Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn loại trừ một số đối tượng vay liên quan đến bất động sản ra khỏi dư nợ cho vay phi sản xuất. Đây là thông tin mà thị trường bất động đang chờ đợi.
Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là “liều thuốc tinh thần” và thật sự vẫn chưa tác động nhiều đến bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cần tháo gỡ hơn nữa đối với người vay, đặc biệt là người thu nhập thấp, người thật sự có nhu cầu về nhà ở |
Liều thuốc tinh thần
Trong công văn trên, Ngân hàng Nhà nước đã loại trừ bốn nhóm đối tượng bất động sản ra khỏi diện phi sản xuất, tức được vay vốn từ ngân hàng, thay vì thuộc diện “cấm” như trước đây. Bốn nhóm đối tượng này tập trung vào nhóm có thu nhập thấp như sửa chữa, mua nhà để ở trả nợ bằng lương... Ngoài ra nhóm đầu tư kinh doanh bất động sản gồm xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp, dự án hoàn thiện trước 1/12/2012 cũng được ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất.
Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn mở rộng người được vay là người thu nhập ổn định từ lương hàng tháng nhưng thuộc diện thu nhập thấp.
Tuy nhiên giải pháp trên chỉ tháo được một trong số nhiều “rào chắn” trong việc vay vốn làm dự án, mua nhà ở vì với lãi suất trên 20%/năm như hiện nay là quá cao. Nếu doanh nghiệp hoặc người dân có vay được tiền chưa chắc đã cầm cự được trong thời gian dài, nhất là với những người thu nhập thấp, bởi chỉ cần lãi suất 20%/năm thì trong vòng 5 năm, người vay coi như đã mất vốn. Trong khi để vay mua nhà ở, người vay cần nhiều thời gian, khoảng 10-15 năm, thậm chí nhiều hơn với người thu nhập thấp. Với mức lương của người thu nhập thấp hiện nay, ai dám vay mức lãi suất trên để mua nhà ở?
Còn với các dự án, thị trường bất động sản đang ảm đạm, bung hàng ra thời điểm này bán hàng rất chậm, dù giá hạ đến mức bán tháo. Hàng bán không được, trong khi phải gánh lãi suất cao, doanh nghiệp nào dám vay vốn để làm dự án rồi ôm hàng? Chưa kể qui định chỉ cho vay đối với dự án hoàn thành trước ngày 1/1/2012 và những dự án như vậy không nhiều.
Vì thế theo nhận định của các chuyên gia, động thái trên chỉ là giải pháp về tâm lý, nhằm tác động phần nào thị trường trong lúc khó khăn.
Tháo gỡ hơn cho người vay
Nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tháo gỡ hơn nữa đối với người vay, đặc biệt là người thu nhập thấp, người thật sự có nhu cầu về nhà ở vì đối tượng này rất lớn. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước nên có mức lãi suất hợp lý cho các đối tượng này thông qua việc vay vốn của các ngân hàng chính sách xã hội, hoặc có chính sách hỗ trợ lãi suất vay từ phía Nhà nước.
Ước tính cả nước hiện còn hàng chục triệu người thu nhập thấp có nhu cầu về chỗ ở, hoặc muốn chuyển đổi chỗ ở tốt hơn để ổn định cuộc sống. Khi lãi suất vay hợp lý, người thu nhập thấp mua nhà sẽ góp phần hâm nóng thị trường bất động sản. Và chính những khách hàng này sẽ tháo gỡ hướng ra cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển ổn định thị trường bất động sản.
Mặt khác, khi thị trường nhà thu nhập thấp có hướng ra, các nhà đầu tư sẽ tập trung làm dự án thuộc phân khúc này và thị trường nhà thu nhập thấp sẽ phong phú hơn, khách hàng có nhiều sự chọn lựa hơn thay vì chỉ tập trung cho phân khúc nhà ở cao cấp như hiện nay. Khi giao dịch nhiều hơn, Nhà nước sẽ thu thuế chuyển nhượng nhiều hơn và một phần thuế có thể đầu tư lại cho nhà ở thu nhập thấp.
N.Khánh - DiaOcOnline.vn