫn còn nhiều điểm hạn chế và chưa được thực hiện nghiêm túc. Xuất phát từ nguyên nhân chính là quy định này chưa đi sát với thực tế; đồng thời cơ chế quản lý còn quá lỏng lẻo đối với một thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển theo tính tự phát, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này dẫn đến tình trạng đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản làm cho thị trường "nóng, lạnh" thất thường, nhiều "cơn sốt" giá nhà đất xảy ra trong một số năm gần đây.
Theo Luật sư Trần Quang Thái, Trưởng Văn phòng Luật sư Quang Thái, thị trường thiếu minh bạch kéo theo một số chủ đầu tư “chụp giật” đưa vào kinh doanh các loại BĐS chưa đủ điều kiện, thậm chí một căn hộ bán cho nhiều người...Hướng dẫn thực hiện là một chuyện, nhưng việc giám sát thực hiện phải thường xuyên, chế tài xử lý vi phạm phải đủ sức răn đe mới có thể đảm bảo quy định đi vào thực tế.
Điểm mới trong dự thảo (lần 5) Luật Kinh doanh BĐS về công khai thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh là việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 11 cũ. Theo đó, “Thông tin về bất động sản được công khai tại dự án bất động sản, trụ sở làm việc và Trang tin điện tử (Website) của chủ đầu tư. Trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản thì còn phải công khai tại sàn giao dịch bất động sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.” Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường, cho rằng, bên cạnh việc giám sát các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng nên có website công bố thông tin để hỗ trợ người dân. Điều này giúp người dân có nguồn thông tin đáng tin cậy, tránh bị lừa bởi những doanh nghiệp mất uy tín.
Theo Luật sư Trần Duy Cảnh, ngoài việc quy định công khai, minh bạch, cần nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của việc minh bạch hoá thị trường bất động sản đến tất cả các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường sự phối hợp, nâng cao chất lượng các loại quy hoạch có sử dụng đất, hoàn chỉnh hệ thống chính sách điều tiết thị trường BĐS bằng công cụ tài chính thông qua các luật thuế về đất đai và BĐS để thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet