Có thiếu nhà tái định cư cho giải phóng mặt bằng

Cập nhật 21/04/2009 08:50

10 nội dung chất vấn tại phiên giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND TP đối với UBND TP và các sở, ngành liên quan ngày hôm nay 21/4 đều là những vấn đề nóng được cử tri, nhân dân và đại biểu...

10 nội dung chất vấn tại phiên giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND TP đối với UBND TP và các sở, ngành liên quan ngày hôm nay 21/4 đều là những vấn đề nóng được cử tri, nhân dân và đại biểu HĐND rất quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề dân sinh, trong đó việc quản lý quỹ nhà tái định cư (TĐC) được xem là "nóng" khi hầu như chủ đầu tư các dự án nào cũng đều kêu thiếu nhà tái định cư nên GPMB chậm.

Hơn 1.700 căn hộ tái định cưcòn bỏ trống

Theo Sở Xây dựng, để chủ động chuẩn bị quỹ nhà ở, đất ở TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), từ năm 2000 đến nay, Hà Nội đã triển khai tới 80 dự án xây nhà TĐC, những dự án này một phần do TP đầu tư trực tiếp, một phần theo phương thức đặt hàng mua bằng vốn ngân sách.

Cụ thể, nhà TĐC do các doanh nghiệp hoặc các ban quản lý dự án sở, ngành, quận, huyện được thành phố giao đất và làm chủ đầu tư xây dựng đồng bộ cả hạ tầng và công trình nhà ở là: Khu TĐC Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính; Khu Đền Lừ 1, 2 (quận Hoàng Mai); Khu 5,3 ha Dịch Vọng (Cầu Giấy); Khu 7,2 ha Vĩnh Phúc (Ba Đình); Hoặc được thành phố giao chủ đầu tư xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật được bàn giao lại cho TP như các nhà CT1A, CT1B, NO14A, NO14B, NO14C khu đô thị Định Công, nhà 4F Trung Yên, nhà CT2-CT5 khu đô thị Mễ Trì Hạ.

Một nguồn quỹ nhà TĐC nữa do Quỹ Đầu tư phát triển thành phố hoặc Ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn ngân sách (Sở Xây dựng) đặt ký hợp đồng mua như nhà chung cư 17T10-17T11 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, 80 căn hộ khu Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì), 780 căn khu đô thị Nam Thăng Long (Tây Hồ).

Cơ quan đầu mối giúp UBND TP quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư là Sở Kế hoạch - Đầu tư. Sở này cũng là cơ quan thẩm định trình UBND TP chấp thuận sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây quỹ nhà TĐC; cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư quỹ nhà; kiểm tra, thanh tra công tác đầu tư.

Thẩm quyền bố trí quỹ nhà TĐC là UBND TP, Sở Xây dựng là cơ quan giúp việc cân đối, quản lý quỹ nhà và bố trí quỹ nhà TĐC cho các dự án.

Theo thống kê của cơ quan quản lý quỹ nhà TĐC là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị thuộc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, tính đến ngày 10 tháng 4/2009, trong tổng số 8.780 căn hộ hoàn thành tại 111 tòa nhà TĐC mới có 6829 căn hộ có dân vào ở; số căn hộ đã bố trí về nguyên tắc cho các dự án nhưng chưa có quyết định, nghĩa là vẫn bỏ trống 1.759 căn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, số căn hộ dự kiến có khả năng hoàn thành năm 2009 là 4.984 căn hộ và số căn hộ dự kiến có khả năng hoàn thành năm 2010 - 2011 là 7.123 căn.

Quĩ nhà đất theo quyết định 123


Về quỹ nhà 30% do các dự án bàn giao cho thành phố, hiện có 4 dự án bán lại cho TP 124 căn hộ, gồm: 42 căn tại khu nhà ở chung cư cao tầng tại ngõ 67, phường Đức Giang (Long Biên) do công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm làm chủ đầu tư và xây dựng; 32 căn hộ tại dự án nhà ở và bán tại Mỹ Đình (Từ Liêm) do Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội (Cty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội) làm chủ đầu tư; 32 căn tại số 62, ngõ 83 đường Trường Chinh; 18 căn tại khu nhà ở phố Cự Lộc do Ban Quản lý dự án thuộc nguồn vốn ngân sách cấp (Sở Xây dựng) đặt ký hợp đồng hàng mua nhà.

Về quỹ đất 20% của thành phố, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát quỹ đất này tại các khu đô thị mới với kết quả: hiện có 15 dự án đang GPMB và 7 dự án đã GPMB xong nhưng chưa bàn giao cho chủ đầu tư xây nhà TĐC với diện tích 242.942m2; 24 dự án khác đã giao cho thành phố sử dụng quỹ đất 20% có diện tích là 350.554 m2.

Theo công văn số 2265/SXD-KHTH ngày 13/4/2009 của Sở Xây dựng, trong quy hoạch sắp tới, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng TĐC tập trung phục vụ di dân GPMB tại phường Xuân La (Tây Hồ), xã Phú Diễn (Từ Liêm); xã Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội (Đông Anh); khu tây nam Kim Giang… với khoảng 10.000 căn hộ TĐC và dự kiến hoàn thành vào năm 2011 và 2015.

Hiện Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh đề án "Xây dựng các khu đô thị mới phục vụ TĐC và nhà ở xã hội, nhà ở chính sách" để báo cáo thành phố trong tháng này. Trong giai đoạn 2010-2020, dự kiến triển khai thực hiện từ ba đến năm khu đô thị mới theo hướng này. Đến nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã giới thiệu 3 khu TĐC bao gồm: Khu Thượng Cát (Từ Liêm), La Phù (Hoài Đức) và khu Thanh Liệt (Thanh Trì) và dự kiến giới thiệu thêm các khu đô thị TĐC tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Khu tây nam các trường đại học (Từ Liêm) với quy mô mỗi khu từ 50 ha trở lên bảo đảm đủ tiêu chuẩn đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị