Còn nhiều bất cập

Cập nhật 02/04/2013 08:28

Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua có nhiều vấn đề đáng bàn. Mặc dù thành phố phân cấp cho các quận, huyện được phép lập, thẩm định quy hoạch, nhưng do còn thiếu các quy hoạch phân khu, cho nên các quận, huyện chưa thể chủ động phát huy việc này. Tại các khu vực đã có quy hoạch phân khu, trong quá trình triển khai xây dựng, quy hoạch liên tục bị điều chỉnh dẫn đến dự án chậm thực hiện, gây bức xúc trong dư luận. tăng tính chủ động cho quận, huyện

Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua có nhiều vấn đề đáng bàn. Mặc dù thành phố phân cấp cho các quận, huyện được phép lập, thẩm định quy hoạch, nhưng do còn thiếu các quy hoạch phân khu, cho nên các quận, huyện chưa thể chủ động phát huy việc này. Tại các khu vực đã có quy hoạch phân khu, trong quá trình triển khai xây dựng, quy hoạch liên tục bị điều chỉnh dẫn đến dự án chậm thực hiện, gây bức xúc trong dư luận. tăng tính chủ động cho quận, huyện

Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội)

Để tăng sự chủ động của các địa phương trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 48/2006 phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, ban hành một số quyết định khác phân cấp thẩm quyền cho UBND chín quận nội thành và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Nhưng thực tế là các địa phương vẫn lâm vào tình trạng bị động, vướng vào cơ chế "xin - cho".

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Nguyễn Đắc Tuyến cho biết, giai đoạn 2008-2012, theo thẩm quyền được phân cấp, quận đã lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) ba điểm dân cư đô thị tại các phường Yên Hòa, Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu. Ngoài ra, phê duyệt tổng mặt bằng, phương án kiến trúc 58 dự án, công trình riêng lẻ. Tuy nhiên do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chưa phê duyệt bản đồ phân vùng, phân cấp quy hoạch, cho nên với dự án nào, quận cũng phải "xin" Sở phê duyệt khung phạm vi ranh giới. Vướng mắc này đã góp phần làm chậm quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thừa nhận, hiện trên địa bàn toàn thành phố mới có hai quận Thanh Xuân, Tây Hồ và một phần quận Đống Đa có bản đồ phân cấp. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị thay đổi, bổ sung liên tục, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai xây dựng quy định phân cấp. Sở sẽ khẩn trương tiến hành sớm phê duyệt bản đồ phân vùng, phân cấp quy hoạch để UBND quận làm cơ sở chủ động thực hiện.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt nhận định, "giao nhiệm vụ phải gắn với thẩm quyền", cần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền quận, huyện trong việc lập, thẩm định quy hoạch. Sở Quy hoạch - Kiến trúc ngoài việc hoàn thiện bản đồ phân cấp cũng cần cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ liên quan để các địa phương thực hiện nhiệm vụ đã phân cấp. Ngược lại, chính quyền các quận, huyện cũng phải chủ động trong phần việc, trách nhiệm của địa phương; phối hợp giám sát công tác quy hoạch, xây dựng các công trình cấp thành phố, cấp quốc gia trên địa bàn mình...

Hạn chế điều chỉnh quy hoạch

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại mới chỉ có 10/31 quy hoạch phân khu được UBND thành phố phê duyệt. Các quy hoạch còn lại đều trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, mật độ điều chỉnh các quy hoạch khá dày... Nhắc đến việc dự án chậm do quy hoạch liên tục điều chỉnh có thể kể đến dự án khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Đây là dự án Khu đô thị tái định cư tập trung đầu tiên của thành phố, quy mô lớn (56,4 ha). Quy hoạch chi tiết được UBND thành phố phê duyệt cuối năm 2001. Nhưng đến nay, dự án này đã có tám lần điều chỉnh, trong số các nội dung điều chỉnh, có không ít nội dung quan trọng như: mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất...

Làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) về tình hình quản lý và thực hiện quy hoạch tại Khu đô thị Nam Trung Yên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt cho rằng, việc điều chỉnh một số dự án là cần thiết, tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch quá nhiều sẽ khiến dự án chậm triển khai, chậm đáp ứng nhu cầu xã hội, dẫn đến những bức xúc trong nhân dân. Đồng ý với nhận định này, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh đề xuất, thành phố nên có những quy định cụ thể, chặt chẽ, thống nhất để hạn chế cao nhất hoặc không điều chỉnh quy hoạch cục bộ dẫn đến nhiều bất cập, như việc có thể tăng dân số tại các khu đô thị mới đã được phê duyệt thông qua việc tăng số tầng hoặc diện tích xây dựng.

Giám đốc Ban quản lý dự án Khu đô thị Nam Trung Yên cho biết thêm, sau nhiều năm xây dựng, đến nay dự án khu tái định cư này chưa hoàn thiện, ngoài nguyên nhân là do việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, còn do có quá nhiều nhà đầu tư phụ trách thi công nhiều hạng mục đơn lẻ dẫn đến việc thống nhất, khớp nối đồng bộ không nhanh. Còn có tình trạng hạng mục này phải chờ đợi hạng mục khác triển khai. Cụ thể, phần giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu do Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; phần nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu giai đoạn 1 do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư; trong khi các công trình dịch vụ thương mại và các công trình xã hội hóa do các chủ đầu tư khác tổ chức thực hiện. Hiện tại, một số hạng mục thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật vẫn đang trong quá trình thực hiện. Một số công trình dịch vụ, công cộng và xã hội hóa chưa triển khai xây dựng. Do đó, quá trình bàn giao cho các cơ quan chuyên ngành thực hiện quản lý, vận hành tổng thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị gặp nhiều vướng mắc. Vấn đề khớp nối giữa các hạng mục trong khu đô thị và giữa khu đô thị mới với khu dân cư còn chậm, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước...

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho biết, tình trạng chồng chéo, chia nhỏ quản lý, điều chỉnh quy hoạch còn diễn ra tại nhiều dự án khác trên địa bàn. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, duy trì hệ thống hạ tầng. Quận đang phải tìm cách tháo gỡ bằng biện pháp lập quy hoạch tổng thể. Do vậy, quận đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc khi điều chỉnh các khu đô thị mới phải nghiên cứu tổng thể để điều chỉnh tăng diện tích, quy mô phù hợp với quy mô dân số, đồng thời, bổ sung các hạng mục hạ tầng xã hội như khu vui chơi, công viên, cây xanh, trường học..., để giảm bớt áp lực do quá tải dân số gây nên trên địa bàn.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân