Cộng đồng giám sát việc mua bán

Cập nhật 23/11/2009 09:10

Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 18-11-2009 đăng bài “Chấm điểm người nghèo để bán nhà”, dư luận rất quan tâm. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Quản lý nhà...

Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 18-11-2009 đăng bài “Chấm điểm người nghèo để bán nhà”, dư luận rất quan tâm. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ông Hà cho biết:

Chung cư Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM) dành cho người thu nhập thấp - Ảnh: Chí Quốc


Thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay cung ít hơn cầu. Với tinh thần ai khó khăn nhất thì được ưu tiên, Bộ Xây dựng đã xây dựng bảng điểm. Việc chấm điểm này rất hữu ích là tìm ra được đối tượng khó khăn nhất để hỗ trợ trước, ai khó khăn ít hơn thì ưu tiên tiếp sau.

Gọi “chấm điểm” cũng hơi nặng nề, thật ra đây phải hiểu là việc bình xét có định lượng cho khách quan. Việc bình xét này được triển khai từ đơn vị công tác, đơn vị tổ dân phố trở lên và có xác nhận của lãnh đạo đơn vị công tác hoặc UBND phường xã.

Việc xây dựng thang điểm này, theo tôi, là công bằng, khách quan do bộ đã tham khảo, nghiên cứu ở nhiều nước, đồng thời kết hợp với ý kiến của các chuyên gia về bất động sản, các ban ngành và các địa phương.
 

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: Đ.H.L.

* Như ông nói, nhà ở cho người thu nhập thấp cung ít hơn cầu. Như vậy liệu sẽ xảy ra chuyện “xin - cho”? Bộ Xây dựng có tính đến tình trạng này và giải quyết như thế nào?

Như thông tư của bộ đã nêu, việc mua nhà ở thu nhập thấp chỉ có hai nơi được xác nhận đơn là cơ quan nơi cá nhân công tác và UBND phường xã nơi người lao động tự do có thu nhập thấp cư ngụ.

Hai cơ quan này phải có trách nhiệm phục vụ người dân, không được “hành” dân vì căn cứ theo nhu cầu, thực tế hiện tại của hộ gia đình và ký xác nhận chứ không ai phải xin ai, cho ai cái gì.

Trong việc xác nhận này cũng quy định rõ: ai là người ký xác nhận và xác nhận sai sẽ xử lý hành chính, thậm chí có thể truy tố hình sự, có chế tài rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bảo hạn chế 100% tiêu cực thì rất khó cho nên phải tăng cường giám sát và hậu kiểm.

* Thông tư nêu giao việc hậu kiểm cho sở xây dựng và chủ đầu tư dự án được giao trách nhiệm nhận đơn và chấm điểm liệu có khách quan?

Theo quy định, sở xây dựng được giao quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn và giám sát các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến việc mua bán nhà ở thu nhập thấp. Còn chuyện giám sát là chuyện của cả cộng đồng xã hội, ví dụ đoàn thể, thanh tra, báo chí…, chứ một mình sở xây dựng không thể giám sát hết được. Các tổ chức xã hội đều có chức năng giám sát trong việc mua bán nhà ở cho người thu nhập thấp.

Việc chủ đầu tư dự án được giao trách nhiệm nhận đơn và chấm điểm, chúng ta phải tin tưởng vì họ làm ra hàng hóa thì phải biết mình bán cho ai, có đúng đối tượng không. Theo tôi, quy định như vậy là khách quan. Tuy nhiên, nếu bảo không có chuyện tiêu cực thì cũng khó.

* Thưa ông, bộ có lường trước nếu người mua đông và xảy ra tình trạng chen lấn thì giải quyết thế nào?

Để ngăn chặn việc hỗn loạn trong mua bán, thông tư cũng quy định người lao động có hộ khẩu thường trú ở đâu thì được thuê mua và mua nhà ở địa phương đó. Do vậy, người lao động có thu nhập thấp ở quận Tân Bình không thể sang quận Gò Vấp để thuê mua và mua nhà ở thu nhập thấp...

Đơn xin mua nhà thu nhập thấp chỉ được xét cấp một lần và do cơ quan, chính quyền địa phương xác nhận. Ngoài ra trong đơn cũng nêu rõ số người trong hộ gia đình, chứ không thể có chuyện mỗi người trong nhà có một đơn xin mua. Nếu ai bị phát hiện gian dối, sở xây dựng sẽ thu lại nhà và phạt hành chính.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO