Có nên siết cho vay mua bất động sản ?

Cập nhật 07/01/2008 08:00

Sức ép lên thị trường chứng khoán cuối năm cao bao nhiêu thì cơn sốt của thị trường bất động sản cũng tăng theo bấy...

Sức ép lên thị trường chứng khoán cuối năm cao bao nhiêu thì cơn sốt của thị trường bất động sản cũng tăng theo bấy nhiêu. Nhắm đây là thị trường ngon ăn, ngân hàng nào cũng đua nhau cho vay

Ngoài cho vay tiêu dùng, cho vay mua bất động sản đang được các ngân hàng xem là loại hình dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Các cá nhân có tiền nhàn rỗi cũng đang dồn cho vay mua bất động sản.

Cuộc đua giữa các ngân hàng

Ngay khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán có hiệu lực vào đầu tháng 7, nhiều nhà đầu tư tìm cách rút lui dần khỏi “sàn” trước ngày 31.12.2007, ngày mà ngân hàng bị buộc phải “siết nợ” để bảo đảm tuân thủ Chỉ thị 03.

Vào lúc thị trường chứng khoán đang bị “ép phê” bởi Chỉ chị 03, thị trường bất động sản thừa cơ bùng lên dữ dội. Sức ép lên thị trường chứng khoán cuối năm cao bao nhiêu thì cơn sốt của thị trường bất động sản cũng tăng theo bấy nhiêu. Đi đâu cũng toàn nghe thông tin về nhà đất, về các dự án cả khu vực nội thành lẫn ngoại ô TPHCM và các tỉnh lân cận.

Nhắm đây là thị trường ngon ăn nhất, ngân hàng nào cũng đua nhau cho vay. Phát pháo đầu tiên là chương trình “Cho vay lãi cấn trừ - Bất động sản” do Sacombank triển khai vào đầu tháng 7. Với chương trình này, khách hàng có thể vay với thời hạn cho vay lên đến 15 năm, không giới hạn mức vay tối thiểu và có thể vay tối đa đến 70% giá trị bất động sản cần mua.

Liền sau đó, hàng loạt ngân hàng như An Bình, ANZ,... cũng triển khai cho vay mua nhà để ở, để đầu tư,... với rất nhiều ưu đãi. Mặc dù nhiều ngân hàng đang cố giấu thông tin về tỉ lệ dư nợ cho vay mua bất động sản, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng ở các ngân hàng nhỏ, tỉ lệ này đã vượt quá 20% tổng dư nợ.

Tư nhân cũng vào cuộc

Sáng 4-1, khi đến một sàn giao dịch bất động sản tại quận 1, chúng tôi gặp người quen cũ, là vợ của giám đốc một công ty dịch vụ vận tải đường biển (quận Bình Thạnh). Ngạc nhiên khi thấy cô Ch. có ý định mua một khu đất biệt thự, vì trước đó cô than đang kẹt tiền bởi một lô đất tại Nhà Bè chưa bán được do chưa thỏa thuận được giá, thế nhưng cô cho biết đất đang tăng giá, mua càng sớm thì mức lời sẽ càng cao. “Vốn mua đất cô phải mượn hoàn toàn đó” - cô Ch. bật mí. Cô cho biết nhờ một số dự án trước có sinh lời và việc “vay, trả” luôn đúng hẹn nên được tin tưởng cho vay tiếp.

Gần đây, quán bar tại Cung Văn hóa Lao động (TPHCM) thường xuyên vắng mặt bà C. (quận 1) bởi bà luôn bận rộn vì phải đi gặp “khách hàng”. Khi bùng nổ cơn sốt đất, người phụ nữ U70 này bỗng trở thành chủ nợ bất đắc dĩ.

Ban đầu chỉ là con cháu mượn tiền để đầu cơ, đặt cọc sang tay liền nên trả rất nhanh. Sau đó đến lượt người thân, bạn bè tìm tới mượn. Bà C. cho biết do lớn tuổi không muốn làm ăn nữa nên toàn bộ tiền nhàn rỗi chỉ biết gửi ngân hàng. Nhưng gửi ngân hàng lỗ vì lạm phát cao, nên bà cho người quen vay vừa có tình lại vừa có mức lãi “hợp lý”.

Nguy cơ “bể bong bóng”

Gần đây, ngân hàng Trung ương và các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ “bể bong bóng”, thế nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn tranh nhau cho vay, và người đi vay có bao nhiêu tiền đều đổ hết vào bất động sản. Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM, cho biết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo Vụ Chính sách Tiền tệ xem xét lại vấn đề cho vay mua bất động sản tại các ngân hàng, từ đó sẽ xây dựng một quy trình nhất định và trích lập một hệ số rủi ro đối với tín dụng bất động sản.

Tiến sĩ Trương Quang Hùng (ĐH Kinh tế TPHCM) nhận định, nếu Nhà nước có chính sách điều tiết như siết chặt tỉ lệ cho vay mua bất động sản như từng siết thị trường chứng khoán bằng Chỉ thị 03 thì giá bất động sản sẽ rớt mạnh và những người lỡ mua ở mức giá đỉnh chắc chắn sẽ lỗ nặng, thậm chí mất khả năng trả nợ.

Theo Người Lao Động