Theo Nghị định 84 của Chính phủ, đến ngày 1.1.2008, những giấy tờ nhà, đất hợp lệ cấp theo các quy định trước đây...
Theo Nghị định 84 của Chính phủ, đến ngày 1.1.2008, những giấy tờ nhà, đất hợp lệ cấp theo các quy định trước đây (nói gọn là “giấy trắng”) sẽ hết hiệu lực giao dịch. Nhiều người dân đang đứng ngồi không yên vì hạn định này đang gần kề mà “giấy hồng” thì chờ hoài không thấy.
Không đơn giản là đổi màu giấy
Ước tính quận Bình Thạnh có hơn 15.000 căn nhà có “giấy trắng”. Cuối năm 2006, quận này đã một phen quá tải khi những nhà có “giấy trắng” ồ ạt đi làm “giấy đỏ” để được giao dịch theo quy định cũ.
Từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều người dân đã tranh thủ đi làm “giấy hồng” trước “giờ G” khiến lượng hồ sơ nhận vào tăng nhẹ. Mỗi ngày, trong hơn 70 hồ sơ xin cấp “giấy hồng” mà quận này nhận vào có hơn 50% hồ sơ có “giấy trắng”. Đa số rơi vào những trường hợp đang thế chấp nhà, đất tại ngân hàng và vì sợ “ôm” phải miếng giấy lộn, các ngân hàng đã mạnh dạn giao “giấy trắng” cho người dân đi đổi giấy.
Để hạn chế rủi ro, các ngân hàng nhờ UBND quận cho biết ngày giao “giấy hồng”, rồi cùng chủ nhà đi nhận bản chính. Cũng có những trường hợp ngân hàng cử nhân viên đi làm “giấy hồng” với yêu cầu người dân hoàn lại các chi phí phát sinh.
Tại quận Tân Phú, thời gian cấp “giấy hồng” cho những nhà có “giấy trắng” chỉ mất từ năm đến bảy ngày. Song nhiều nơi khác lại không làm được vậy.
Theo Quyết định 54, những nhà đã có “giấy trắng” nay phải làm thủ tục cấp mới chứ không đơn thuần là đổi màu giấy. Bà Trần Thị Tâm, Tổ trưởng tổ Dịch vụ hành chính công quận 11, giải thích: Phần lớn những nhà có “giấy trắng” trên địa bàn quận này đều có thay đổi về diện tích so với hiện trạng.
Nhiều nhà tách thửa, nhập thửa, mua bán qua nhiều đời chủ nên hiện trạng không còn y như trong “giấy trắng”. Vì vậy, quy trình cấp “giấy hồng” cho những loại nhà này không thể đơn giản và rất khó làm nhanh.
Tại quận Gò Vấp, nhà có “giấy trắng” cũng chung số phận với các loại nhà khác với thời hạn giải quyết là 80 ngày làm việc. Quận Bình Thạnh cũng đang “đau đầu” vì hồ sơ quá tải và tồn đọng nhiều, trong đó có rất nhiều hồ sơ có “giấy trắng”. Một cán bộ quận này phân trần: “Chúng tôi không thể gạt gần 5.000 hồ sơ đang tồn đọng tại quận để giải quyết nhanh những hồ sơ có “giấy trắng””.
“Giấy trắng” sẽ sống lâu hơn?
Hiện tại, TP. HCM còn trên 80.000 căn nhà có “giấy trắng”, chưa kịp làm “giấy hồng”. Trong số đó, có hơn 20.000 “giấy trắng” đang được thế chấp tại các ngân hàng. Nếu các quận, huyện chưa kịp làm “giấy hồng” thì sau ngày 1.1.2008, chắc chắn người dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn giao dịch.
Trong cuộc họp giao ban công tác cấp “giấy hồng” tại Sở Xây dựng gần đây, nhiều quận, huyện kiến nghị nên gia hạn thêm thời hạn được phép giao dịch của “giấy trắng”. Do đây cũng là một loại giấy chứng nhận do nhà nước ta cấp theo các quy định trước đây nên nay cần khuyến khích người dân làm giấy mới chứ không được áp đặt. Lại nữa, nếu hơn 80.000 căn nhà đồng loạt làm giấy mới thì các quận, huyện không tài nào giải quyết kịp cho dân.
Theo nhiều phòng công chứng, số lượng “giấy trắng” chiếm khoảng 30% tổng số giao dịch nhà, đất tại đây. Nhiều công chứng viên lo ngại nếu thực hiện theo đúng Nghị định 84, tức không công chứng giao dịch nhà đất có “giấy trắng” vào đầu năm 2008, các giao dịch loại này sẽ bị ách tắc.
Bấy giờ, không loại trừ người dân sẽ giao dịch giấy tay, gây ra nhiều tác hại đáng tiếc cho cả người dân lẫn chính quyền.
Ông Bùi Ngọc Tuân, Vụ phó Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Theo tinh thần của Nghị quyết 07 năm 2007 của Quốc hội, “giấy trắng” có thể được gia hạn đến hết năm 2010. Hiện tại, bộ này đang dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có nội dung gia hạn nói trên để Chính phủ có thể ban hành vào tháng 1 - 2008.
Theo Pháp Luật TP.HCM